Alibaba đang toan tính gì ở thị trường Việt Nam?

(ĐTTCO) - Alibaba đã đổ vốn vào nền tảng thương mại điện tử Lazada trước đây và nay là đầu tư vào nền tảng tiêu dùng The CrownX- một công ty con của Masan.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tập đoàn Masan và nhóm các nhà đầu tư trong đó có “gã khổng lồ” Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) vừa đạt được thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX- một công ty con của Masan, với tổng giá trị 400 triệu USD.

Từ Lazada đến The CrownX

Khoản đầu tư này tương đương với 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành của The CrownX, là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce.

Masan cho biết, hợp tác này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi The CrownX trở thành một nền tảng “tất cả trong một” phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online.

Theo thoả thuận, The CrownX sẽ hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online (O2O) tại Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng - bán lẻ ứng dụng công nghệ, mở rộng phạm vi phục vụ người tiêu dùng trên toàn quốc. 

Ngoài ra, VinCommerce cũng thiết lập thỏa thuận hợp tác chiến lược với Lazada- nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba, sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada.

Trước đó, chỉ trong hơn 2 năm, Alibaba đã từng nhiều lần bơm vốn đầu tư vào Lazada nhằm đẩy mạnh phát triển, chiếm lĩnh thị phần thương mại điện tử ở Đông Nam Á đầy tiềm năng trong đó có Việt Nam- thị trường đứng thứ 3 khu vực về quy mô với mức doanh thu đạt 7 tỷ USD trong năm 2020.

Sự kết hợp giữa hiểu biết của Alibaba trong ngành bán lẻ online, nền tảng thương mại điện tử của Lazada và hệ thống bán lẻ offline quy mô của Masan sẽ là chất xúc tác thúc đẩy hiện đại hóa ngành bán lẻ Việt Nam.

Theo dự đoán của Google, Temasek và Bain & Company, tới năm 2025, thương mại điện tử Việt Nam có thể sẽ đạt quy mô khoảng 29 tỷ USD, tăng trưởng 34%- mức cao nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, theo thống kê, trong top 10 trang web thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất ở Đông Nam Á năm 2020, Lazada đứng ở vị trí số 2 với tổng lượt truy cập trung bình còn cách rất xa Shopee.

Đích nhắm hàng tiêu dùng nhanh và đồ ăn

Việc The CrownX hợp tác với Alibaba thông qua Lazada sẽ giúp đơn vị này giảm đầu tư xây dựng nền tảng thương mại điện tử riêng. Vincommerce có thể phục vụ người tiêu dùng sản phẩm thiết yếu trên nền tảng online… Mặc dù thương mại điện tử tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng các mặt hàng được phục vụ ở kênh online chủ yếu là không thiết yếu.

Các mặt hàng nhu yếu phẩm (đồ uống, thực phẩm…) đang chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường bán lẻ cũng như trong hoạt động tiêu dùng của người Việt lại hạn chế trên kênh online.

Chia sẻ với VnEconomy, ông Tuấn Hà, Chủ tịch, Tổng giám đốc Vinalink, cho rằng đầu tư vào Masan là bước đi thông minh tiếp theo của “gã khổng lồ” thương mại điện tử này ở thị trường Việt Nam. Massan đang nắm hệ thống VinMart, hệ thống sản xuất và mảng dịch vụ trong tương lai sẽ là cung cấp đồ ăn sơ chế chứ không chỉ là các sản phẩm thương mại điện tử bình thường. Theo ông Hà, thị trường thương mại điện tử bình thường sẽ không mạnh bằng thị trường đồ ăn.

Với sự hợp tác này, các mặt hàng tiêu dùng nhanh như thực phẩm chế biến đang bán ở Vinmart sẽ được đẩy lên sàn thương mại điện tử thông qua Lazada. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển các mặt hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm thay vì chỉ tập trung vào mặt hàng gia dụng như hiện nay, chuyên gia này nói.

Sự bắt tay kết hợp giữa Alibaba có nền tảng hệ sinh thái thương mại điện tử phát triển với Masan có nguồn hàng tiêu dùng nhanh lớn sẽ tận dụng được thế mạnh của nhau. Lazada sẽ tận dụng được thế mạnh của Massan và ngược lại, sẽ tạo ra thế mạnh vượt các đối thủ trên thị trường thương mại điện tử hiện nay nếu chỉ đi tập trung vào mặt hàng dân dụng. Khi đó, các đối thủ sẽ khó có thể cạnh tranh ở mảng các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và đồ ăn.

Nhìn nhận ở góc độ tiềm năng thị trường, một chuyên gia thương mại điện tử nhận định, quyết định này của Alibaba không chỉ khẳng định tiềm năng của thị trường bán lẻ trong nước mà còn cho thấy tham vọng chiếm lĩnh thị phần mảng thương mại điện tử tại Việt Nam sau khi thành công toàn diện tại Trung Quốc.

Đầu tư vào Masan là bước đi thông minh tiếp theo của “gã khổng lồ” thương mại điện tử này ở thị trường Việt Nam.

Theo CEO Trần Trọng Tuyến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần công nghệ Sapo, tới đây chúng ta sẽ thấy sản phẩm của VinMart xuất hiện trên ứng dụng Lazada, cũng như nhận hàng Lazada trên mạng lưới gần 3.000 siêu thị VinMart, VinMart+. Dù quá trình thực thi thế nào, đây cũng là bước tiến của thương mại điện tử trong nước, cả về quy mô và chất lượng.

Từ khi thành lập đến nay, Alibaba luôn đi theo mô hình không bán sản phẩm mà kết nối người bán với người mua (B2C), kiếm tiền qua quảng cáo và các dịch vụ khác cung cấp cho hàng triệu cá nhân. “Việc đưa mô hình này kết hợp với bán lẻ hàng tạp hóa qua hệ thống cửa hàng tiện lợi không phải lần đầu tiên tại Việt Nam nhưng tôi kỳ vọng sẽ nâng tầm hơn, triệt để hơn và cho thấy hiệu quả thiết thực”, ông Tuyến chia sẻ.

Cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt

Nhận định đây là cú hích lớn với ngành bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là ngành hàng tiêu dùng tạp hóa, ông Tuyến cho rằng, trên đà chuyển đổi số, ngành bán lẻ không thể đứng ngoài cuộc chơi, nhất là khi người tiêu dùng đang ngày càng hình thành thói quen mua sắm trực tuyến.

“Chúng ta đã chứng kiến sự ra mắt dịch vụ Grab đi chợ- Grab Mart hay Be bike đi chợ… Như vậy các cửa hàng tạp hóa Go online là xu hướng tất yếu. Sự đầu tư của Alibaba và quỹ BPEA sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi O2O nhanh hơn, sâu rộng hơn và quyết liệt hơn”.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn đối với mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, lệ thuộc vào kênh bán hàng truyền thống. Khi người tiêu dùng có nhiều hơn một sự lựa chọn là cửa hàng gần nhà, lại được hỗ trợ toàn diện từ đóng gói, vận chuyển, mã giảm giá..., họ sẽ quyết định chọn bên nào? Vị CEO của SAPO đặt câu hỏi và nhấn mạnh, “các cửa hàng truyền thống nhất định phải chuyển dịch, không thể tận dụng lợi thế vị trí địa lý hoặc nhóm khách hàng trước đây”.

Bước đầu tư này cũng cho thấy cuộc cạnh tranh giữa hai ông lớn Lazada và Shopee tại Việt Nam sẽ ngày càng khốc liệt.

Ông Tuyến cũng khẳng định, bước đầu tư này cũng cho thấy cuộc cạnh tranh giữa hai ông lớn Lazada và Shopee tại thị trường Việt Nam sẽ ngày càng khốc liệt. “Tôi chờ đợi những bước đi tiếp theo từ phía Shopee để đối phó với “liên minh Alibaba- Lazada- CrownX”. Từ góc độ nền tảng quản lý bán hàng đa kênh, Sapo nhận thấy cơ hội trong làn sóng chuyển dịch này.

Sự liên kết mạnh mẽ giữa nhà bán lẻ, trang thương mại điện tử và các công nghệ phụ trợ sẽ thúc đẩy kinh doanh trực tuyến và tạo ra những nhà bán hàng toàn diện.

Mặc dù hiện nay ở Việt Nam đang có 4 sàn thương mại điện tử và đều đã được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn. Các chuyên gia cho rằng, thương mại điện tử vẫn là một trong những cuộc chơi “đốt tiền”, cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường. Các sàn nhỏ sẽ rất chật vật để cạnh tranh lại liên minh này.

Các tin khác