Nguyên nhân theo ADB do kinh tế Việt Nam chịu tác động cú sốc ban đầu về nguồn cung bởi ảnh hưởng dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) bùng phát. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ các tác động giảm mạnh về cầu hiện vẫn đang diễn ra tại các quốc gia là đối tác thương mại và đầu tư chính của Việt Nam.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức 3,8% trong quý I-2020, so với mức 6,8% cùng kỳ năm 2019. Việc hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn lây lan virus dẫn đến tiêu dùng nội địa chậm lại. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì được sản xuất cho dù có những khó khăn trong thời gian đầu, chủ yếu dựa vào nguyên vật liệu tồn kho, tuy nhiên nguồn này cũng đang giảm dần. Sản xuất nông nghiệp bị đình trệ, do cầu tiêu thụ nông sản xuất khẩu giảm, và ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm ngập mặn vùng ĐBSCL. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ, khu vực bị tác động nhiều nhất của đại dịch, giảm xuống chỉ còn 3,2% trong quý I-2020, so với mức 6,5% cùng kỳ năm 2019” - báo cáo của ADB đánh giá.
Để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đầu tháng 3-2020, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tín dụng trị giá 10,8 tỷ USD (khoảng 0,4% GDP) bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm các loại lãi suất và phí. Chính phủ cũng đưa ra 2 gói hỗ trợ ngân sách trị giá 1,3 tỷ USD bao gồm giảm các loại thuế, phí cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đồng thời cũng giãn thời hạn nộp thuế, và dự tính các hỗ trợ về mặt ngân sách của Chính phủ sẽ còn tăng lên.
NHNN cũng cắt giảm các lãi suất chính sách từ 0,5-1%, hạ trần lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam với các kỳ hạn dưới 6 tháng và hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với những lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên, theo nhận định của báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á” (ADO 2020), ấn phẩm kinh tế thường niên hàng đầu của ADB, nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì. Nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021 - theo như dự báo của ADB trước khi xảy ra Covid-19 và nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn.
Các động lực của tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu đến từ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khu vực kinh tế tư nhân năng động hiện vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Môi trường kinh doanh trong nước vẫn tiếp tục được cải thiện. Chi tiêu công ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2020, có khả năng tiếp tục gia tăng. Số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, hứa hẹn tăng khả năng tiếp cận thị trường, sẽ giúp nền kinh tế tăng tốc trở lại.
Việt Nam cũng hưởng lợi từ việc Trung Quốc khống chế được dịch Covid-19, và việc phục hồi tăng trưởng trở lại của Trung Quốc, sẽ góp phần khôi phục lại chuỗi giá trị toàn cầu.