Ông PHẠM ĐỖ HUY CƯỜNG, Phó Tổng giám đốc thường trực, kiêm Giám đốc Tài chính APH.
Phiên đấu giá được tổ chức ngày 22-6 tại Sở Giao dịch CK TPHCM (HOSE), với mức giá khởi điểm 25.000 đồng/cổ phần. Có 109 NĐT tham gia phiên đấu giá, khối lượng đặt mua lên tới xấp xỉ 20,8 triệu đơn vị. Kết quả, có 15 NĐT trúng giá mua toàn bộ 4,3 triệu cổ phần. Mức giá thành công bình quân 50.018 đồng, cao hơn 2 lần so với giá khởi điểm 25.000 đồng/cổ phần, tương ứng số tiền thu về đạt hơn 215 tỷ đồng. Với mức giá IPO đạt 50.018 đồng/cổ phần, APH được định giá khoảng hơn 6.600 tỷ đồng.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, số tiền thu về từ đợt IPO sẽ được APH sử dụng vào các hoạt động gì?
Ông PHẠM ĐỖ HUY CƯỜNG: - Số tiền 215,08 tỷ đồng huy động được từ 4,3 triệu cổ phần sẽ được APH sử dụng để đầu tư xây nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio. Dự kiến nhà máy sẽ khởi công vào đầu năm 2021 tại Hải Phòng, thời gian xây dựng trong khoảng 18 tháng, hoàn thiện vào cuối năm 2022, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm với vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Với việc chủ động nguyên liệu, dự kiến trong 3-5 năm tới, tỷ trọng sản phẩm túi sinh học phân hủy hoàn toàn có thể tăng từ 10% hiện tại lên khoảng 50% trong cơ cấu doanh thu bao bì của APH.
Điều này giúp cải thiện đáng kể tỷ suất lợi nhuận chung của tập đoàn, vì tỷ suất lợi nhuận gộp của dòng sản phẩm này khoảng 20%, so với mức bình quân 14% của bao bì thông thường.
- Được biết, sau thành công của đợt chào bán này, APH sẽ tiếp tục có đợt chào bán cho các NĐT chiến lược. Liệu đợt chào bán cho NĐT chiến lược có thành công như đợt chào bán hôm nay?
- Nhu cầu cho dự án nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio của APH lên đến hơn 70 triệu USD. APH dự kiến huy động 50% từ nguồn vốn chủ sở hữu, phần còn lại 50% phải là nguồn vốn vay.
Kế hoạch trong năm 2020 sẽ hoàn thành việc huy động 80% lượng vốn cần thiết, phần còn lại sẽ huy động trong năm 2021 chủ yếu dưới hình thức vay thương mại hoặc trái phiếu trơn.
Trong năm 2020, APH dự kiến phát hành 20 triệu cổ phần mới, tương đương 14% số lượng cổ phần đang lưu hành. Trong đó, có 15,75 triệu cổ phần cho các NĐT chiến lược, và 4,3 triệu cổ phần được đấu giá công khai.
APH thành lập vào tháng 3-2017, tập trung vào các ngành kinh doanh chủ yếu: sản phẩm và nguyên vật liệu sinh học phân hủy hoàn toàn, bao bì, nhựa kỹ thuật và nhựa nội thất, cơ khí chính xác và khuôn mẫu, nguyên vật liệu và hóa chất ngành nhựa, bất động sản công nghiệp.
Từ khi thành lập đến nay, APH liên tục tăng vốn điều lệ lên 1.423 tỷ đồng và đến tháng 1-2020, APH chính thức trở thành công ty đại chúng. Đặc biệt, APH đã thực hiện nới room ngoại lên mức 100%.
Với lịch sử tăng vốn thành công, cộng với việc trở thành công ty đại chúng và kế hoạch niêm yết khá rõ ràng, tôi tin rằng APH có “bản lý lịch” quá đẹp với các NĐT chiến lược. Chúng tôi hiện đang đàm phán với các NĐTNN về chiến lược hợp tác phát triển và mọi thứ đang tiến triển rất tốt.
- APH hiện đang sở hữu nhiều công ty đang niêm yết trên TTCK. Đây cũng là những thành viên đóng góp hiệu quả vào hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn?
- APH là công ty mẹ sở hữu trực tiếp CTCP Nhựa Hà Nội (NHH) 55% và CTCP Nhựa An Phát Xanh (AAA) 48%, CTCP An Tiến Industries (HII) cùng nhiều đơn vị thành viên khác. AAA, HII mang lại 86% và 80% doanh thu và lợi nhuận gộp cho APH trong quý I-2020, phần còn lại 14% và 20% đến từ NHH.
Năm 2019, doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của APH đạt lần lượt 9.513 tỷ đồng và 712 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 19% và 305% so với cùng kỳ năm 2018.
Nếu trước đây, nguồn thu chính của APH từ hoạt động sản xuất bao bì (90% doanh thu và lợi nhuận), đến nay với việc mở rộng sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là mảng công nghiệp hỗ trợ đã chiếm 12% trong cơ cấu doanh thu hợp nhất của tập đoàn, tăng trưởng bình quân 9%/năm trong giai đoạn 2015 -2019.
Trong năm 2020, APH đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng cả năm đạt 12.000 tỷ đồng và 650 tỷ đồng. Về dài hạn, động lực tăng trưởng của APH sẽ đến từ dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn thông qua đầu tư vào dự án nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio.
Đặc biệt, chỉ sau hơn 1 năm đi vào hoạt động chính thức, mảng bất động sản công nghiệp đã gặt hái được thành công đáng kể khi đóng góp 7% doanh thu và 29% lợi nhuận gộp năm 2019, mảng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn đang gia tăng đóng góp vào cơ cấu doanh thu của tập đoàn.
- Xin ông nói rõ hơn về mục tiêu dài hạn của APH, đặc biệt là lộ trình niêm yết CP trên HOSE?
- Việc IPO và niêm yết HOSE sẽ giúp APH tăng cường khả năng tiếp cận, huy động nguồn vốn, nâng cao năng lực để thực hiện các mục tiêu dài hạn. Cùng với định hướng chiến lược đúng đắn và việc mở rộng thêm các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tiềm năng khác, đặc biệt là kế hoạch đầu tư vào dự án nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn.
Với chiến lược đầu tư đúng đắn này, chúng tôi tự tin trong vòng 5 năm tới APH sẽ phát triển vượt bậc, trở thành tập đoàn nhựa công nghệ cao, thân thiện môi trường hàng đầu Đông Nam Á.
Sau khi đấu giá thành công 4,3 triệu cổ phần, APH dự kiến tổ chức Roadshow vào khoảng đầu tháng 7 trước khi chính thức niêm yết CP vào thời điểm cuối tháng 7.
- Xin cảm ơn ông.
Giai đoạn 2020-2025, APH đặt mục tiêu sản phẩm túi sinh học phân hủy hoàn toàn sẽ là động lực tăng trưởng chính. Các sản phẩm truyền thống sẽ được thay thế dần bởi sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn.