Ám ảnh kẹt xe 'tuyến huyết mạch' kết nối TPHCM-Bình Dương

(ĐTTCO)-Quốc lộ 13 qua địa bàn TP.HCM là tuyến giao thông 'huyết mạch' kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhưng tình trạng ùn tắc thường xuyên tại tuyến đường này đang khiến rất nhiều tài xế nản lòng.
Cảnh ùn tắc đoạn qua cầu Ông Dầu
Cảnh ùn tắc đoạn qua cầu Ông Dầu

Quốc lộ 13 qua địa bàn TP.HCM (đoạn từ cầu Vĩnh Bình, TP Thủ Đức đến ngã 5 Đài Liệt, quận Bình Thạnh) là tuyến giao thông “huyết mạch” kết nối TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, trung bình mỗi ngày có trên 100.000 phương tiện lưu thông qua khu vực này.

Trong khi đó, bề rộng mặt đường nhỏ hẹp (chỉ từ 18m – 25m), lại có nhiều “nút thắt cổ chai” như cầu Đúc Nhỏ, cầu Ông Dầu và đường ray xe lửa… khiến cho giao thông thường xuyên ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, Bến xe Miền Đông cũ nằm trên tuyến, xe khách liên tục ra vào bến cũng góp phần tăng thêm áp lực giao thông tại đây. Theo ghi nhận của PV VOV Giao thông nhiều thời điểm trong ngày, xe máy, xe buýt, ôtô con… ùn ứ kéo dài hơn 2 km đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Đúc Nhỏ; xe máy chen vào làn oto, bất chấp nguy hiểm leo lề, chạy ngược chiều khiến giao thông càng thêm hỗn loạn.

Anh Phạm Văn Thanh – một người dân thường xuyên lưu thông trên tuyến đường này cho biết: “Nhu cầu của người dân đi lại con đường này rất cao. Đường huyết mạch mà nó quá nhỏ không đủ để xe lưu thông. Lúc trước mình có nghe đài với báo chí nói là TP.HCM với Bình Dương hợp tác mở rộng đường quốc lộ 13 mà sao mình thấy ở Bình Dương đang triển khai mở rộng mà ở TPHCM thì chưa. Cũng hy vọng tuyến này mở rộng cho tài xế, người dân đi lại thoải mái”.

Ùn tắc trên QL13 đoạn qua giao lộ Nguyễn Xí

Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Thân - một tài xế thường xuyên chở khách từ Bình Phước về TP.HCM cũng ngao ngán: “Bên công ty có quy định giờ giấc của khách mình phải tranh thủ mình chạy để kịp giờ nhiều lúc kẹt xe là bắt đầu mình trễ giờ của khách sân bay, bệnh viện. Vấn đề trễ nảy giờ giấc, đền hợp đồng đền vé bay máy cho khách rồi nhiều thứ lắm”.

Để giải tỏa vấn đề ách tắc tại khu vực này, Sở GTVT TP.HCM cho biết: Ngay từ năm 2001, TP đã triển khai dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu). Công trình khi đó được đầu tư theo hình thức BOT do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 làm chủ đầu tư. Sau khi thực hiện một số hạng mục chính, do kinh phí đền bù giải tỏa tăng cao, nhà đầu tư không có khả năng thu xếp vốn nên không thể tiếp tục triển khai dự án.

Sau đó, do vướng Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định: “Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu…”, nên việc triển khai công trình mở rộng quốc lộ 13 theo hình thức BOT phải dừng, chuyển sang sử dụng ngân sách.

Trong khi đó, ngân sách giai đoạn 2021-2025 chỉ đáp ứng được khoảng 20% nên chưa thể thực hiện dự án. Hiện nay, với cơ chế mới từ nghị quyết 98, Sở GTVT TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TP đề xuất danh mục 5 dự án (trong đó có dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ 13) thực hiện đầu tư theo hình thức BOT trên đường hiện hữu.

Ông Bùi Hòa An – Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết: “Bây giờ Nghị quyết 98 đã cho phép rồi thì Sở đã xây dựng danh mục 5 tuyến trình Ủy Ban xem xét. Sao khi ủy ban cho phép thì danh mục này mới ra đưa kêu gọi đầu tư. Và cái quan trọng nhất là phải có nhà đầu tư quan tâm. Thì lúc đó nhà đầu tư mới là người đề xuất cái chủ trương đầu tư. Lúc đó mình mới tính toán cụ thể trên nguyên tắc là phải đảm bảo chuyện giao thông thuận lợi, mở rộng đúng quy hoạch và đảm bảo quyền lợi của người dân”

Ông Bùi Hòa An cũng cho biết thêm, theo tờ trình đề xuất của Sở: dự kiến mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ ngã 4 Bình Phước đến cầu Bình Triệu (dài 4,6km) lên 53-60m, với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 50% và doanh nghiệp 50%.

Hy vọng rằng, với những nỗ lực của ngành chức năng, TP.HCM sẽ sớm “khơi thông” con đường cửa ngõ đông bắc của thành phố, tạo điều kiện phát triển phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Các tin khác