Tiến bộ bị đảo ngược
Các chuyên gia cho rằng sự sụp đổ của chính phủ Ghani là không thể tránh khỏi, khi lực lượng NATO dần rút khỏi đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh vào tháng 5-2021 theo một thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban vào tháng 2-2020. Ngoài tác động địa chính trị của việc Taliban trở lại nắm quyền, cuộc sống người dân Afghanistan đã thay đổi đáng kể kể từ năm ngoái nhưng theo chiều hướng tồi tệ hơn.
Sau khi Taliban bị lật đổ vào năm 2001, Afghanistan dưới thời các tổng thống Hamid Karzai và Ashraf Ghani đã đạt được nhiều tiến bộ trong 2 thập niên qua. Các phương tiện truyền thông độc lập phát triển mạnh mẽ, nhân quyền được cải thiện đáng kể, số lượng trẻ em gái đi học và các trường đại học ngày càng nhiều, tầng lớp trung lưu của Afghanistan cũng được hưởng sự thịnh vượng của đất nước trong thời gian này.
Nhưng trong 12 tháng qua, phần lớn thành tựu này đã bị đảo ngược. Taliban đã không thực hiện hầu hết lời hứa của họ theo thỏa thuận Doha năm 2020. Họ miễn cưỡng thành lập một chính phủ hòa nhập trong nước, trong khi trẻ em gái trên 12 tuổi không được phép đến trường, phụ nữ không được phép làm việc trong hầu hết lĩnh vực hoặc đi vào các công viên không có nam giới đi cùng. Nền kinh tế của Afghanistan ở vào tình trạng rơi tự do, và Liên hiệp quốc (LHQ) đã cảnh báo về thảm họa nhân đạo đang xảy ra.
Hàng triệu người Afghanistan thất nghiệp, tài khoản ngân hàng của họ bị đóng băng. Nhiều người phải bán nhà cửa chỉ để mua thực phẩm, trong khi ở các thành thị lần đầu tiên phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực tương tự như các khu vực nông thôn.
Vào tháng 1, LHQ đã đưa ra lời kêu gọi viện trợ 4,4 tỷ USD cho Afghanistan để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng nhanh chóng nhất thế giới và ngày càng xấu đi. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đã miễn cưỡng giao các khoản tiền trực tiếp cho Taliban, vì lo ngại họ sẽ sử dụng tiền đó để mua vũ khí. Cũng với lý do tương tự, Mỹ từ chối giải phóng tài sản ngân hàng của Afghanistan.
Nữ quyền bị đe dọa
Theo LHQ, Afghanistan là quốc gia duy nhất trên thế giới nơi trẻ em gái không được phép học trung học. Một lượng lớn phụ nữ làm việc ở các vị trí khác nhau trong các chính quyền trước đây, từ cấp bộ trưởng đến các văn phòng, đã bị Taliban sa thải trong những tháng đầu tiên cầm quyền. Nhiều phụ nữ Afghanistan đã xuống đường để phản đối các quyết định đàn áp của Taliban và bị đáp trả bằng vũ lực, bắt bớ.
"Chưa đầy 1 năm sau khi tiếp quản Afghanistan, các chính sách hà khắc của Taliban đang tước đi quyền của hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái về việc có cuộc sống an toàn, tự do và đầy đủ" - Agnes Callamard, Tổng Thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) - cơ quan theo dõi nhân quyền toàn cầu, cho biết.
Bất chấp áp lực từ những người cầm quyền Hồi giáo, nhiều phụ nữ Afghanistan đang cố gắng để tiếng nói của họ được lắng nghe. Các nhóm nữ quyền lên tiếng trên mạng xã hội phản đối chiến dịch đàn áp của Taliban, như bắt giữ tùy tiện, cưỡng chế mất tích, tra tấn thể chất và tâm lý… Zholia Parsi, nhà đấu tranh cho quyền phụ nữ, nói cô tiếp tục phản đối để bảo vệ tương lai của con mình. "Một trong những đứa con gái của tôi lẽ ra phải học đại học, trong khi đứa khác đáng lẽ đã học lớp 11. Vì thế, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài đấu tranh để lấy lại quyền của mình, tôi sẽ không im lặng” - cô nói.
Đe dọa tự do báo chí
Truyền thông độc lập được coi là kẻ thù của Taliban. Lĩnh vực này đã phát triển nhảy vọt trong năm 2001-2020, nhưng hiện nay hàng ngàn nhà báo Afghanistan đang phải sống lưu vong hoặc bị mất việc làm. Theo Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RWB), 43% cơ sở truyền thông của Afghanistan đã bị đóng cửa trong 3 tháng qua. "Trong số 10.780 người làm việc tại các tòa soạn của Afghanistan vào đầu tháng 8-2021, chỉ 4.360 người còn làm việc vào tháng 12-2021, tức chỉ còn lại 4/10 nhà báo” - RWB cho biết.
Mohammad Zia Bumia, người đứng đầu Hiệp hội Truyền thông Tự do Nam Á tại Afghanistan, nói sau khi chính phủ của Ashraf Ghani sụp đổ, nhiều cơ quan truyền thông Afghanistan đã đóng cửa hoạt động khiến hàng trăm nhà báo Afghanistan thất nghiệp. Theo ông, cuộc đàn áp của Taliban và tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ là những lý do làm truyền thông xấu đi. "Taliban đã áp đặt kiểm duyệt nghiêm ngặt đối với phương tiện truyền thông - về tin tức cũng như giải trí" - ông nói thêm.
RWB nói các nhà báo nữ đã phải chịu áp lực nhiều hơn kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan. "Taliban đã liên tục cử người đến nhà đe dọa tôi. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời khỏi Afghanistan" - Saleha Ainy, một nhà báo Afghanistan trốn sang Iran, nói với DW. Hujatullah Mujadidi, người đứng đầu Hiệp hội Nhà báo Độc lập Afghanistan, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nhà báo Afghanistan.
Nguy hiểm phía trước
Bất chấp mức độ nghiêm trọng của tình hình, cuộc khủng hoảng Afghanistan đang nhận được ít sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, vì xung đột Ukraine đang chiếm ưu thế trong các chương trình nghị sự toàn cầu. Một số nhà quan sát cho rằng tình hình hiện tại ở Afghanistan tương tự những năm 1990. Taliban nắm chính quyền vào năm 1996, nhưng cộng đồng quốc tế không lường hết được những hậu quả tiềm tàng của nó. Điều này đang khiến đất nước này trở thành một trung tâm của các nhóm chiến binh địa phương và quốc tế. Vụ giết người gần đây của thủ lĩnh al-Qaida, Ayman al-Zawahiri, ở Kabul là thí dụ về mối nguy hiểm sắp xảy ra.
"Taliban có quan hệ với các phần tử khủng bố quốc tế. Việc họ trở lại nắm quyền đã khuyến khích các tổ chức thánh chiến trong khu vực. Khi họ củng cố bản thân, mối quan hệ của họ với các chiến binh thánh chiến và tài trợ khủng bố sẽ ngày càng tăng, gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh trong khu vực" - Farid Amiri, cựu quan chức chính phủ Afghanistan, nói.
Hiện gần nửa số dân Afghanistan, tương đương 20 triệu người, sống trong đói nghèo cùng cực; các hệ thống kinh tế, giáo dục, dịch vụ xã hội của đất nước đều sắp sụp đổ. |