Ấm áp điểm dân cư nơi biên giới

(ĐTTCO) - Những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh Bình Phước cơ bản ổn định, tuy nhiên, tuyến biên giới với địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng hạn chế, các loại tội phạm xuất nhập cảnh trái phép vẫn còn phức tạp. 

Trước thực trạng đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và tỉnh Bình Phước đã triển khai Đề án xây dựng điểm dân cư liền kề (ĐDCLK) chốt dân quân biên giới giai đoạn 2019-2025 và ĐDCLK đồn, trạm biên phòng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 nhằm từng bước ổn định cuộc sống người dân, giữ vững phên dậu của quốc gia. 

Ấm áp điểm dân cư nơi biên giới ảnh 1Dãy nhà tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới  xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước

Đón 85 gia đình mới

Với sự vào cuộc tích cực, đầy trách nhiệm của các cấp ngành, địa phương, 11 điểm dân cư đã hình thành, tạo nên khí thế mới nơi biên giới Bình Phước - Campuchia. Qua 3 năm, Bình Phước đã hoàn thành Đề án xây dựng ĐDCLK chốt dân quân biên giới giai đoạn 2019-2025. Từ năm 2021, tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng ĐDCLK đồn, trạm biên phòng và mở rộng ĐDCLK chốt dân quân biên giới. 

Đến nay, đề án đã xây dựng và bàn giao 85 căn nhà tại 11 ĐDCLK chốt dân quân biên giới, tăng 60 căn so với chỉ tiêu. Các điểm dân cư được xây dựng trải dài qua 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập có chung đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia. Các khu vực bố trí ĐDCLK đều đáp ứng tiêu chí liền kề các chốt dân quân biên giới và đồn, trạm biên phòng. Công trình được xây dựng theo đúng thiết kế, mỗi căn nhà diện tích 72m2, kết cấu nhà ở cấp 4 kiên cố, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.

Ngoài ra, các hộ dân còn được tạo điều kiện để phát triển kinh tế như hỗ trợ cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ tivi, quạt máy, nồi cơm điện… Các điểm dân cư đều nằm gần đường tuần tra biên giới, giao thông kết nối tốt, thuận tiện cho di chuyển, làm ăn, sinh sống; điện, nước, phát thanh - truyền hình, sóng điện thoại đảm bảo; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nước giếng. Tổng kinh phí hơn 26,6 tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ của Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TPHCM, ngân sách tỉnh Bình Phước và các ban ngành... Ngoài ra, một số gia đình góp thêm từ 20-50 triệu đồng/căn để ngôi nhà được xây dựng kiên cố, thoáng mát hơn. 85 căn nhà đã được bàn giao cho các hộ gia đình là bộ đội, công an, dân quân, quân nhân dự bị... có điều kiện bảo đảm cuộc sống và định cư bền vững trên tuyến biên giới. 

Quá trình triển khai đề án cũng gặp một số khó khăn về giải phóng mặt bằng, các hộ dân còn thiếu đất sản xuất, nghề nghiệp chưa ổn định, có hộ còn trông chờ, ỷ lại vào các cấp chính quyền, việc chăm lo sức khỏe cho người dân, việc học tập của con em còn hạn chế. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Phước, các ĐDCLK hoàn thành góp phần chăm lo đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố an ninh quốc phòng và có ý nghĩa đặc biệt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, là chỗ dựa cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ trên tuyến biên giới, mỗi người dân là “cột mốc sống” trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. 

Nhân rộng đề án

Lãnh đạo các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập đề xuất Ban chỉ đạo đề án cần sớm có chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay nhằm giúp đỡ người dân tại các điểm dân cư ổn định đời sống, phát triển lâu dài. Đặc biệt là việc xây dựng, phát triển các điểm dân cư trở thành cụm dân cư kiểu mẫu với nhiều công trình phục vụ dân sinh. 

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết thêm, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng mở rộng 3 ĐDCLK đồn biên phòng và 3 ĐDCLK chốt dân quân biên giới, đưa thêm 50 hộ dân lên sinh sống, đồng thời xây dựng nhà văn hóa tại điểm dân cư Thanh Hòa (huyện Bù Đốp) phục vụ sinh hoạt cộng đồng của người dân. Ngoài ra, từng bước xây dựng chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn sản xuất; tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; xây dựng các công trình phục vụ dân sinh.

Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, đánh giá cao cách làm của tỉnh Bình Phước, đồng thời mong muốn Bình Phước sẽ phát triển vững chắc hơn các ĐDCLK. Trong đó, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn cần tạo điều kiện hỗ trợ việc làm cho người dân, trước hết là ổn định thu nhập, sau đó là các vấn đề giáo dục, y tế, giao thương kết nối, đảm bảo xây dựng cộng đồng dân cư mang tính bền vững và ngày càng mở rộng, phát triển.

Tỉnh Bình Phước kiến nghị Chính phủ cho nghiên cứu và phát triển Đề án ĐDCLK, nhân rộng ra các tỉnh biên giới trên cả nước; có chủ trương, chính sách cụ thể hỗ trợ di dân ra biên giới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên, đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Đề nghị Bộ Tư lệnh Binh đoàn 16 và các công ty cao su tiếp tục hỗ trợ, phối hợp giải phóng mặt bằng, bàn giao đất trong thực hiện đề án; tạo việc làm cho các hộ dân có nhu cầu.

Các tin khác