Giá đất bị thổi lên từng ngày
Theo phương án thiết kế, dự án cầu Trần Hưng Đạo sẽ đi qua địa bàn các quận: Hoàn Kiếm (phường Phan Chu Trinh, Chương Dương Độ); Hai Bà Trưng (phường Bạch Đằng) và Long Biên (phường Long Biên, Bồ Đề, Gia Thụy).
Nhà đất khu vực phường Phan Chu Trinh, Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm) có giá cao từ nhiều năm nay. Dự án cầu Trần Hưng Đạo không khiến khu vực này nhiều biến động.
Tại khu vực các trục đường như Cổ Linh, Hồng Tiến (quận Long Biên) - khu vực giao, cắt với vị trí dự kiến của cầu Trần Hưng Đạo thị trường nhà đất trở nên sôi động với nhiều thông tin mua bán. Lượng tin rao bán nhà ở khu vực đường Hồng Tiến, Cổ Linh có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Mảnh đất thổ cư 50m2 được giới thiệu là nằm ngay ngã ba mặt phố Hồng Tiến, gần cầu Chương Dương và cầu Trần Hưng Đạo sắp tới vừa được rao bán với giá 12 tỷ đồng (tương đương 240 triệu đồng/m2). Trong khi những năm trước, ô đất diện tích tương tự trên phố Hồng Tiến, cũng ở vị trí gần khu vực cầu Trần Hưng Đạo dự kiến xây dựng được rao bán với giá 9,3 tỷ đồng (tương đương hơn 186 triệu đồng/m2). Chỉ trong vài tuần giá trị đất nền tăng giá hơn 20%.
Giá nhà đất ở mặt đường Cổ Linh, gần dự án cầu Trần Hưng Đạo chào bán có giá trung bình từ 150 - 250 triệu đồng/m2 tùy vị trí còn giá nhà đất trong ngõ dao động trung bình từ 70 - 80 triệu đồng/m2. Trong thời gian ngắn giá nhà đất đã tăng từ 20 - 30% so với giữa năm 2020. Một cò đất khu vực phường Bồ Đề (quận Long Biên) cho biết, khi thành phố nới lỏng giãn cách, khách xem, mua đất liên tục, có ngày tiếp 4 - 5 khách tới xem đất, giá đất cũng biến động liên tục tăng.
Mỗi khi có một dự án, một thông tin quy hoạch nào được đưa ra là chỉ một thời gian ngắn sau, giá nhà đất được đẩy lên chóng mặt. Hiện tượng này từ lâu đã quá quen thuộc với thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, sau một đợt “rầm rộ” thông tin mua bán, thị trường khu vực có dự án lại xuống rất nhanh, giao dịch thưa thớt.
Bài học từ sốt đất từ thông tin quy hoạch vẫn còn đó
Hạ tầng giao thông luôn là đòn bẩy cho bất động sản, hạ tầng giao thông hoàn thiện sẽ giúp giá trị của đất đai tăng lên. Với hạ tầng giao thông kết nối khu vực, nối 2 bên bờ sông thì càng tạo đà bật cho thị trường bất động sản khu vực được kết nối.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đầu tư giao thông kết nối sẽ làm bất động sản tăng giá mạnh nhất. Hà Nội sẽ triển khai 10 cây cầu, điều này tạo ra sự phát triển, nâng giá trị bất động sản tại khu vực phía Bắc của sông Hồng. Đây là định hướng phát triển khu vực quận phía Bắc Thủ đô, tạo ra các đô thị mới đối trọng với đô thị trung tâm thành phố để kéo giãn, giảm sự quá tải của mật độ dân cư đang áp lực lên hạ tầng khu trung tâm.
“Tuy nhiên, tăng giá bất động sản phải tỷ lệ thuận với tăng đầu tư thực sự để tạo ra những giá trị về hạ tầng, về đời sống và về dịch vụ cho những vùng được kết nối và đầu tư đến đâu thì giá trị tăng đến đó. Tăng giá bất động sản giai đoạn bắt đầu mới công bố kế hoạch, quy hoạch là đúng quy luật nhưng tăng ở mức độ 5 - 7% thì là hợp lý còn nếu tăng quá nhiều thì là bất bình thường” - ông Đính nói.
Ông Đính cho rằng, nếu bất động sản tại khu vực bờ Bắc sông Hồng tăng giá quá mạnh thì nhà đầu tư không nên tham gia. Bất động sản sẽ tăng theo hạ tầng nhưng đó phải là đầu tư thật. Chúng ta đã có nhiều bài học về đầu tư chạy theo quy hoạch, ví dụ như bài học tại huyện Hoài Đức.
Trước đây kế hoạch, quy hoạch phát triển đã có, các dự án phát triển giao thông được đưa ra, đẩy giá nất động sản lên nhưng sau đó dự án không được triển khai đầu tư. Khu vực huyện Hoài Đức vẫn nguyên như cũ với một con đường cao tốc và giá bất động sản cứ tụt xuống, thậm chí nằm im không ai giao dịch không có ai hỏi mua, ông Đính cho biết thêm.