Con sông ấy cũng như biết bao sông quê của mọi người, thấm đẫm kỷ niệm tuổi thơ. Nhưng điều đặc biệt, tất cả những ngôi nhà dọc bờ sông quê ấy đều hiến dâng cho đất nước ít nhất một người. Họ từ những ngôi nhà dọc bờ sông này lên đường đánh giặc và mãi mãi không bao giờ trở về. Thân thể họ đã tan biến thành đất đai Tổ quốc. Và, khí phách, linh hồn của họ bay lên hóa linh khí Quốc gia.
Tôi chọn thời khắc khi làng quê đã chìm vào giấc ngủ, chỉ còn xào xạc tiếng gió trên vòm cây và tiếng cá quẫy dưới lòng sông để bách bộ. Và, trong thời khắc huyền ảo, liêu trai ấy, tôi có cảm giác được gặp gỡ và trò truyện với những người đã khuất. Họ là thành hoàng làng - người có công tạo dựng ra ngôi làng này. Họ là những bậc tiên chỉ, bách niên đã về với tổ tiên theo quy luật của muôn đời. Và, đặc biệt họ là những liệt sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình vì sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong sự huyền ảo, thẳm sâu của tiềm thức, tôi như người mộng du, nghe văng vẳng bên tai mình những câu hỏi về quá khứ, hiện tại, tương lai, của nhân tình thế thái. Vũ Viết, một liệt sĩ cùng thời đánh Mỹ với tôi đặt câu hỏi khiến trái tim tôi rung lên:
- Cậu có biết vì sao hàng ngày mẹ vẫn ngồi bậu cửa ngước ra đường không? Rồi Vũ Viết trả lời luôn: Mẹ đang chờ chú Thiềng về đấy. Gần như đêm nào mẹ cũng mơ thấy chú ấy trở về. Và, mẹ ngồi đợi.
Giọng của Vũ Viết tan vào gió, vào nước, tan vào ánh sao đêm khiến tôi nhớ đến câu hỏi của mẹ hơn 40 năm về trước, khi tôi khoác balo về làng sau ngày toàn thắng: “Con về rồi, sao không cho em con về với?”. Để trả lời câu hỏi ấy, chúng tôi đã “hành quân” trở lại chiến trường xưa suốt mấy thập niên nay. Nhưng vẫn không tìm thấy mộ phần em trai tôi và các bạn cùng thời.
Có lẽ thế, một trong những việc chúng tôi nghĩ cần làm ngay là xây dựng nơi chiến trường xưa, nơi biên cương Tổ quốc những ngôi đền thờ liệt sĩ. Để hương hồn những người con ưu tú, trong đó có gần 500 ngàn liệt sĩ hiện nay vẫn chưa tìm thấy mộ chí hoặc có mộ chí nhưng chưa xác định được danh tính có chốn đi về, hội tụ hàn huyên. Và, điều này nữa, đó là những cột mốc biên cương vĩnh hằng để lại cho muôn đời con cháu.
Cách đây không lâu, chúng tôi vượt trùng khơi ra dự lễ khánh thành đền thờ liệt sĩ Phú Quốc. Sau đại dịch Covid-19, thành phố đảo chơi vơi giữa biển Tây này như hòn ngọc bừng sáng. Cũng giống như đền thờ liệt sĩ Long Khốt, nhà tài trợ xây dựng ngôi đền này là một doanh nhân cựu chiến binh “con nhà nòi”. Phát tâm tài trợ xây dựng đền với số tiền cả trăm tỷ đồng, nhưng nhà tài trợ tâm linh này không đòi hỏi điều gì. Đặc biệt tránh ồn ào, thái quá. Gió từ biển thổi vào khiến những lá cờ tổ quốc như cánh buồm no gió phần phật tung bay. Cách đảo Ngọc không xa là biên giới nước láng giềng. Tự nhiên tôi có cảm giác từ lòng đại dương, đồng đội hối hả hành quân về dự lễ. Cảm giác như những đêm tĩnh lặng tôi bách bộ dọc bờ sông quê hương để trò chuyện với những người đã khuất.
Hơn lúc nào hết, tôi cứ nghĩ ngôi đền thờ liệt sĩ còn thơm mùi vôi ve này như cột mốc biên cương. Cột mốc khẳng định chủ quyền quốc gia, nơi thắm máu cha ông, những người mở cõi. Tôi tâm đắc ý tưởng của vị tướng đã dạn dày trận mạc. Trong bài phát biểu chạm đến trái tim của hàng ngàn con người, ông kiến nghị: Nơi đây, nên lấy ngày 27-7 hàng năm để làm ngày Tưởng nhớ Bác Hồ và giỗ liệt sĩ. Ông nhấn mạnh thêm, liệt sĩ ở đây phải được hiểu là tất cả những người yêu nước đã hiến thân mình bảo vệ đất nước. Tôi bắt gặp những ánh mắt xúc động, đồng cảm. Tại sao không? Ngày 27-7 như một ngày Quốc giỗ - giỗ những người “vị quốc vong thân” mọi thời đại.
Điều kỳ diệu, sau lễ khởi công xây dựng tượng đài Bác Hồ và khánh thành đền thờ liệt sĩ Phú Quốc, trời đang chang chang nắng, bỗng dưng mưa gió ào ào kéo đến như trong truyền thuyết. Mưa gió kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Thời tiết xấu khiến máy bay của chúng tôi không cất cánh được. Ngồi ngắm mưa giữa đảo Ngọc, gió lạnh thấm vào người nhưng lòng chúng tôi ấm lạ. Những liệt sĩ từ những ngôi nhà dọc bờ sông quê tôi, những liệt sĩ từ dòng Long Khốt, nơi chiến trường xưa và những liệt sĩ trao thân mình nơi đại dương Phú Quốc trùng trùng điệp điệp hành quân về. Mái ấm đền thờ liệt sĩ âm vang tiếng hát: “Đời mình là một khúc quân hành. Đời mình là bài ca chiến sĩ...”.
Đảo Ngọc, mùa mưa 2022