Mức dự báo tăng trưởng này giảm 0,2 điểm % so với dự báo được ADB đưa ra hồi đầu năm nay. Nguyên nhân sụt giảm tăng trưởng theo ADB do cú sốc ngoài dự kiến, sản lượng khai khoáng và dầu thô trong nửa đầu năm nay đã giảm 8% sản lượng.
Tăng trưởng có tính đàn hồi trước các cú sốc kinh tế
Ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế quốc gia ADB, phân tích việc giảm sản lượng khai thác dầu trong nửa đầu năm 2017 đã làm giảm 0,6 điểm % trong tổng mức tăng trưởng GDP. Hoạt động khai khoáng và khai thác dầu giảm cũng là nguyên nhân chính gây sức ép đối với NSNN. Đóng góp của dầu vào tổng thu ngân sách giảm từ 15% năm 2014 xuống mức dưới 5% trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, 2 động lực tăng trưởng chính của kinh tế là tăng xuất khẩu, tăng tiêu dùng trong nước vẫn được duy trì. Các ngành sản xuất theo định hướng xuất khẩu tăng mạnh nhờ đà phục hồi của thương mại trong khu vực, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh.
Nửa đầu năm 2017, xuất khẩu tăng 19%, bỏ xa mức tăng 5,7% cùng kỳ năm 2016. Thương mại trong nước cũng có sự tăng trưởng ấn tượng đạt 7,1% nhờ doanh số bán buôn và bán lẻ tăng trưởng tốt do tiêu dùng trong nước tăng.
Mặt khác, khu vực dịch vụ đặc biệt tăng cao so với năm 2016. Nguyên nhân chính do hoạt động tài chính ngân hàng tăng 7,7% và lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, đạt mức tăng 30% so với cùng kỳ 2016.
Lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản theo ghi nhận Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2017 đang có sự phục hồi chắc chắn sau khi bị ảnh hưởng bởi hạn hạn trong năm trước. ADB cho rằng, sau khi sụt giảm tăng trưởng trong năm 2016, lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản đã phục hồi mạnh trong nửa đầu năm nay. Dự báo nông nghiệp và thủy sản sẽ tăng trưởng ổn định trong 18 tháng tới. Nhưng lĩnh vực này vẫn phụ thuộc vào những rủi ro về khí hậu không lường trước được.
Một tín hiệu tích cực khác của nền kinh tế trong năm 2017 được ADB ghi nhận là giải ngân vốn đầu tư FDI ở Việt Nam vẫn tiếp tục đạt mức cao kỷ lục. Giải ngân vốn FDI trong 8 tháng đạt 10,3 tỷ USD, số vốn cam kết FDI cùng kỳ cũng tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 23,36 tỷ USD. ADB cũng dự báo, năm 2018 vốn FDI cam kết đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tiếp tục tăng.
Điểm đáng lưu ý, lĩnh vực xây dựng đang thu hút mạnh luồn vốn FDI. Trong năm 2016, tăng trưởng vốn FDI vào đầu tư xây dựng đạt 10%. Vì vậy, đầu tư FDI vào lĩnh vực xây dựng kết hợp với đầu tư trong nước gia tăng sẽ thúc đẩy lĩnh vực xây dựng tăng trưởng mạnh trong các năm 2017 - 2018.
Chuyên gia kinh tế Aaron Batten nhấn mạnh, đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có tính đàn hồi cao, vẫn duy trì được sức bật trước các cú sốc kinh tế. Điển hình là nông nghiệp sau thời kỳ suy giảm năm 2016 đã lấy lại đà tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm nay.
Vẫn còn những rủi ro từ hệ thống tài chính
Việt Nam có nhiều áp lực trong tăng trưởng vì nợ công đang cao. Tăng trưởng cần phải bền vững, không nên bơm tăng trưởng quá cao trong thời gian ngắn rồi lại sụt xuống. Nên duy trì tốc độ tăng trưởng có thể thấp hơn nhưng bền vững. Hãy thận trọng với chất lượng tăng trưởng tín dụng khi nợ xấu ngân hàng chưa giải quyết tốt. Việt Nam thường đặt ra quá nhiều chỉ tiêu, nhưng tôi nghĩ không cần như vậy, cần duy trì chất lượng tăng trưởng tín dụng.
Ông Eric Sidgwick,
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam
Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng nâng lên trong nửa cuối năm 2017 nhờ gia tăng hơn nữa đầu tư FDI, xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng trong nước, sự hồi phục mạnh mẽ từ nông nghiệp, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Nhưng ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, lại bày tỏ những lo ngại về rủi ro hệ thống tài chính.
Vị này cho rằng, những nỗ lực gần đây để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng kết hợp với mức hạ lãi suất kỷ lục có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi nợ xấu có khối lượng lớn, nhiều khoản nợ xấu tồn đọng chưa được giải quyết.
Trong 7 tháng đầu năm, việc giải quyết nợ xấu có những tiến bộ đáng kể, có khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu được VAMC xử lý thành công. Nhưng thách thức xử lý nợ xấu với VAMC còn rất lớn, cũng trong 7 tháng VAMC đã mua vào thêm 16.000 tỷ đồng nợ xấu. Điều này cho thấy, thực tế nợ xấu tại VAMC đã tăng thêm 6.000 tỷ đồng. ADB khuyến cáo, Chính phủ cần xác định việc mua vào nợ xấu của VAMC sẽ dừng ở mức nào, vì nếu không các ngân hàng sẽ tiếp tục phát sinh nợ xấu, và vấn đề nợ xấu không bao giờ khắc phục được.
Báo cáo của ADB ghi nhận những kết quả tốt trong việc giảm quy mô thâm hụt ngân sách của Chính phủ trong năm 2017. Thu NSNN tăng mạnh, tổng thu NSNN trong nửa đầu năm nay tăng 18,2% nhờ tăng thuế VAT, thuế TNDN, thuế TNCN và các nguồn thu ngoài thuế tăng. Chi tiêu công bước đầu được thắt chặt, các khoản chi đã được kiểm soát chặt chẽ trong nửa đầu năm 2017, mức tăng chi dưới 10%. Nếu việc kiểm soát chi ngân sách được duy trì, mục tiêu kiểm soát thâm hụt ngân sách 3,5% trong năm nay của Chính phủ có thết đạt được.
Điều ADB bày tỏ lo ngại là việc kiểm soát chi chặt chẽ hơn chủ yếu tập trung vào chi cho đầu tư xây dựng cơ bản. Trong khi chi thường xuyên vẫn tăng mạnh. Các khoản chi thường xuyên danh nghĩa đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, do tăng chi lương cơ bản, chi cho giáo dục, y tế. Ngược lại các khoản chi xây dựng cơ bản đang giảm, tỷ trọng chi xây dựng cơ bản trên tổng chi NSNN giảm từ 30% (năm 2011) xuống còn 16% trong nửa đầu năm 2017. Điều này sẽ tác động đến tăng trưởng trong dài hạn, và hạn chế việc thực hiện các mục tiêu phát triển.
Mối lo ngại về lạm phát tăng mạnh trong thời gian tới cũng được ADB cảnh báo khi các chính sách nới lỏng tiền tệ được thực hiện để kích thích tăng trưởng. Cụ thể, tháng 7-2017, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cắt giảm lãi suất sau 3 năm giữ ổn định. Mục tiêu của chính sách này nhằm tăng thanh khoản, khuyến khích cho vay và hỗ trợ kinh tế tăng trưởng nhanh hơn. Thực tế kể từ năm 2015 trở lại đây, tăng trưởng tín dụng hàng năm luôn ở mức cao, bình quân tăng từ 18-20%/năm. Tốc độ tăng tín dụng cao kết hợp với lãi suất thấp kỷ lục được duy trì sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát trong thời gian tới. Thống kế của ADB cho thấy, lãi suất cho vay tiền đồng trung bình hiện nay dưới 10%/năm, giảm đáng kể so với mức 20%/năm của năm 2012.
Các chuyên gia kinh tế của ADB nhận định, giá lương thực thế giới giảm đã làm lạm phát ở Việt Nam ở mức thấp trong 12 tháng qua. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản 8 tháng lại tăng mạnh, đạt mức khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng hiện nay giá lương thực thế giới có xu hướng tăng, nên việc tiếp tục đẩy tín dụng tăng trưởng cao có thể làm gia tăng mạnh áp lực lạm phát. Với giả định giá lương thực ở thị trường trong nước và thế giới tiếp tục ở mức thấp, lạm phát năm 2017 dự báo là 4,5%, con số này sẽ tăng lên 5,5% trong năm 2018.