Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc (OCHA), loạt vụ không kích bắt đầu từ giữa tháng 12 năm ngoái đã buộc hơn 200.000 người ở các khu vực miền Bắc Syria phải rời bỏ nhà cửa. Tính đến ngày 25-12-2019, hơn 235.000 người tị nạn đã chạy về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Rất nhiều người dân Syria phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột
Bỏ nhà vì xung đột leo thang
Theo OCHA, tình trạng leo thang bạo lực mới đây ở Tây Bắc Syria đang khiến người dân nước này phải gánh chịu hậu quả. Họ rời bỏ nhà cửa, hướng về Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã tiếp nhận 3,7 triệu người Syria chạy trốn cuộc chiến đã kéo dài 8 năm này. Nỗ lực mới của quân đội Chính phủ Syria nhằm kiểm soát tỉnh Idlib, nơi vẫn còn khoảng 3 triệu người sinh sống, đe dọa sẽ lặp lại cuộc khủng hoảng di cư. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết, khoảng 80.000 người Syria đã chờ trên biên giới và con số này có thể tăng lên.
Cuối tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến thăm quan trọng tới Ankara để thảo luận với ông Erdogan về hiệp ước di cư mà Liên minh châu Âu đã phân bổ 3 tỷ EUR. Với khoản tiền này, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ xây dựng và duy trì các trại di cư, ngăn người di cư đến biên giới với Hy Lạp. Đức là quốc gia đã tiếp nhận khoảng 2 triệu người di cư năm 2018 và đang chi 12,9 tỷ EUR/năm để hỗ trợ họ.
Trong năm 2019, hơn 2.300 người di cư đã được giải cứu khi tìm cách vượt eo biển Manche (nối miền Tây nước Pháp và miền Nam nước Anh), cao gấp 4 lần so với năm trước đó.
Khó cho EU
Làn sóng người di cư ồ ạt đến châu Âu tưởng chừng như đã tạm thời lắng trong năm 2018, song lại có xu hướng gia tăng trở lại trong thời gian qua. Hàng ngàn người muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói và xung đột từ Trung Đông và châu Phi vẫn đang đổ về châu Âu với hy vọng tìm cuộc sống tốt hơn, bất chấp nguy hiểm đe dọa tính mạng trong hành trình vượt biển qua Địa Trung Hải.
Vụ một tàu chở 150 người di cư từ Gambia bị đắm ngoài khơi vùng biển Mauritania, nằm ở Tây Bắc châu Phi hôm 4-12-2019 là thảm kịch mới nhất liên quan tới người di cư với 57 người thiệt mạng. Đây cũng là một trong những vụ chìm tàu chở người di cư có số người thiệt mạng lớn nhất kể từ khi Tây Ban Nha tăng cường tuần tra trên tuyến đường biển từ Tây Phi tới châu Âu vốn nổi tiếng là nguy hiểm này từ giữa những năm 2000. Biện pháp này của Tây Ban Nha là nhằm ngăn chặn và làm nản lòng những nỗ lực vượt biên bằng tàu biển của người di cư từ châu Phi. Trước đó, nhiều vụ chìm thuyền chở người di cư gây thương vong lớn cũng đã được ghi nhận trong những tháng gần đây.
Mặc dù số người di cư theo đường biển vào châu Âu đã giảm mạnh so với mức đỉnh năm 2015, song mỗi năm vẫn có hàng ngàn người chọn cách thức nguy hiểm này. Thống kê của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho thấy, hơn 1.000 người đã thiệt mạng trên Địa Trung Hải trong năm 2019. Đây là năm thứ 6 liên tiếp thảm kịch người tị nạn, di cư chết đuối khi vượt Địa Trung Hải xảy ra.
Trong 6 năm qua đã có khoảng 15.000 người thiệt mạng trên đường vượt biển sang châu Âu. Những thảm kịch chìm tàu, thuyền chở người di cư liên tiếp xảy ra thời gian qua đang nối dài danh sách những nạn nhân xấu số bỏ mạng trong hành trình gian lao tìm đường tới “miền đất hứa”. Đồng thời cho thấy cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu vẫn diễn biến phức tạp.
Thực tế này một lần nữa cho thấy tính cấp bách của những hành động khẩn cấp để giải quyết tận gốc vấn đề người di cư từ Trung Đông - châu Phi tới châu Âu. Đây cũng sẽ là thách thức đối với các nhà lãnh đạo mới vừa nhậm chức hồi đầu tháng 12-2019 của EU và Ủy ban châu Âu (EC), bởi di cư là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm cả về chính trị và ngoại giao, xuất phát từ một loạt vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị trong và ngoài EU.