Ghi nhận của phóng viên ngay từ sáng sớm, tại trụ sở TAND TPHCM ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Bến Thành, quận 1) tình hình an ninh trật tự đã được thắt chặt nghiêm ngặt. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM như: cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng cháy chữa cháy… tiến hành bảo vệ an ninh trật tự phiên tòa và bảo đảm an toàn xung quanh khu vực tòa án.
Phía trước tòa, lực lượng chức năng cấm người dân tụ tập, ghi hình dưới mọi hình thức. Toàn bộ những người tới tham dự phiên tòa đều phải qua hệ thống máy soi kiểm tra an ninh.
Do an ninh thắt chặt nhiều vòng, những người ra vào tòa phải có giấy tờ triệu tập, giấy mời; phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa phải có tên trong danh sách đăng ký từ trước. Các phóng viên tham gia ngồi theo dõi đưa tin phiên sơ thẩm qua một màn hình ti vi tại một phòng riêng.
Được biết, bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử về 3 tội danh: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bị xét xử cùng bị cáo Trương Mỹ Lan còn có 80 bị cáo, bao gồm 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước, bị Viện KSND Tối cao truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”; 5 bị cáo đang bỏ trốn sẽ bị xét xử vắng mặt.
Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Capella) bị xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ vụ án, quá trình hoạt động, Tập đoàn VTP do bà Lan làm Chủ tịch HĐQT đã xây dựng "hệ sinh thái VTP" với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật. Trong đó, SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái.
Từ năm 2011, bà Lan thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành SCB. Dù không trực tiếp nắm quyền điều hành, bà Lan sở hữu tới 91,5% cổ phần của SCB và là cổ đông có “quyền lực" để chỉ đạo, điều hành. Thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích của mình.
Để lấy tiền từ SCB, từ năm 2012 đến 2022, bà Lan cùng đồng phạm lập khống hàng ngàn hồ sơ hoặc hồ sơ vay với tài sản đảm bảo không đủ giá trị pháp lý…. qua đó được SCB giải ngân hơn 1 triệu tỷ đồng. Tính đến khi khởi tố vụ án, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi là hơn 677.000 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, trừ đi giá trị tài sản bảo đảm, bà Lan chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 129.000 tỷ đồng ở hành vi tham ô tài sản, gây thiệt hơn 64.000 tỷ đồng ở hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.
Phiên toà dự kiến xét xử từ nay đến ngày 29-4.