Tại Hội nghị gặp gỡ lãnh đạo cấp phòng của các cơ quan TP (tổ chức ngày 11-10), một trong những nội dung quan trọng được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kết luận: Khi trình hồ sơ có những vấn đề vướng mắc về pháp lý, phức tạp, chưa rõ trong quy định, chuyên viên, lãnh đạo cấp phòng nghiên cứu đề xuất ít nhất 2 phương án: (1) Phương án thực hiện đúng quy định; (2) Phương án vận dụng các quy định pháp luật và tình hình thực tiễn đề xuất giải pháp xử lý trình lãnh đạo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đây được xem là chỉ đạo đi thẳng vào bản chất của vấn đề, của yêu cầu thực tế đã và đang diễn ra. Chuyên viên, lãnh đạo cấp phòng của các sở, ngành thành phố đảm nhiệm vai trò chủ lực trong công tác tham mưu về chuyên môn, là “mạch máu” trong guồng máy vận hành, đảm bảo cho tác vụ công quyền diễn ra một cách hiệu quả nhất.
Vì thế, khi có biểu hiện tắc nghẽn cục bộ, kéo dài trong hệ thống thì đây là một trong những khâu chính yếu cần có đối sách giải quyết cụ thể, rõ ràng. Trong đó, điểm mới và có tính thuyết phục cao ở chỗ, lãnh đạo cấp trên, cụ thể là giám đốc và các phó giám đốc sở, lãnh đạo UBND TPHCM, sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc xem xét, quyết định các nội dung tham mưu.
Trong báo cáo gửi Bộ Nội vụ về tình hình thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức thành phố 5 tháng vừa qua, UBND TPHCM đã nhìn nhận: Một trong các yếu tố chính tác động đến việc cán bộ, công chức, viên chức thôi việc là do áp lực công việc.
Tình trạng quá tải cùng với việc chưa có cơ chế, quy định pháp lý để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đã dẫn tới hiện tượng hoặc làm việc trong tâm thế lo sợ, ngán ngại, đối phó hoặc rời bỏ công việc.
Với Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, Nghị định số 73 của Chính phủ về tính nhất quán, quyết liệt trong chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; từ Kế hoạch 124 của Thành ủy TPHCM cho đến việc vừa chỉ đạo cụ thể hóa trách nhiệm từng cấp lãnh đạo vừa “cá thể hóa”, tức chính mình cũng là một khâu trong việc “dám trách nhiệm trước các nội dung tham mưu, dám ký, dám quyết định”.
Chúng ta kêu gọi và từng bước tiến tới thể chế hóa bằng pháp luật việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm thì chính những lãnh đạo - người đứng đầu, thủ trưởng đơn vị phải đồng hành với trọng trách 6 chữ “dám” ấy trong toàn hệ thống các cấp, nhất là cấp dưới - phòng, ban chuyên môn.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới giải ngân đầu tư công của TPHCM sẽ không đạt được mục tiêu 95% năm 2023 chính là sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan. Cũng như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của TP năm 2022 và các “bộ chỉ số” PAR Index, PAPI, PCI đã cho thấy cần có những giải pháp cụ thể để cải thiện thứ bậc, mà cốt lõi là nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, người dân trong bộ máy hành chính công.
Ngày 20-10 vừa qua, Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác giải ngân đầu tư công, trong đó quy rõ trách nhiệm về những người đứng đầu khi để chậm trễ, thiếu chỉ đạo phối hợp, thiếu kiểm soát và ngồi lại cùng tháo gỡ.
Ngày 23-10, Sở Nội vụ đã có tờ trình về việc tổ chức thí điểm lớp học công tư, lớp DDCI để qua đó giúp chính quyền thành phố nhận diện các nhóm vấn đề, đề xuất giải pháp cải thiện môi trường đầu tư thông qua các bộ chỉ số nêu trên.
Và đi cùng là cam kết bằng hành động chịu trách nhiệm trước đội ngũ tham mưu là chuyên viên, lãnh đạo phòng, ban cấp sở, ngành của lãnh đạo sở, ngành, của UBND TPHCM, cụ thể là của chính Chủ tịch UBND TPHCM. Tất cả đều cùng hành động để trả lời 4 câu hỏi mà Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh: “Dự án nào? Yếu chỗ nào? Do cái gì? Do ai?”.
Những câu hỏi - dựa trên các dữ liệu thực tiễn - đã có câu trả lời, quan trọng là việc thực thi và quyết liệt xử lý trong thời gian tới.