Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ cả hai bên khẳng định có nổ súng cảnh báo ở ranh giới kiểm soát, nơi mà từ lâu đã có thỏa thuận cấm nổ súng.
Người phát ngôn quân đội Trung Quốc ngày 8/9 ra thông cáo cho biết lính Ấn Độ “nổ súng về phía lính biên phòng Trung Quốc một cách đe dọa” gần bờ phía nam của hồ Pangong Tso ở khu vực Ladakh.
“Có những hành vi gây hấn nghiêm trọng và ác ý”, người phát ngôn này cho biết. Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ kiềm chế và trừng phạt những người lính đã nổ súng, đồng thời cho biết đã “có các biện pháp đối phó”, nhưng không nói rõ.
Ấn Độ phủ nhận lính của mình đã nổ súng. Bộ Quốc phòng Ấn Độ ra tuyên bố cho biết lính Trung Quốc đã tiếp cận một vị trí tiền tiêu ở biên giới và “bắn vài phát đạn lên không trung để đe dọa” lính Ấn Độ.
Hồ Pangong Tso ở khu Ladakh, gần ranh giới Ấn Độ - Trung Quốc, trong bức ảnh chụp năm 2017. Ảnh:AP. |
Nổ súng gần ranh giới hai bên
Một quan chức Ấn Độ giấu tên nói lính Trung Quốc liên tục cố gắng vượt qua ranh giới kiểm soát thực (Line of Actual Control) ở một vị trí nhất định. Khi lính Ấn Độ yêu cầu lính Trung Quốc quay lại, lính Trung Quốc “tỏ thái độ thách thức và bắn vài phát đạn” lên không trung, quan chức Ấn Độ này cho biết.
Hai quan chức quân đội Ấn Độ đóng ở khu vực lại cho biết lính Ấn Độ cũng nổ súng cảnh báo, theo Washington Post.
Tuần trước, có một đợt leo thang căng thẳng mới, khi lính Ấn Độ đi tới ranh giới gần hồ Pangong Tso. Ở đó, lính Ấn Độ giành kiểm soát “một số cứ điểm trên cao, cho chúng tôi lợi thế về lâu dài”, quan chức Ấn Độ nói trên cho biết.
Trung Quốc phản ứng giận dữ, và cáo buộc Ấn Độ vượt ranh giới một cách phi pháp và có hành vi gây hấn, vi phạm thỏa thuận song phương.
Hồi tháng 6, binh lính hai bên có vụ đụng độ nguy hiểm nhất trong hơn 50 năm, khi lính Trung Quốc dùng vũ khí thô sơ là gậy có gắn đinh để đối đầu với lính Ấn Độ, ở một khu vực xa xôi phía tây dãy Himalaya. 20 lính Ấn Độ thiệt mạng, trong khi số thương vong bên Trung Quốc vẫn chưa rõ.
Hai nước sau đó chuyển hàng nghìn lính và xe tăng, pháo, máy bay chiến đấu tới gần các khu vực tranh chấp, vốn chưa có đường biên được phân định rõ ràng.
Bà Bonnie Glaser, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho rằng các động thái hiện tại của Trung Quốc được thúc đẩy một phần bởi lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề lãnh thổ của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Sau cuộc chiến tranh năm 1962, Trung Quốc và Ấn Độ đa phần đã giải quyết được các tranh chấp dọc 3.540 km biên giới thông qua đối thoại. Lần cuối có nổ súng, mà hai bên đều xác nhận, là vào năm 1975, làm bốn lính Ấn Độ thiệt mạng.
Các thỏa thận sau đó quy định rõ hơn lính hai bên sẽ phải hành xử thế nào, nếu gặp phải nhau lúc đi tuần ở những vùng đất tranh chấp, trong đó có việc cấm dùng súng. Các căng thẳng đa phần tập trung ở một số vùng nhất định.
Lính Ấn Độ tại lễ tang một đồng đội ngày 7/9. Ảnh:AFP. |
Thông lệ bị phá vỡ một cách nguy hiểm
D.S. Hooda, một vị tướng về hưu từng chỉ huy lực lượng quân Ấn Độ ở Kashmir và Ladakh, lo ngại những thỏa thuận để hai bên hiểu nhau đang dần tan rã. “Các thỏa thuận và thông lệ đang bị phá vỡ, và hai bên nghi kỵ nhau sâu sắc”, ông nói.
Ajai Shukla, nhà phân tích quốc phòng Ấn Độ, nói nổ súng là một sự leo thang nguy hiểm. “Chỉ cần một người bên kia mất kiềm chế và bắn trả, thì trước khi bạn nhận ra, hai bên đã lao vào một vụ đọ súng”.
Christopher Clary, nhà khoa học chính trị ở Đại học Bang New York ở Albany, cựu quan chức Lầu Năm Góc, nói nguy cơ bạo lực tăng lên khi lính hai bên tiếp xúc với nhau ở khoảng cách gần, đặc biệt là “khi họ cố gắng ngăn đối phương tiếp cận các điểm quan trọng về mặt tác chiến”.
Ấn Độ và Trung Quốc đều có hỏa lực mạnh ở trong khu vực, do vậy tình hình có thể xấu đi nhanh chóng nếu quy định cấm dùng súng bị vi phạm, ông nói thêm.
Trước mắt, khi căng thẳng còn tiếp diễn, cả Ấn Độ và Trung Quốc vẫn sẽ phải giữ lực lượng ở vùng núi cao Himalaya trong suốt mùa đông khắc nghiệt sắp tới. Nhiệt độ có thể xuống -30 độ C.
Bản thân cuộc chiến năm 1962 giữa Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra vào các tháng 10-11 đã không thể kéo dài thêm vì thời tiết khắc nghiệt khiến các chiến dịch quy mô lớn trở nên bất khả thi.
Đó là “cách mà thiên nhiên kêu gọi lệnh ngừng bắn”, Bharat Karnad, chuyên gia an ninh ở Delhi, cho biết.