900 tàu cá nằm bờ vì chi phí ra khơi đội gấp đôi

(ĐTTCO)- Những năm gần đây ngành nghề khai thác đánh bắt thuỷ sản ở tỉnh Kiên Giang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng cao cộng với những khó khăn tồn tại trước đó đã khiến hàng trăm tàu cá nằm bờ.
900 tàu cá nằm bờ vì chi phí ra khơi đội gấp đôi

Khảo sát của Chi cục thuỷ sản Kiên Giang cho thấy trong tổng số 3.976 tàu cá (chiều dài từ 15m trở lên) của địa phương này thì hiện có tới hơn 900 tàu cá nằm bờ chưa ra khơi hoạt động khai thác; trong số này có khoảng 300 tàu nằm bờ dài hạn, còn lại chưa dám ra khơi vì giá xăng dầu thời gian qua tăng quá cao. Theo ông Phan Thanh Nhân, một chủ tàu cá, giá dầu cao chót vót như thế này thì không thể ra khơi kiếm lời nổi.

“Hồi trước giá dầu chỉ có 14.000 -15.000 đồng/l, tôi đi biển còn kiếm sống được giờ dầu lên hơn 21.000 - 22.000 đồng/l rồi thì một chuyến biển đội giá từ 30 – 40 triệu đồng chi phí đi trong vòng 4 - 5 ngày, nếu tính trung bình cả tháng đội lên mấy trăm triệu đồng, tiền lời thì bù hết vào tiền dầu. Giá dầu hiện tại quá cao rồi, ảnh hưởng rất nặng đến ngư trường. Một số thuyền còn hoạt động được thì cũng không có lãi nhiều. Những người không có khả năng lo chi phí thì cho thuyền nằm bờ” - ông Nhân nói.

Theo tính toán sơ bộ, chi phí nhiên liệu chiếm đến 70% tổng chi phí chuyến ra khơi của ngư dân nên giá nhiên liệu tăng giảm sẽ quyết định lỗ lãi của mỗi chuyến đánh bắt. Nếu như năm 2021, chi phí mỗi chuyến ra khơi 30 ngày của một cặp tàu vào khoảng 900 triệu đồng – 1 tỉ đồng thì hiện nay đã tăng lên từ 1,7 - 2 tỉ đồng. Trong đó, mỗi cặp tàu tốn khoảng 45.000 lít dầu, với giá 25.000 đồng/lít hiện nay thì riêng tiền nhiên liệu đã tốn hơn 1,1 tỉ đồng.

Trong khi sản lượng hải sản đánh bắt ngày càng giảm, mỗi chuyến ra khơi trở về dù bán hết hải sản nhưng ngư dân vẫn không có lãi, thậm chí lỗ nặng. Hiện tại, phần lớn chủ tàu đều thế chấp tài sản cho ngân hàng nên nếu lỗ chủ tàu rất khó có thể trả nợ vay. Chưa kể tàu cá nằm bờ kéo dài sẽ làm phát sinh các chi phí như chi phí giữ tàu, sửa chữa tàu do tàu không hoạt động lâu ngày. Tuy nhiên, chủ tàu không còn lựa chọn nào khác thà chịu tốn tiền gửi ở cảng còn hơn ra khơi mà chịu lỗ nặng.

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết: “Mỗi chuyến biển 45.000 lít dầu, 1 chuyến đi biển phải có 24 lao động. Chi phí cho 1 ngư phủ thời điểm năm 2021 mỗi ngư phủ phải ứng trước 15 triệu đồng, thì bây giờ phải tăng 20 triệu, tài công thì 100 triệu, tài công đực 50 triệu là 150 triệu. Một thuyền ra còn tiền nước đá, tiền nhớt, ngư lưới cụ, trang thiết bị, lương thực thực phẩm hiệu nay đều tăng. Giá cá xô 12.000 đồng/kg bình thường thì nay nhích lên 12.200 đồng/kg, lên được 200 đồng, không là bao nhiêu”.

tau_ca_neo_dau_trong_bo_1_.jpg

Trong khi đó, theo ông Dương Tấn Tài, chủ 6 cặp tàu chuyên làm dịch vụ thu mua, cấp nước đá tại Cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, giá xăng dầu tăng vọt không chỉ làm đảo lộn hoạt động đánh bắt mà còn khiến cho hoạt động hậu cần nghề cá, thu mua tê liệt theo.

“Năm nay giá dầu quá cao, bình thường để ra khơi một cặp tàu phải tốn từ 1,3-1,5 tỷ đồng nhưng giá dầu tăng thế này thì nhảy lên hai tỷ đồng. Với giá dầu này thì không thuyền nào chịu nổi. Bà con ai có 3,4 cặp tàu thì chỉ chạy 1-2 cặp, chạy để mượn gạo thôi. Tôi đại diện bà con kiến nghị lên Chính phủ và tỉnh có định hướng cho bà con để phát triển làm ăn ổn định, chứ nếu không có giải pháp tháo gỡ cho ngư dân thì đoàn ghe của Kiên Giang phải chịu phá sản” - ông Tài bày tỏ.

Trước những khó khăn của ngư dân, ông Nguyễn Quốc Trường, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết, Chi cục đang tiếp tục đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang và các ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn của ngư dân nhất là có hướng hỗ trợ về giá xăng dầu giúp bà con ngư dân ổn định hoạt động khai thác trên biển; hỗ trợ đảm bảo nguồn nhân lực, lao động cho các tàu cá hoạt động.

“Trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo cho Chi cục thực hiện đề án đánh giá nguồn lợi thuỷ sản để sắp xếp lại đội tàu khai thác cho phù hợp với ngư trường hiện nay, sắp xếp lại tàu có cho phù hợp để đảm bảo cho hoạt động khai thác của bà con trên biển trong thời gian tới” - ông Trường thông tin.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cũng đã đề xuất Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh này tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện việc mở rộng, khoanh nợ, giãn nợ cho tất cả các chủ tàu; đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy định về 7 nhóm đối tượng được hưởng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ do nguyên nhân khách quan.

Các tin khác