Món ăn cổ truyền ngày Tết
Tết đến, chắc chắn nhà nào cũng chuẩn bị những món ăn truyền thống đặc trưng ngày Tết theo vùng miền: miền Bắc có bánh chưng, giò chả, thịt đông, canh măng nấu chân giò, canh bóng thả, nem rán (chả giò)… Miền Trung có bánh tét, gà luộc, giò, thịt heo ngâm mắm, và các món mặn để lâu được như tôm rim, thịt kho tàu... Miền Nam cũng có bánh tét nhưng khác bánh tét miền Trung là nhiều đậu xanh, nhiều thịt hơn, bánh tét nhân ngọt, bên cạnh đó là một nồi to thịt kho trứng và canh khổ qua nhồi thịt…
Điều này cho thấy các món ăn cổ truyền ngày Tết thể hiện sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán và điều kiện tự nhiên, nên những món ăn này mang đặc điểm và hương vị riêng ở mỗi vùng miền. Nhưng cho dù miền nào các món ăn đã được ông bà xưa đúc kết và ẩn chứa trong đó tình cảm, sự hài hòa về vị giác, đậm đà bản sắc dân tộc. Thí dụ như ngày Tết miền Bắc, miền Trung không thể thiếu dưa hành muối và dưa món, là những món thuộc nhóm rau củ, ăn chung với bánh chưng, thịt đông, giò chả cho đỡ ngán và đủ chua để kích thích vị giác, giúp dễ tiêu hóa hơn.
Hay như món chân giò hầm măng, chân giò chứa rất nhiều acid béo no, nhiều cholesterol, nhưng khi kết hợp với măng khô giàu chất xơ sẽ giúp phần nào hạn chế việc hấp thu chất béo không có lợi cho sức khỏe. Người miền Nam thì có dưa giá để ăn kèm thịt kho hột vịt, giúp tăng tiết men tiêu hóa và tăng cảm giác ngon miệng.
Bên cạnh các món ăn thì ngày Tết nhà nào cũng chuẩn bị một số thức uống như rượu đế, rượu nếp, rượu sắn, rượu ngô ở các vùng nông thôn hoặc ngoại thành. Hiện đại hơn có rượu tây, sâm banh, rượu vang hoặc bia; các loại nước ngọt, nước trái cây, nước có ga cho phụ nữ và trẻ em...
Nhận diện để hạn chế
Cho dù sự kết hợp giữa các món ăn cổ truyền thể hiện sự tinh tế trong ẩm thực của ông cha xưa, nhưng với thời hiện đại quanh năm mọi người đã ăn uống tương đối dư thừa; khi mà tỷ lệ béo phì của trẻ em cũng như người lớn đáng báo động; các bệnh lý mạn tính không lây liên qua đến dinh dưỡng gia tăng nhanh chóng; nếu ăn Tết quá thoải mái cần phải đề phòng những bất lợi sau đây:
* Tăng cân, tăng cholesterol máu: do các món ăn ngày Tết đều nhiều năng lượng, nhiều chất béo. Thí dụ: 1 miếng (1/8) cái bánh chưng vuông loại trung có cạnh khoảng 20cm, cũng đã cung cấp khoảng 600Kcal; 100g giò thủ cung cấp 553Kcal và 54g chất béo; 1 phần thịt đùi heo kho trứng (gồm 100g thịt và 1 trứng vịt) cung cấp 600Kcal và 35g chất béo; 100g lạp xưởng cung cấp 585 Kcal và 55g chất béo; 100g chân giò chứa khoảng 230Kcal và 20g chất béo.
* Tăng đường huyết và khó kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường: do ngày Tết ăn nhiều các loại bánh mứt và nước ngọt, đều chứa nhiều đường đơn, hấp thu nhanh làm tăng đường huyết sau ăn nhanh chóng, làm bệnh nặng nề hơn với người đang mắc đái tháo đường. Thí dụ: 100g mứt khoai cung cấp khoảng 430Kcal, 1 lon nước ngọt khoảng 140-150 kcal với 20-30g đường tùy loại.
* Tăng huyết áp và làm nặng hơn với những người có bệnh lý tim mạch và bệnh thận: do các loại giò, chả, thịt heo hay bắp bò ngâm mắm, dưa hành, dưa món... là những món ngon, dễ ăn trong ngày Tết, nhưng lại chứa nhiều muối. Vì vậy, nếu người có bệnh tăng huyết áp, tim mạch hay bệnh thận, vui Tết ăn ngon miệng mà quên hạn chế ăn những món này thì sẽ làm bệnh trở nặng hơn.
* Đầy bụng, khó tiêu, táo bón: ngày Tết tủ lạnh nhà nào cũng đầy ắp thịt, gà, giò chả... các món chế biến sẵn dễ bảo quản, còn rau xanh củ quả thì khó bảo quản lâu và thường rất ít. Vì vậy, trong những ngày Tết, ăn nhiều nếp ngọt béo mà ăn ít chất xơ thì tình trạng đầy bụng, khó tiêu và táo bón rất dễ xảy ra.
* Ngoài ra, việc ăn uống lai rai cả ngày, khi dùng thực phẩm chế biến sẵn và để lâu ở nhiệt độ ngoài trời, rất dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, nên ngày Tết cần chú ý việc bị tiêu chảy cấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm.
Lời khuyên của bác sĩ
Lời khuyên của bác sĩ
Tránh mời khách đến nhà tập trung ăn uống dồn dập, ăn quá nhiều bữa trong ngày. Nếu bữa trưa đã ăn linh đình với bạn bè họ hàng, thì sáng và chiều chỉ nên ăn nhẹ với bún, miến, canh măng… Cố gắng duy trì 3 bữa ăn chính đúng giờ. Tránh ăn sáng quá trễ dễ làm bữa trưa và tối trễ theo, ăn càng tối muộn sẽ dễ làm tăng cân hơn.
Nên cân đối các món ăn giàu năng lượng với các món ít năng lượng trong mỗi bữa ăn. Thí dụ: nếu đã ăn no với bánh chưng giò chả, thì không nên ăn thêm cơm - thịt kho hay xôi trắng, ăn thêm đạm từ tôm, cá, tăng ăn rau củ để no bụng mà không bị ăn quá nhiều năng lượng. Trong bữa ăn nên có xà lách, rau củ trộn dầu dấm hoặc rau củ luộc để tăng chất xơ, giúp giảm bớt việc hấp thu chất béo, làm chậm việc tăng đường huyết nhanh sau ăn, phòng ngừa táo bón...
- Khi ăn cơm khách, không nên ăn nhiều những món hàng ngày, chỉ thưởng thức những món “đặc sản” của nhà khách để vui lòng gia chủ mà không bị nạp quá nhiều năng lượng. Uống nước lọc hoặc nước trà xanh thường xuyên sẽ giúp giảm cảm giác thèm ăn vặt, tránh những thức uống khác như nước ngọt, nước đóng lon có ga… Riêng bia rượu là thức uống khó tránh trong ngày Tết, nhưng để đảm bảo sức khỏe, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày, tương đương tối đa 2 lon bia 330ml hoặc 2 chum rượu mỗi chum 30ml.
- Đặc biệt với người cao tuổi, nhu cầu năng lượng giảm, quá trình tiêu hóa và hấp thu chất đạm giảm, cơ thể nhạy cảm hơn với nhóm bột đường, dễ rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi giảm, nên phải rất cần chú ý những lưu ý trên và không ăn nhiều các thực phẩm thường có trong ngày Tết.
Những món mới gợi ý trong ngày Tết
Những món mới gợi ý trong ngày Tết
Dưới đây là 3 món ăn đủ dinh dưỡng, mà không quá nhiều năng lượng, khẩu vị thanh mát, dễ ăn, đỡ ngán, rất thích hợp cho mọi người trong những ngày Tết.
- Canh măng chay: thay vì ninh măng với chân giò, các bạn thử ninh măng khô, luộc cho măng thật sạch, sau đó xào măng với nấm hương, nấm đùi gà, mộc nhĩ... Khi cần ăn, lấy một lượng đủ măng và các loại đã xào, thêm nước, nêm gia vị vừa ăn, có thể thêm đậu hũ ky, mì căn... ăn nóng với cơm trắng hoặc với bún. Đây là món rất ít năng lượng, nhiều chất xơ, rất dễ ăn và đỡ ngán trong ngày Tết.
- Canh khổ qua cá thác lác: Thay vì nấu canh khổ qua nhồi thịt, có thể nhồi với cá thác lác, hấp chín, cất vào ngăn đá. Khi muốn ăn lấy ra nấu nóng ăn với cơm trắng. Hoặc từ trước Tết, mua cá thác lác về trộn muối tiêu, quết nhuyễn, viên từng viên nhỏ cho vào nước đun sôi, nêm gia vị vừa ăn, chia thành từng phần vừa ăn một bữa, cất vào ngăn đá. Khi muốn ăn lấy ra, nấu sôi lại với khổ qua xắt mỏng, ăn nóng với cơm hoặc bún.
- Bún chả cá thác lác/hoặc chả cá thu: Chả cá thác lác/cá thu trộn đều với giò sống (tỷ lệ 1/2 cá, 1/2 giò để miếng chả mềm, người cao tuổi sẽ dễ ăn hơn so với chỉ làm cá), thêm chút bột nêm, tiêu, quết thật nhuyễn, lấy muỗng múc rồi dùng tay viên thành từng viên 3-4cm, đánh dẹt ra, chiên cho vàng 2 mặt. Nếu làm nhiều thì sau khi chiên xong, để nguội, chia thành từng phần đủ ăn một bữa, cất vào ngăn đá tủ lạnh, khi cần nấu lấy ra rã đông rồi nấu.
Trước Tết các bạn mua 1-2 bộ xương gà hoặc xương heo về ninh hầm kỹ, để nguội, cho vào ngăn mát tủ lạnh cho phần mỡ đông lại, vớt béo lấy nước trong, có thể chia nhiều phần (mỗi phần đủ một tô bún) cất vào ngăn đá. Nhóm rau củ: ngon nhất là nấu với rau cần nước, tuy nhiên ngày Tết nếu không muốn đi chợ, các chị nên mua su hào để sẵn. Chế biến: Đun sôi nước dùng, cho bột nêm, nước cốt me, đường, khi nước sôi cho chả cá + su hào thái miếng bằng ngón tay vào, đun khoảng 10 phút cho chả cá ngấm và su hào mềm. Thêm thì là và hành lá vào. Ăn với bún tươi, bún khô, bánh phở hoặc bánh đa trắng…
Chúc các bạn và gia đình hưởng ngày Tết vui vẻ và nhiều sức khỏe.