(ĐTTCO) - Theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm phân tích Eurofins thì sản phẩm Hảo Hảo tôm chua cay nội địa không có chất ethylene oxide nhưng có một lượng rất nhỏ 2-chloroetanol.
Trong thông báo chiều 12-9, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tiếp tục gửi lời xin lỗi đến khách hàng vì các thông tin chưa rõ ràng với việc thu hồi 2 lô sản phẩm xuất khẩu của công ty tại Liên minh Châu Âu (EU).
Doanh nghiệp cho biết đã nhanh chóng làm rõ thông tin, rà soát toàn bộ quy trình sản xuất, và gửi thử nghiệm một số mẫu sản phẩm nội địa tại Trung tâm phân tích Eurofins.
Theo kết quả xác minh và thử nghiệm mẫu thực tế của Trung tâm phân tích Eurofins, Acecook Việt Nam cho biết sản phẩm mì Hảo Hảo tôm chua cay nội địa hoàn toàn không có chất ethylene oxide. Nhưng có sự hiện diện của một lượng rất nhỏ 2-chloroetanol (2-CE) với hàm lượng 1,17 ppm.
"Xin lưu ý hàm lượng 2-CE này có giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với tiêu chuẩn của Mỹ (940 ppm), Canada (940 ppm) và một số quốc gia khác. Chúng tôi khẳng định sản phẩm Hảo Hảo tôm chua cay nội địa có chất lượng đảm bảo và hoàn toàn tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam", thông tin của Acecook Việt Nam khẳng định.
Theo kết quả thử nghiệm mẫu thực tế của Trung tâm phân tích Eurofins, sản phẩm mì Hảo Hảo tôm chua cay nội địa hoàn toàn không có chất ethylene oxide. Lý giải về sự hiện diện của chất 2-CE có trong mì Hảo Hảo tôm chua cay như kết quả kiểm nghiệm, Acecook Việt Nam cho biết đây là lý do sản phẩm xuất khẩu vừa qua bị thu hồi tại EU. Bởi quy định riêng của EU về cách tính hàm lượng của ethylene oxide là gộp của cả ethylene oxide và 2-CE. Nên sự có mặt của chất 2-CE có thể được EU nhận định là không phù hợp với quy định.
Cũng theo xác minh ban đầu của công ty, đã có nhà cung cấp sử dụng ethylene oxide để khử khuẩn trong một số nguyên liệu. Bên cạnh đó, kết quả phân tích nguyên liệu của nhà cung cấp cũng phát hiện sự hiện diện của một ít 2-CE. Do vậy, Acecook Việt Nam cho rằng có thể đây là một nguyên nhân dẫn đến việc EU nhận định là sản phẩm không phù hợp với quy định của họ.
"Chúng tôi cần thêm thời gian để xác minh đầy đủ, nghiên cứu triệt để, nhằm làm rõ nguyên nhân và sẽ tiếp tục cập nhật khi có thông tin thêm", Acecook Việt Nam nói thêm.
Acecook cho biết thời gian này,doanh nghiệp quyết định tạm ngưng xuất khẩu với thị trường EU. Đồng thời trao đổi với những nhà phân phối tại các nước EU về việc ngưng xuất hàng ra thị trường đối với những sản phẩm còn chưa đạt tiêu chuẩn EU về chất 2-CE.
Doanh nghiệp sẽ nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất và phối hợp với nhà phân phối, tiến hành các công việc thu hồi theo yêu cầu của các cơ quan quản lý tại các quốc gia xảy ra sự việc.
Đồng thời, Acecook Việt Nam cũng đã khẩn trương yêu cầu mạnh mẽ tất cả các nhà cung cấp cam kết tuyệt đối không được sử dụng ethylene oxide để khử khuẩn.
Đại diện doanh nghiệp với thị phần mì ăn liền lớn nhất khẳng định với tư cách là một công ty Nhật Bản và gần 30 năm kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp cam kết sản phẩm Hảo Hảo tôm chua cay và các sản phẩm khác của Acecook Việt Nam đang tiêu thụ tại thị trường nội địa hoàn toàn đạt tiêu chuẩn theo quy định pháp luật của Việt Nam, đảm bảo an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.
Doanh nghiệp cũng cam kết siết chặt hơn nữa việc kiểm soát nguyên liệu, quy trình sản xuất, quy trình phân phối sản phẩm cả trong và ngoài nước, để không xảy ra sự cố đáng tiếc.
Bộ Công Thương cũng cho biết đã nhận được báo cáo về kết quả này và đây là kết quả kiểm nghiệm chủ động từ doanh nghiệp. Bộ vẫn yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng.
Bộ cũng yêu cầu điều tra, đánh giá chi tiết về chủng loại, thành phần nguyên liệu, quá trình khử khuẩn, nguồn gốc và lượng ethylene oxide dùng khử khuẩn, cũng như tăng cường các biện pháp kiểm soát tương ứng nhằm ngăn chặn phơi nhiễm EO của thực phẩm.
Ngày 20-8, Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) cho biết đã thu hồi một số sản phẩm mì ăn liền, do có thành phần ethylene oxide, trong đó có 2 sản phẩm của Việt Nam là miến Good và mì tôm chua cay Hảo Hảo, do Công ty Acecook sản xuất.
Cũng theo cảnh báo, mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm có chất này không gây nguy hiểm cấp tính, nhưng có thể gây vấn đề về sức khỏe, nếu tiếp tục tiêu thụ trong một thời gian dài. Do đó, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với chất này.
Hiện Việt Nam chưa có quy định về cho phép hay cấm sử dụng ethylene oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng trong thực phẩm. Nhiều quốc gia, tương tự Việt Nam cũng chưa có quy định liên quan việc dùng chất này trong nông nghiệp, thực phẩm. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng ethylene oxide trong thực phẩm.
H.Linh