ACB sau cơn “sóng gió”

Là NHTMCP hàng đầu nước ta, NHTMCP Á Châu (ACB) luôn để lại nhiều ấn tượng trên thị trường tiền tệ trong và ngoài nước ở các chiến lược kinh doanh sáng tạo và táo bạo. Tuy nhiên, ACB cũng là NH nội địa đầu tiên trải qua 2 “cơn bão” lớn về sự cố rủi ro thanh khoản.

Là NHTMCP hàng đầu nước ta, NHTMCP Á Châu (ACB) luôn để lại nhiều ấn tượng trên thị trường tiền tệ trong và ngoài nước ở các chiến lược kinh doanh sáng tạo và táo bạo. Tuy nhiên, ACB cũng là NH nội địa đầu tiên trải qua 2 “cơn bão” lớn về sự cố rủi ro thanh khoản.

Diễn biến hoạt động cuối tuần qua tại ACB cho thấy NH  này đã vượt qua được sự cố rút tiền hàng loạt, ổn định được tình hình hoạt động, trong đó nhiều khách hàng đã quay lại gửi tiền.

Đến cuối tuần qua đã có hơn 6.000 tỷ đồng được gửi trở lại ACB. Tuy nhiên, vấn đề mà khách hàng, cổ đông và nhà đầu tư đang quan tâm là ACB có còn lớn mạnh như trước đây sau sự cố “bầu” Kiên và ông Lý Xuân Hải vướng vào vòng lao lý.

Dấu ấn người cũ

Không thể phủ nhận dấu ấn và những đóng góp to lớn của ông Lý Xuân Hải đối với ACB trong 15 năm qua. Nhất là từ năm 2005 khi ngồi trên chiếc ghế “nóng” đảm nhiệm vai trò CEO liên tiếp trong 7 năm, tính theo tổng tài sản kể từ đó đến nay ACB luôn đạt được mức tăng trưởng cao với khả năng sinh lời được thể hiện qua chỉ tiêu lợi nhuận/vốn chủ sở hữu luôn ở mức trên 30% (ngoại trừ năm 2010 tỷ lệ này là 28,9%), có năm đạt 46,8-53,8%.

Thách thức đặt ra cho người mới không nhỏ khi NH rơi vào sự cố rủi ro thanh khoản. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng của năm 2008 cho thấy dù bất kỳ điều kiện khó khăn nào ACB luôn linh hoạt, sáng tạo, nắm bắt cơ hội và tạo ra những giải pháp đặc thù, phi truyền thống và hiệu quả trong khi vẫn luôn duy trì được bản sắc văn hóa của mình.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA,
Chuyên gia NH

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới và biến động kinh tế vĩ mô trong nước, ACB luôn có mức tăng trưởng bền vững, tỷ lệ chia cổ tức ổn định làm hài lòng các cổ đông và nhà đầu tư. ACB không chỉ được đánh giá là một trong những NH lớn nhất Việt Nam mà còn có các mối quan hệ với nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Những động thái của ACB trên thị trường tiền tệ được xem như xu thế điển hình cho những NH cổ phần nội địa. Chính điều này khiến ACB trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong nền kinh tế nước ta hiện nay.

Trong thời gian ông Hải điều hành, ACB cũng liên tiếp nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng từ Chính phủ cũng như các tổ chức trong và ngoài nước.

Bản thân cá nhân ông Lý Xuân Hải cũng được giới tài chính đánh giá cao về độ nhạy bén, quyết đoán và là một diễn giả giỏi. Những buổi thuyết trình, hội thảo có ông tham gia luôn thu hút được nhiều khách hàng và nhà đầu tư. Không nói quá khi ông được đánh giá là một trong những CEO NH nội địa khá nổi tiếng trong những năm qua.

Trong đó, ông đã 2 lần được Tạp chí “The Asian Banker” bình chọn là lãnh đạo NH xuất sắc nhất Việt Nam năm 2007 và 2010. Trong một lần trả lời ĐTTC về chiến lược của NH năm 2010, thời kỳ được xem là khó khăn của ngành, ông Hải đã khẳng định ACB sẽ tiếp tục chiến lược “dò đá qua sông”, vừa đi vừa dò với những bước đi vững chắc, an toàn.

Thay vì đặt ra những mục tiêu ngắn hạn, ACB tập trung xây dựng chương trình hành động mang tính chất dài hơi nhằm đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế.

Đặc biệt ông khá nổi tiếng với câu: “Trong và sau khủng hoảng sẽ có nhiều cơ hội cho những NH đi sau lẫn đi trước. Quan trọng là NH có đủ nhanh nhạy và bản lĩnh để nắm bắt được những cơ hội ấy hay không”. Và đúng như khẳng định của ông, ACB vẫn có những bước phát triển khá ngoạn mục từ đó đến nay.

Thách thức người mới

NHNN đã chấp thuận việc ACB bổ nhiệm ông Đỗ Minh Toàn làm CEO mới thay ông Lý Xuân Hải. Bản thân ông Đỗ Minh Toàn, cùng với kinh nghiệm  hơn 17 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính NH và nhiều thành tích đóng góp khác, đã được công nhận là “Nhà lãnh đạo trẻ triển vọng của Việt Nam 2007” do The Asian Banker bình chọn.

Ông từng đảm nhiệm các vị trí như Trưởng phòng Tín dụng doanh nghiệp tại Hội sở, Giám đốc chi nhánh, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc.

Hoạt động giao dịch tại ACB đã trở lại bình thường. Ảnh: Cao Thăng

Hoạt động giao dịch tại ACB đã trở lại bình thường. Ảnh: Cao Thăng

Từ năm 2011, ông Đỗ Minh Toàn được HĐQT bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc Thường trực. Với phong cách nhanh nhẹn, ông Toàn được giới tài chính đánh giá là người thông minh, nhanh nhẹn, thẳng thắng và có phần khó tính.

Phát biểu khi ngồi “ghế nóng”, ông Toàn cho biết: “Điều đặc biệt ở ACB là chúng tôi luôn đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống và bộ máy tốt. Và với mô hình tổ chức của ACB về quản trị, cá nhân nào cũng có thể tham gia điều hành tốt với vai trò CEO”.

Phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp - một trong 2 nhánh khách hàng quan trọng của hoạt động NH - ông Toàn luôn tâm niệm cần chia khách hàng để có chế độ chăm sóc thích hợp. Theo ông, có những trường hợp ACB với khách hàng cùng chia sẻ rủi ro, nhưng cũng có trường hợp cần “cứng rắn” hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh các NH cạnh tranh gay gắt, đôi khi không lành mạnh, càng cần có bộ máy biết phản ứng nhanh và thích ứng tốt với môi trường kinh doanh.

Vì vậy, sẽ không quá ngạc nhiên nếu ACB nhanh chóng phục hồi. Bởi lẽ đây là NH với kinh nghiệm và uy tín thương hiệu từ 20 năm phát triển vượt bậc với tổ chức vận hành vững mạnh, năng lực tài chính dồi dào, được tin tưởng và hỗ trợ từ các bên hữu quan.

Cũng có ý kiến cho rằng sau “cơn bão” này, ACB sẽ khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2012, đặc biệt phải mất ít nhất 2-3 năm mới khôi phục lại sức mạnh như trước đây. Điều này còn chờ thời gian trả lời và cũng còn tùy vào tài năng lèo lái “con thuyền” ACB của vị thuyền trưởng mới Đỗ Minh Toàn.

Tuy nhiên, số liệu mới đây cho thấy đến nay tình hình tài chính của ACB vẫn khá khả quan. Đến ngày 22-8, tổng tài sản ACB đạt hơn 225.000 tỷ đồng, chủ sở hữu đang ở mức 13.586 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.345 tỷ đồng, hệ số an toàn vốn ở mức 10,27%.

Theo lãnh đạo ACB, NH luôn quản lý tốt được các tình huống xảy ra trong hoạt động của mình. Dù khó khăn hơn nhưng những điều này không ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính, quyết định quản trị điều hành và hoạt động kinh doanh của ACB.

Ngoài ra, hoạt động điều hành của ACB được tổ chức, báo cáo và kiểm soát minh bạch, độc lập. Các quyết định của HĐQT, ban điều hành trước nay luôn dựa trên các phán quyết tập thể, trên cơ sở hài hòa lợi ích tất cả đối tượng và không chịu sự chi phối của bất kỳ cá nhân riêng lẻ nào.

Nguồn nhân lực của ACB được tạo nên bởi những thành viên có tri thức cao, khả năng tư duy độc lập, tầm nhìn xa và năng lực tổ chức vận hành tốt. Nhân sự chủ chốt kế thừa được quy hoạch và đào tạo liên tục để luôn sẵn sàng điều hành hoạt động xuyên suốt của NH.

Đặc biệt, ACB có những cổ đông lớn, chiến lược có tiềm lực, như NH Standard Chartered, cùng với các cổ đông nước ngoài khác bao gồm Jardines và Dragon Capital. Trong khả năng của mình, những cổ đông này vẫn liên tục hỗ trợ ACB trong hoạt động của NH.

Các tin khác