Nhân dịp Xuân Nhâm Dần, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang NGUYỄN THANH BÌNH (ảnh) đã chia sẻ với ĐTTC những kết quả đạt được trong 2021.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh An Giang vẫn có sự tăng trưởng kinh tế khá tốt. Ông có thể điểm qua những kết quả khả quan này?
Ông NGUYỄN THANH BÌNH: - Năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm trong điều hành, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, triển khai thực hiện của các cấp, ngành, cùng sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp... kinh tế - xã hội của An Giang có mức tăng trưởng 2,15%.
Mức tăng này dù thấp hơn cùng kỳ, nhưng được xem là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng thời gian qua.
Theo đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản được xem là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển khó khăn đầy thách thức hiện nay.
Năng suất lúa của tỉnh tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản tăng khá so với cùng kỳ. Ước tăng trưởng cho khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,22%, cao hơn cùng kỳ (năm 2020 là 1,97%).
Tổng diện tích gieo trồng cả năm khoảng 673.000ha. Năng suất lúa bình quân cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhờ sản xuất thuận lợi và trúng mùa, trúng giá; sản lượng thu hoạch của các loại cây lâu năm tăng cao hơn nhiều so cùng kỳ; chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản lượng thủy sản cũng tăng cao... từ đó đưa khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng khá.
Tổng mức bán buôn, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 147.299 tỷ đồng, tăng 5,09%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt hơn 1,29 tỷ USD, tăng 17,82%.
Hoạt động du lịch của tỉnh có các bước tuyên truyền quảng bá khá tốt, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ước năm 2021 chỉ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách, giảm 46%; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.300 tỷ đồng (đạt 53% so với kế hoạch). Ước tính năm 2021, tỉnh An Giang thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra; trong đó có 6 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt.
- Nhiều ý kiến đánh giá cao An Giang đã chăm lo tốt đời sống người dân, ổn định an sinh xã hội… Ông chia sẻ thêm về vấn đề này?
- Để chăm lo tốt đời sống người dân và ổn định an sinh xã hội, UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, phát động phong trào gây quỹ toàn dân ủng hộ phòng chống dịch bệnh; khơi dậy, lan tỏa truyền thống tốt đẹp “tương thân, tương ái” của dân tộc.
Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể và đồng bào ta ở nước ngoài có những sáng kiến, nghĩa cử cao đẹp, đóng góp cho công tác phòng chống dịch; giúp đỡ thiết thực, hỗ trợ cộng đồng, nhất là đối với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Ban Vận động Quỹ phòng chống dịch Covid-19 các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ bằng tiền trên 80,7 tỷ đồng hỗ trợ người dân khó khăn, các khu cách ly, thu mua nông sản giúp nông dân.
Ngoài ra, An Giang cũng chăm lo tốt cho hàng chục ngàn người dân từ TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ về quê tránh dịch. Tất cả diễn ra trong trật tự, nề nếp, ổn định an sinh xã hội...
- Xác định nông nghiệp là thế mạnh, vậy tới đây An Giang sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng nông nghiệp thế nào để tăng thu nhập cho nông dân và xây dựng nông thôn hiện đại, thưa ông?
- Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch thúc đẩy sản xuất thích ứng phù hợp với tình hình mới. Tập trung phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Tiếp tục tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, thực hiện nhanh kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030.
Tỉnh sẽ rà soát, xác lập các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm cho từng sản phẩm cụ thể, phù hợp thực tiễn và tầm nhìn đến 2030; phát triển các hệ thống sản xuất và cung ứng giống nông nghiệp chất lượng cao; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản theo hướng mỗi địa phương có từ 1-2 sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh và hội nhập.
Bên cạnh đó, An Giang tiếp tục chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang những loại cây hoa màu có giá trị kinh tế cao hơn; mở rộng áp dụng tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP để giảm giá thành, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người dân.
Tăng cường mời gọi các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn; chủ động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các nhà mạnh thường quân và người dân tham gia xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang, hiện đại để nông thôn thật sự là nơi đáng sống.
- Xin cảm ơn ông.
An Giang sẽ tập trung các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo... Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 5,2%; GDP bình quân đầu người 52,7 triệu đồng; tổng vốn đầu tư xã hội 30.127 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hơn 1,155 tỷ USD... Cuối tháng 6-2021, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang về phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo UBND tỉnh An Giang, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 2,86%. An Giang hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn như lúa gạo, cá tra, trái cây, rau màu… gắn liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, đảm bảo chất lượng, nhu cầu thị trường xuất khẩu. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp An Giang; đồng thời đề nghị nhanh chóng chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, thích ứng với nhu cầu thị trường tốt hơn. An Giang nghiên cứu tổ chức lại đời sống nông dân ở nông thôn, giúp nông dân tiếp cận thị trường, phương thức canh tác mới, ứng dụng khoa học công nghệ… |