Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, các thầy cô giáo đã gieo trồng nên những thế hệ học sinh có đủ trí, đức, tài xây dựng đất nước.
Tấm lòng người cha, người mẹ
Năm học 2021-2022, hình ảnh cậu học trò vốn ngoan ngoãn, hiền lành một buổi chiều tự đấm tay vào tường đến mức chảy máu khiến trái tim thầy giáo Huỳnh Đình Nhân, Bí thư Chi đoàn giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) thắt lại. Thầy và trò nói chuyện với nhau suốt hơn 2 giờ.
Hiểu được ức chế tâm lý trong lòng học sinh này, thầy đã liên hệ với phụ huynh để cùng gia đình tìm cách tháo gỡ. Song, trái với mong muốn của thầy, khoảng cách suy nghĩ giữa phụ huynh và học sinh quá lớn, thầy giáo trẻ buộc phải đưa ra lời đề nghị phụ huynh, học sinh và giáo viên cùng đến bác sĩ tâm lý.
Những ngày sau đó, gác lại công việc bộn bề ở trường, mỗi ngày thầy giáo trẻ đều đến nhà học sinh để vực dậy tinh thần của em, nhắc phụ huynh tạo điều kiện cho em học tập vì lớp 12 là năm quyết định kết quả học tập của chặng đường 12 năm ở bậc phổ thông.
Nói về áp lực công việc mình đang theo đuổi, thầy Huỳnh Đình Nhân cho biết, bên cạnh những học sinh ngoan, nghe lời, phụ huynh phối hợp tốt với giáo viên thì năm học nào lớp học cũng có 1-2 học sinh cá biệt hoặc có vấn đề về tâm lý. Nhiều học sinh hôm nay học bình thường nhưng ngày mai trở thành con người khác. Có em buổi sáng đến trường rất vui vẻ nhưng chiều lại có hành động bất thường. Thầy, cô không phải lúc nào cũng dự báo trước được hành động và suy nghĩ của các em, vì vậy chỉ có thể mở lòng ra hết mức để có thể đồng hành cùng các em.
Cùng suy nghĩ, cô Phan Thụy Vân Trinh, giáo viên chủ nhiệm lớp 2/1, Trường Tiểu học Huỳnh Văn Ngỡi (TP Thủ Đức) cho rằng, nhiều phụ huynh hiện nay không chấp nhận con mình khiếm khuyết về thể chất hay tinh thần.
Cô Phan Thụy Vân Trinh, giáo viên Trường Tiểu học Huỳnh Văn Ngỡi (TP Thủ Đức) tận tâm trong mỗi giờ lên lớp
“Năm học nào lớp tôi cũng tiếp nhận 2-3 học sinh hòa nhập. Bản thân phụ huynh có con học hòa nhập chưa phối hợp tốt với giáo viên, trong khi các phụ huynh khác không muốn con mình học chung lớp với học sinh hòa nhập. Trước bài toán nan giải đó, tôi phải mềm mỏng, khéo léo dung hòa giữa 2 đối tượng học sinh và phụ huynh”, cô Vân Trinh bày tỏ.
Để làm được điều đó, giáo viên không chỉ đóng vai trò người thầy truyền đạt kiến thức mà còn là người cha, người mẹ, người bạn lớn sẵn sàng chia sẻ, đồng hành cùng niềm vui, nỗi buồn của học sinh; tìm hiểu tâm tư, tình cảm của các em để trở thành cầu nối giữa trẻ và các bạn trong lớp, giữa nhà trường và gia đình cũng như giữa trẻ và sự đón nhận của xã hội.
Giáo viên cần được tin tưởng, tôn trọng
Với cô Đỗ Thị Phương Trâm, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non 2 (quận 4), 34 năm gắn bó với nghề sư phạm là chừng đó năm cô thao thức, trăn trở với nghiệp đưa đò. Xã hội có rất nhiều nghề, không phải nghề nào cũng vinh dự được gọi là “cô”. Tuy nhiên, đằng sau sự kính trọng thiêng liêng đó, giáo viên hàng ngày phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, vất vả, áp lực từ phía phụ huynh lẫn trọng trách nặng nề xã hội giao phó. Đặc thù của trường mầm non là không có giáo viên chủ nhiệm. Mỗi lớp học có 2 cô phụ trách, cùng chịu trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Cô Phương Trâm trải lòng, mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh cần duy trì trên cơ sở tôn trọng, cùng chia sẻ, hỗ trợ vì lợi ích của trẻ. Khi có việc không như ý xảy ra, trường cần lắng nghe ý kiến của phụ huynh trên cơ sở thiện chí, vận động, thuyết phục để phụ huynh hiểu và đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục học sinh. Ngược lại, phụ huynh cần trao đổi, góp ý với trường những việc chưa tốt trên tinh thần xây dựng và phát triển, tạo sự gắn kết giữa 2 môi trường giáo dục gia đình và nhà trường, giúp trẻ thụ hưởng phương pháp giáo dục tốt nhất.
Đối với bậc học lớn hơn, TS Lưu Hồng Phong, Phó hiệu trưởng Trường THCS Bình Tây (quận 6) cho biết, mỗi gia đình hiện chỉ có 1-2 con nhưng mỗi ngày lên lớp giáo viên phải tiếp xúc, dạy dỗ hàng chục học sinh. Mỗi em có tính cách, suy nghĩ khác nhau đòi hỏi thầy, cô phải có tâm lẫn tầm, lòng bao dung mới có thể bao quát được tất cả học sinh.
Đặc biệt, với vai trò giáo viên chủ nhiệm, các thầy, cô phải hiểu được tâm lý, hoàn cảnh gia đình từng em để có phương pháp giáo dục và cách xử lý tình huống phù hợp. Đó là nhiệm vụ không thể hoàn thành trong một sớm một chiều, đòi hỏi sự cảm thông của xã hội, tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện sứ mệnh của mình.
“Tôi cho rằng gia đình, nhà trường và xã hội là 3 chân kiềng tạo nên nhân cách một con người, thiếu 1 trong 3 chân đó sẽ mất thăng bằng, không đứng vững trước dông tố cuộc đời”, thầy Hồng Phong chia sẻ. Do đó, mỗi đầu năm học, nhà trường phải xây dựng kế hoạch hoạt động, thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh, thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ban đại diện cha mẹ học sinh để điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với nguyện vọng học sinh.
Bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TPHCM, nhận định, một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất đối với đội ngũ thầy, cô giáo trong thời kỳ hội nhập và phát triển là làm thế nào cân bằng giữa làm tốt công việc và cuộc sống gia đình, giữa cái chung và cái riêng, tinh thần và vật chất, sự chuyển đổi mạnh mẽ giữa phương pháp dạy học tiến bộ theo hướng cá thể hóa và quán tính của việc truyền thụ kiến thức một chiều như đọc chép trước đây. Điều này đòi hỏi bản thân mỗi thầy, cô phải có bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm, trên hết là tấm lòng yêu thương, mở rộng vòng tay đón nhận tất cả học sinh, dù là học sinh cá biệt.