Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á đạt 5,5% vào năm 2020, trong đó, Bangladesh dự báo sẽ tăng GDP 8% nhờ đầu tư nước ngoài gia tăng vào hàng dệt may, hàng may mặc và giày dép giá rẻ. Kế tiếp là Ấn Độ sẽ tăng 7,2% GDP khi nước này tìm cách trở thành một cường quốc mới về hàng hóa bao gồm cả thiết bị điện tử.
Tajikistan được dự báo sẽ tăng 7% GDP do các mỏ vàng và bạc, chế biến kim loại và chuyển tiền từ khoảng một triệu công dân sống ở nước ngoài. Kế tiếp là các nước Myanmar (6,8%), Campuchia (6,8%) và Việt Nam (6,7%).
Áp lực cũng sẽ tăng lên với châu Á trong việc giải quyết một loạt các vấn đề kinh tế và xã hội. Trung Quốc bắt đầu gánh tác động tiêu cực về dân số già và tiếp tục giải quyết các vấn đề di cư đô thị, giá dịch vụ tăng. Trong khi đó, Indonesia, Philippines và Malaysia sẽ gia tăng lực lượng lao động đáng kể, dẫn đến tăng thu nhập bình quân đầu người. Nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng nhanh chóng ở khu vực châu Á sẽ thúc đẩy nhiều dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng về sự thuận tiện và hiệu quả.
Một xu hướng sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng là các doanh nghiệp địa phương sẽ phát triển vượt trội, nhất là ở thị trường các nước đang phát triển. Ngoài ra, châu Á cũng đang chứng kiến sự xuất hiện liên tục của tập đoàn đa quốc gia trong nhiều lĩnh vực. Châu Á cũng dẫn đầu thế giới với hơn 140 kỳ lân (doanh nghiệp startup được định giá cao) tính đến năm 2019.
Theo WEF, chính phủ các nước đang phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang trong cuộc đua để vượt qua nghèo đói, thiếu thốn cơ sở hạ tầng và các trở ngại đáng kể khác để bắt kịp với phần còn lại của thế giới. Sự chuyển đổi kỹ thuật số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thay thế các công việc hiện tại và việc phân phối công việc giữa các ngành sẽ thay đổi đáng kể trong quá trình này. Việc làm được dự kiến sẽ tăng trong một số lĩnh vực, trong đó có chăm sóc y tế do dân số già. Các ngành sử dụng nhiều lao động như sản xuất, vận chuyển và lưu trữ có thể sẽ giảm việc làm do quá trình tự động hóa.
Tính bền vững của nền kinh tế và tác động đến môi trường, xã hội cũng sẽ tiếp tục là vấn đề nóng trong các chương trình nghị sự của các chính phủ và tổ chức phi chính phủ ở khu vực châu Á. Các nhà đầu tư lớn ở châu Á-Thái Bình Dương đã bắt đầu chuyển từ các ngành công nghiệp như dầu khí, khai thác quặng và nông sản sang các mô hình kinh doanh đáp ứng nhu cầu môi trường và xã hội, như năng lượng tái tạo chăm sóc y tế. Các chính phủ châu Á sẽ cần phải đổi mới và cải cách giáo dục để đảm bảo có lực lượng lao động cạnh tranh và có kỹ năng phù hợp.