Sử dụng tài khoản ngân hàng Agribank để nhận lương, nhưng cứ đến ngày cuối tháng khi công ty chuyển khoản, Minh Tú (25 tuổi, ngụ TPHCM) lại nhanh chóng chuyển toàn bộ tiền sang một tài khoản ngân hàng khác.
"Tôi mua sắm online, chuyển khoản nhiều nên mở thêm một tài khoản khác chuyển khoản miễn phí để tiết kiệm", Nhật nói.
Từ tháng này, Tú không còn phải chuyển hết lương sang tài khoản khác khi Agribank cũng bắt đầu áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản, miễn phí duy trì tài khoản. Từ đầu năm đến nay, lần lượt các ngân hàng có vốn Nhà nước đều áp dụng chính sách chuyển khoản miễn phí.
"Big 4" miễn phí
Ngày 17-5 vừa qua, Agribank chính thức áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước, với giao dịch cả trong và ngoài hệ thống cho khách hàng cá nhân, tổ chức qua các kênh ngân hàng điện tử như ATM, ứng dụng Mobile Banking. Riêng giao dịch qua Internet Banking áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản từ ngày 1-6.
Đầu năm nay, Vietcombank áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản. Khách hàng dùng thẻ ghi nợ của Vietcombank không tốn phí chuyển tiền nội bộ và liên ngân hàng nhưng phải duy trì số dư tài khoản hàng tháng từ 4 triệu đồng trở lên hoặc đóng phí cố định 20.000-25.000 đồng/tháng.
Vietinbank cũng đang áp dụng chính sách gói tài khoản không phí, miễn phí chuyển khoản, phí duy trì tài khoản, dịch vụ biến động thông tin tài khoản. Trong các gói tài khoản "0 phí" của VietinBank, mức yêu cầu tối thiểu là duy trì số dư tài khoản thanh toán bình quân hàng tháng từ 2 triệu đồng trở lên hoặc trả phí duy trì gói 15.000 đồng/tháng.
Cuối tháng 4, BIDV cũng giới thiệu các gói dịch vụ miễn phí chuyển tiền online nội bộ hoặc sang ngân hàng khác. Tương tự Vietcombank và VietinBank, nhà băng này yêu cầu khách hàng phải duy trì số dư bình quân hàng tháng từ 3 triệu đồng hoặc đóng phí trọn gói 20.000 đồng mỗi tháng.
Dù đi sau, các "ông lớn" kể trên vẫn chưa miễn phí hoàn toàn cho khách hàng. Các gói tài khoản "phí 0 đồng" đã được nhiều ngân hàng tư nhân áp dụng trong vài năm qua và hoàn toàn không đi kèm bất cứ điều kiện gì về số dư tài khoản hay phí duy trì gói. Một số ngân hàng khác còn lôi kéo khách hàng cá nhân bằng việc mở tài khoản số đẹp, số tài khoản trùng số điện thoại miễn phí.
Xu hướng tất yếu để giảm chi phí vốn
Trao đổi với Dân trí, chuyên viên phân tích ngành ngân hàng của một công ty chứng khoán tại TPHCM, nhận định việc các ngân hàng đua nhau áp dụng chiến lược "phí 0 đồng" nhằm giữ lại tiền gửi của khách hàng, qua đó tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Xu hướng này được cho là tất yếu trong ngành ngân hàng khi các nhà băng tận dụng nguồn vốn giá rẻ để giảm chi phí vốn.
Vị này cũng nhấn mạnh ngân hàng cũng có nhiều sự lựa chọn khác để phát triển CASA. Một số ngân hàng lớn sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái khách hàng doanh nghiệp, các gói trả lương cho các tổ chức, cơ quan để tăng tỷ lệ CASA. Chuyên gia này nhìn nhận ở một số thị trường phát triển, CASA có thể đạt tới 60-70% tổng tiền gửi khách hàng nên các ngân hàng Việt còn nhiều dư địa để tăng trưởng CASA.
Thống kê trong 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất quý I, Techcombank dẫn đầu có tỷ lệ CASA cao nhất với 42,7%. Ngân hàng này cũng là một trong những bên tiên phong áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản liên ngân hàng.
Xếp thứ hai về tỷ lệ CASA trong nhóm này là MB với con số 34% đến cuối quý I. Vietcombank cũng có tỷ lệ CASA cao, đạt 30,1%. Các ngân hàng còn lại trong top 10 về lợi nhuận có tỷ lệ CASA chủ yếu dao động trong khoảng 10-20%.
Trong họp đại hội cổ đông tổ chức cuối tháng 4, lãnh đạo Techcombank thừa nhận việc là ngân hàng đầu tiên áp dụng miễn phí chuyển khoản đã giúp nhà băng này có tỷ lệ CASA vượt trội so với mặt bằng chung toàn ngành. Nhưng khi nhiều ngân hàng "copy" mô hình này, Techcombank phải tìm những hướng đi mới đặc biệt hơn để giữ chân khách hàng.
Trong cuộc họp với nhà đầu tư, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Quản lý hợp kênh Khối Ngân hàng bán lẻ của Techcombank, cho biết khác biệt sẽ là phát triển hệ sinh thái, cùng khai thác chuỗi giá trị với các đối tác lớn. Tiền sẽ chỉ đi từ tài khoản cá nhân của khách hàng sang tài khoản doanh nghiệp và vẫn nằm trong hệ thống của ngân hàng, giúp ngân hàng có thể duy trì tỷ lệ CASA cao.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB - một ngân hàng tầm trung tập trung vào phân khúc bán lẻ, cũng chia sẻ với cổ đông mục tiêu trọng tâm của nhà băng này thời gian tới là tiếp tục phát triển hệ sinh thái khách hàng với các doanh nghiệp đối tác phù hợp. Khi đó, lượng khách hàng của ngân hàng sẽ gia tăng và tỷ lệ CASA cũng cao hơn.