Đây là những thông tin được các doanh nghiệp (DN), nhà bán lẻ tại TPHCM cam kết khi chia sẻ về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại ở Đà Nẵng.
Người tiêu dùng mua sắm tuân thủ việc đeo khẩu trang đảm bảo an toàn
Đảm bảo đầy đủ hàng hóa
Tại TPHCM, ngay khi có ca mắc Covid-19, UBND TPHCM đã nhanh chóng kích hoạt các hoạt động chống dịch, trong đó có việc cung ứng hàng hóa cho thị trường. Theo đó, Sở Công thương đã được UBND TPHCM giao nhiệm vụ đảm bảo hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng, tăng cường kiểm soát đối với mặt hàng trang thiết bị y tế để phòng chống dịch bệnh; xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, thổi giá cao khẩu trang y tế, nước khử khuẩn… gây bất ổn thị trường.
Theo chỉ đạo từ Sở Công thương, các DN trên địa bàn đã nhanh chóng chuẩn bị đủ nguồn hàng và đảm bảo không tăng giá. Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân khẳng định: “Nguồn hàng sản xuất của Ba Huân rất dồi dào, từ thực phẩm chế biến như xúc xích, lạp xưởng cho tới gia cầm và trứng. Hiện tại các nhà máy, trang trại chăn nuôi của Ba Huân luôn hoạt động hết công suất để lúc nào cũng sẵn sàng nguồn cung cho thị trường. Chỉ tính riêng trứng gia cầm, chúng tôi đang cung ứng bình quân 1 triệu quả trứng các loại/ngày và tất cả đều đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Cũng như Ba Huân, các DN thực phẩm sản xuất nui, mì trên địa bàn thành phố như Meizan, Miliket… cũng đang hoạt động tăng công suất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ông Lưu Huỳnh, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Meizan CLV cho biết, ngay từ cuối tháng 6, Meizan CLV đã dự kiến các tháng cuối năm sản lượng mì nui vẫn tăng trưởng tốt, nên vẫn tiếp tục tăng công suất hoạt động của nhà máy. Thời điểm hiện tại, Meizan còn đang mở rộng nhà máy thêm 20% công suất và dự kiến hoàn thành 2021, nâng công suất lên hơn 200% so với hiện tại.
Với các nhà phân phối bản lẻ, trước những diễn biến mới nhất của dịch Covid-19, đã tiến hành dự trữ hàng hóa thiết yếu và tái khởi động các biện pháp phòng dịch tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ để đảm bảo an toàn mua sắm cho khách hàng. Điển hình là nhà bán lẻ Saigon Co.op - với hệ thống các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Chrees, Finelife…
Theo nhà bán lẻ này, vì đã có kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch nên hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã có lộ trình rõ ràng cho việc dự trữ hàng hóa và có biện pháp ứng phó kịp thời với những diễn biến cập nhật của dịch bệnh. Cụ thể, các mặt hàng thiết yếu đã được siêu thị thực hiện chủ trương của Saigon Co.op luôn trong chế độ dự trữ sẵn sàng. So với cao điểm dịch trước đây, Saigon Co.op hiện nay có bổ sung phương án hàng hóa và phương án vận chuyển riêng biệt cho từng địa phương, từng khu vực. Hiện Saigon Co.op đang đặc biệt chú trọng các phương án vận chuyển hàng hóa và các biện pháp cách ly cho các siêu thị tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế và tiến tới các khu vực có siêu thị lân cận. Khu vực TPHCM và các tỉnh thành có siêu thị Co.opmart trú đóng đều được đặt trong trạng thái cảnh giác cao.
Cùng với hàng hóa thiết yếu, hiện hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op vẫn cung cấp đều đặn ra thị trường lượng lớn khẩu trang y tế, khẩu trang vải và các loại rửa tay sát khuẩn đạt chuẩn của các hiệu Co.op Select, dệt Đông Xuân, NRT Select, Lifebuoy… Các ngày trong tuần đều có chương trình khuyến mãi, tặng điểm thưởng mức cao, mua 1 tặng 1 và các ngày cuối tuần luôn giảm giá sâu cho các loại hàng hóa thiết yếu.
Giống như Saigon Co.op, các nhà bán lẻ khác đã nhanh chóng kích hoạt lại các biện pháp chống dịch như thời điểm trước giãn cách xã hội. Ông Lê Hữu Tình, Giám đốc Marketing của Emart Việt Nam, khẳng định siêu thị này luôn cam kết đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng. Về giá cả hàng hóa, siêu thị đã làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn hàng cùng giá tốt nhất cho khách hàng.
Không có tình trạng tích trữ hàng hóa
Với sự vào cuộc nhanh chóng của DN sản xuất, nhà phân phối, tới nay các hoạt động cung ứng hàng hóa và mua sắm vẫn diễn ra bình thường, không có tình trạng tích trữ hàng hóa. Nhiều người tiêu dùng cho biết, rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước, do quá lo lắng sẽ thiếu hàng hóa nên mua dự trữ quá nhiều, dẫn tới dùng chưa hết.
Chị Trần Thu Thủy (ngụ chung cư Lavita, quận 9) chia sẻ, đợt dịch trước chị mua gần trăm ký gạo, tới nay vẫn chưa dùng hết khiến chất lượng gạo bị giảm. Theo chị Thủy, chị không quá lo lắng về việc khan hiếm hàng hóa vì ngay cả khi cao điểm dịch vừa qua thì siêu thị, chợ vẫn có hàng hóa bình thường. Hiện nay, chị và gia đình chủ yếu chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn và tuân thủ giãn cách, hạn chế đến những nơi đông người.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi mua sắm cũng đảm bảo tuân thủ việc đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay, đo thân nhiệt trước khi vào siêu thị. Việc này đến từ sự tự giác của người tiêu dùng cũng như sự chủ động kích hoạt biện pháp phòng chống dịch của các nhà bán lẻ. Việc đeo khẩu trang hiện được áp dụng triệt để 100% và việc rửa tay, khử trùng, đo thân nhiệt, giãn cách cũng được các nhà bán lẻ thực hiện nghiêm.
Cùng với các siêu thị, ghi nhận tại các chợ đầu mối của TPHCM như Hóc Môn, Thủ Đức cho thấy, lượng hàng hóa về chợ trong vòng 1 tuần trở lại đây vẫn đều đặn. Trong đó, chợ đầu mối Hóc Môn duy trì lượng hàng về mỗi đêm từ 2.200 - 2.700 tấn rau củ quả các loại; chợ đầu mối nông sản Thủ Đức duy trì lượng hàng bình quân trên 3.000 tấn/đêm. Giá cả thực phẩm được các tiểu thương cho biết, có biến động theo chiều hướng tăng (chủ yếu với mặt hàng rau củ) do nguồn cung biến động, chứ không phải do bị đẩy giá trong dịch bệnh. Việc đảm bảo an toàn mua bán trong chợ như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn… cũng được các tiểu thương chấp hành theo thông báo từ Ban quản lý chợ.