An toàn trong khó khăn

Tại cuộc họp cuối tuần qua với các NHTM trên địa bàn TPHCM, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng quý I-2013 thị trường tiền tệ có nhiều nét tích cực so với quý I năm ngoái. Tuy nhiên, khó khăn thách thức vẫn còn nhiều, phải nỗ lực phấn đấu mới đạt chỉ tiêu kế hoạch ngành, góp phần thực hiện chỉ tiêu chung cả nước.

Tại cuộc họp cuối tuần qua với các NHTM trên địa bàn TPHCM, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng quý I-2013 thị trường tiền tệ có nhiều nét tích cực so với quý I năm ngoái. Tuy nhiên, khó khăn thách thức vẫn còn nhiều, phải nỗ lực phấn đấu mới đạt chỉ tiêu kế hoạch ngành, góp phần thực hiện chỉ tiêu chung cả nước.

Tín dụng chậm nhưng chắc

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, quý I-2012 thị trường tiền tệ có nhiều biến động, đặc biệt chỉ số giá cả biến động lớn cùng những mất cân đối khác trong nền kinh tế. Nhưng quý I năm nay thị trường tiền tệ tương đối ổn định. Vì thế, duy trì được điều này để đạt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra là nhiệm vụ quan trọng.

“Hiện nay lãi suất huy động ngắn hạn đã giảm còn 7,5%/năm. Nếu 1-2 tháng tới tỷ lệ lạm phát được kiểm soát ở mức tốt, có thể kiểm soát lãi suất huy động xuống mức thấp hơn nữa. Nhưng hiện nay mức giảm không bao nhiêu, chỉ khoảng 0,25-0,5%/năm so với 12%/năm trước đây” - Thống đốc cho biết. 

Cũng theo Thống đốc NHNN, tăng trưởng tín dụng TPHCM 3 tháng đầu năm là 0,26%, trong khi tăng trưởng tín dụng toàn quốc trên 0,3%. Mức này thấp hơn so với năm ngoái. Dù năm nay các NHTM “đau đầu” vì tín dụng không tăng được, nhưng nếu tăng trưởng như trước đây các NHTM “càng sống càng chết”.

Bởi lẽ những năm trước tăng trưởng tín dụng 30-50% nhưng tỷ lệ sử dụng vốn vay trên nguồn huy động của các NHTM cao ngất ngưởng, đã xảy ra cạnh tranh lãi suất quyết liệt đến mức mất an toàn.

Điều này được thể hiện khi cuối năm 2011 tỷ lệ sử dụng vốn cơ bản ở nhiều NHTM trên 100%, cả hệ thống khoảng 97-98%, dễ dẫn đến mất thanh khoản. Hiện nay tỷ lệ này trong toàn hệ thống giảm còn 80-81%, nhiều NH chỉ trên 70%, rất an toàn.

Loay hoay tìm đầu ra

Điều đáng chú ý hiện nay là nợ xấu của các NHTM trên địa bàn TPHCM cao hơn so với toàn quốc, trong đó nợ nhóm 5 chiếm 62% là tỷ lệ đáng báo động. Trước vấn đề này, Thống đốc NHNN đề nghị các NHTM chú ý vấn đề trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ ở tỷ lệ xấu nhóm 5, đồng thời cương quyết chấm dứt việc NH chưa trích lập đầy đủ vẫn chia lãi.

“Qua theo dõi toàn hệ thống, tỷ lệ trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu đạt được kết quả cao nhất từ trước đến nay. Đó là điểm tích cực, nhưng cần phải đồng đều ở tất cả NHTM, đặc biệt các NH có tỷ lệ nợ xấu cao. Các NHTM nên “nhịn” một chút để trích lập dự phòng đầy đủ, không nghĩ lợi trước mắt mà chuyện lâu dài là hoạt động an toàn” - Thống đốc nói.

Thanh khoản của hệ thống NH đã được an toàn tối đa nhưng việc tìm đầu ra vẫn khó khăn. Ảnh: LONG THANH

Thanh khoản của hệ thống NH đã được an toàn tối đa
nhưng việc tìm đầu ra vẫn khó khăn. Ảnh: LONG THANH

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, cho rằng 3 tháng đầu năm chính sách tiền tệ có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều NH đang loay hoay với việc làm sao đưa vốn ra nền kinh tế trên nền lãi suất thấp. Đây là hiện tượng rất khó cho nền kinh tế, đòi hỏi phải tìm cách giải quyết ở những nguyên nhân khác chứ không phải nguyên nhân tiền tệ nữa.

Về vấn đề nợ xấu, theo ông Phước, năm 2011 trong bối cảnh nợ xấu các NHTM tăng cao, NHNN cùng các bộ Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên - Môi trường tìm giải pháp xử lý nợ xấu thông qua Thông tư liên tịch 03 cho phép các TCTD được tổ chức đấu giá để xử lý các tài sản bảo đảm, không qua các thủ tục tố tụng mất nhiều thời gian.

Vì vậy, trong khi tiếp tục hoàn thiện để thành lập Công ty Quản lý và xử lý nợ xấu (VAMC), nên tiến hành kinh nghiệm năm 2011 đã làm hiệu quả, sẽ xử lý nợ xấu một cách tích cực hơn.

Gỡ cơ chế

Hiện nay có rất nhiều ý kiến nghi ngờ nợ xấu vì sao giảm nhanh và cho rằng các TCTD và NHNN có con số sai lệch về xử lý nợ xấu. Về vấn đề này, một lãnh đạo NHTM cho rằng xử lý nợ xấu có sổ sách kế toán, việc trích lập dự phòng đã giải thích vì sao lợi nhuận của hệ thống NHTM năm 2012 giảm và năm 2013 còn giảm nữa.

Hơn nữa, khi sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu, có nghĩa các NHTM phải dùng nguồn vốn của mình để cấn nợ, siết nợ với những tài sản thế chấp. Nhưng cấn nợ, siết nợ như thế đụng chạm đến quy định trong cơ chế tài chính của các TCTD là tỷ lệ nắm giữ các tài sản cố định trên vốn tự có của TCTD.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên xem xét nới lỏng, tạo điều kiện đặc thù cho phép tài sản thế chấp không được xem là tài sản cố định trong 1-2 năm, có thể xem đây là biện pháp các NHTM “tự lực cánh sinh”. Trong điều kiện đặc thù, tỷ lệ nắm giữ các tài sản cố định nên linh hoạt để các NHTM xử lý nợ xấu nhanh chóng.

Nhiều chuyên gia kiến nghị NHNN nên xem xét lộ trình thực hiện Thông tư 02 sao cho phù hợp, nhất là phân loại tài sản, dự phòng rủi ro. Vì nếu áp dụng ngay trong tháng 6-2013 sẽ có tác động lớn, trong thời gian ngắn sẽ làm tỷ lệ nợ xấu tăng cao, ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng, gây khó khăn cho hoạt động ngành.

Bên cạnh đó, có kiến nghị thay đổi cơ sở pháp lý để hỗ trợ các NHTM xử lý tài sản bảo đảm. Đặc biệt trong tình hình khó khăn, nợ xấu nhiều, một số NHTM đề nghị Thống đốc kiến nghị Chính phủ giảm thiểu hình sự hóa đối với hoạt động NH. Bởi điều này tác động nặng nề đến tâm lý cũng như hoạt động NH.

Thống đốc NHNN cho biết trong đề án xử lý nợ xấu Bộ Chính trị đã thông qua và sắp tới Chính phủ cũng xem xét, sửa các quy định hiện hành, giúp quá trình xử lý tài sản nhanh chóng. Hơn nữa, chính VAMC sẽ giúp NHTM giảm bớt tỷ lệ nắm giữ tài sản cố định. Nếu NHTM bị khống chế tỷ lệ nắm giữ tài sản cố định, sau này khi VAMC thành lập các NHTM có thể bán tài sản đó cho VAMC, khi cần có thể mua lại.

Cũng theo Thống đốc NHNN, đề án xử lý nợ xấu không chỉ liên quan đến vấn đề nợ xấu mà còn liên quan đến vấn đề tái cấu trúc hệ thống NHTM. Thí dụ, khi sáp nhập hoặc hợp nhất NH, tỷ lệ nắm giữ tài sản cố định của NH mới sẽ tăng lên. Vì vậy, NHNN sẽ đề cập Chính phủ điều chỉnh những vấn đề trên để hướng dẫn cho các TCTD.

Các tin khác