(ĐTTCO) - Sáng 8-4, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 thông qua kế hoạch lợi nhuận ở mức 1.500 tỷ đồng. Đồng thời, cổ đông tiếp tục chất vấn về việc thu hồi nợ tại nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên, theo đó ACB dùng 1.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng cho nhóm này trong năm 2016.
![]() |
Theo trả lời của Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn, ACB đặt kế hoạch trích lập dự phòng năm 2016 là 1.500 tỷ đồng, trong đó sẽ dùng 1.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng cho nhóm 6 công ty trên. Riêng trong quý I-2016, ACB đã trích lập dự phòng 200 tỷ đồng. Tính đến 31-12-2015, tổng nợ xấu của nhóm 6 công ty gần 5.800 tỷ đồng, trong đó (dư nợ cho vay 1.866 tỷ đồng, số dư trái phiếu 3.734 tỷ đồng và các khoản phải thu khác 1.166 tỷ đồng).
Giải thích về khoản lỗ từ mua bán chứng khoán đầu tư, lãnh đạo ACB cho biết do kỹ thuật hoạch toán kế toán. Trong đó, ngân hàng phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư trái phiếu chính và trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra ACB còn có 2 danh mục đầu tư chiến lược tại Đạm PHú Mỹ (DPM) và Xi măng Bút Sơn.
Với DPM, ACB vẫn nhận cổ tức hàng năm, nhưng ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro 96 tỷ đồng, còn Xi măng Bút Sơn 176 tỷ đồng. Theo ông Đỗ Minh Toàn, ACB muốn chuyển từ đầu tư chiến lược sang đầu tư sẵn sàng bán để thu lợi nhuận về cho ngân hàng.
Nói về Thông tư 36 sửa đổi cho phép vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 60% xuống còn 40%, và hệ số cho vay bất động sản từ 150% lên 250%, Tổng giám đốc ACB cho biết các quy định trên không ảnh hưởng quá nhiều đến ngân hàng. Hiện tại, ACB có dư nợ cho vay bất động sản 2.000 tỷ đồng, con số này rất thấp so với tổng dư nợ 134.000 tỷ đồng, đồng thời ACB sẽ lên kế hoạch cho dòng vốn trung và dài hạn trong thời gian tới.
Tại đại hội, ông Julian Loong Choo, đại diện phần vốn Standard Chartered Bank tại ACB, có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017. Standard Chartered Bank, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài từ năm 2005 đang nắm giữ 15% cổ phần của ACB. Standard Chartered cho biết đã từng bước đào tạo người thay thế chuyên gia biệt phái của mình, và nhận thấy năng lực của ACB đã phát triển mạnh, nên quyết định rút người và công tác chuyển giao nhân sự xem như đã hoàn thành.
Đại hội đã thông qua kết quả kinh doanh 2015 và chia cổ tức bằng cổ phiếu 10% từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu đã được NHNN phê duyệt. Để thực hiện, HĐQT dự kiến phát hành hơn 89,62 triệu cổ phần trả cổ tức và hoàn thành trong năm 2016. Sau phát hành, vốn điều lệ ACB tăng từ 9.377 tỷ đồng lên 10.273 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2015, quy mô tổng tài sản của ngân hàng đạt 201.000 tỷ đồng, tăng 22.000 tỷ đồng so cuối năm 2014 và đạt 99% kế hoạch. ACB hoàn thành mục tiêu nâng quy mô vốn huy động lên 175.000 tỷ đồng, tăng trưởng 13%. Nguồn vốn không kỳ hạn tăng mạnh 30% (cùng kỳ tăng 1 5%) góp phần cải thiện chi phí vốn ở mức hợp lý. Dư nợ cho vay đạt 134.000 tỷ đồng, tăng trưởng 15% theo hạn mức phân bổ của NHNN. Tín dụng khách hàng cá nhân tăng mạnh 25%, bám sát định hướng chiến lược của ACB.
Đến cuối năm 2015, quy mô nợ xấu ACB giảm mạnh hơn 30%, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm về mức 1,32% so với mức 2,18% tại thời điểm cuối năm 2014. Tỷ lệ nợ nhóm 2 - nợ cần chú ý - giảm từ 2,6% về mức 1,74% do quy mô nợ nhóm 2 giảm mạnh 22%. Lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn năm 2015 đạt 1.314 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014.
Một số chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu của năm 2016 đã được cổ đông thông qua, trong đó tổng tài sản tăng 18%, đạt 237.000 tỷ đồng. Tín dụng tăng trưởng tối đa hạn mức NHNN cho phép, dự kiến khoảng 18%. Vốn huy động từ tiền gửi khách hàng tăng trưởng phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn 18%. Duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế Tập đoàn khoảng 1.503 tỷ đồng.