Không chỉ là một năm khó khăn đối với kinh tế toàn cầu, 2011 còn là năm “đại hạn” của nhiều nhân vật có “máu mặt” trong giới kinh tế - tài chính thế giới. Trong đó, có người bị hàm oan làm tiêu tan giấc mộng trở thành nguyên thủ quốc gia, cũng có nguyên thủ bị sao quả tạ đánh rớt xuống thành thứ dân. ĐTTC điểm qua 4 nhân vật nổi bật nhất trong các nhân vật đen đủi này.
1. Dominique Strauss-Kahn: Trắng tay
![]() |
Cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn nhiều năm qua được xem như một nhân vật xuất sắc cả trên chính trường và kinh tế thế giới. Dưới sự điều hành của ông, IMF “bạo phát” từ việc chỉ cho vay chừng vài chục tỷ USD/năm lên đến hàng trăm tỷ USD/năm.
IMF có vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cũng như cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu hiện nay.
Strauss-Kahn là người đóng góp rất lớn trong việc nâng cao tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi trong IMF. Uy tín của Strauss-Kahn lên như diều gặp gió trên chính trường thế giới.
Các thăm dò dư luận lúc đó cho thấy nếu chạy đua tranh cử tổng thống Pháp vào năm 2012, Strauss-Kahn chắc chắn là nhân vật số 1, bỏ xa đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy. Thế nhưng ngày 14-5-2011, một tin khiến cả thế giới chấn động.
“Người hùng” Strauss-Kahn bị cáo buộc những tội danh vô cùng nhơ bẩn: tấn công tình dục một nữ hầu phòng khách sạn Sofitel ở Manhattan. Ông đã bị bắt ngay trước khi lên máy bay để rời New York trở về Paris.
Vụ bê bối như một sao quả tạ rớt thẳng vào đầu Strauss-Kahn, khiến ông từ giữa đỉnh hào quang rơi xuống tận cùng ô nhục. Có nhiều phỏng đoán quanh vụ việc này, nhưng điều ai cũng có thấy là Strauss-Kahn phải từ chức khỏi IMF.
Giấc mộng trở thành nguyên thủ đất nước hùng mạnh thứ 2 trong khu vực đồng euro cũng tan thành mây khói. Ngày 23-8-2011, Strauss-Kahn được tuyên bố trắng án nhưng số phận của ông đã an bài theo hướng ông không hề muốn.
2. Silvio Berlusconi: Cay đắng từ chức
Giàu có và quyền lực số một Italia, tỷ phú truyền thông Silvio Berlusconi đã chiến thắng nhiều đối thủ. Ông từng 3 lần đứng đầu chính phủ (không liên tục), lập kỷ lục là vị thủ tướng có thời gian cầm quyền dài nhất ở Italia sau Thế chiến II.
Trong 17 năm thống trị chính trường Italia, mặc dù liên tiếp dính vào những vụ bê bối tình dục và pháp lý, từng bị buộc tội tham nhũng, gian lận thuế, ấu dâm nhưng ông chưa bao giờ bị kết án chính thức và luôn tuyên bố mình vô tội.
Hơn 50 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính sinh tử cũng không thể lật đổ được ghế thủ tướng của ông trùm tỷ phú truyền thông. Những cơn sóng lớn không thể nhấn chìm sự nghiệp chính trị của Berlusconi.
Nhưng đối thủ mang tên “khủng hoảng nợ công” đã xuất hiện. Ngay trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, Italia bị hạ bậc tín nhiệm nợ, chi phí lãi vay tăng cao, Berlusconi lại phải đối mặt 4 vụ xét xử với những cáo buộc tội lỗi.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ được phát động ở một số thành phố lớn như Napoli, Bologna, Ancona. Phe đối lập yêu cầu Berlusconi từ chức lập tức.
Thiên thời không, địa lợi không, lại mất lòng dân, rốt cuộc vị thủ tướng 75 tuổi đành thúc thủ. Liên minh cầm quyền của Berlusconi mất thế đa số trong quốc hội. Ngày 12-11, Thủ tướng Berlusconi đến gặp Giorgio Napolitano để nộp đơn từ chức và được chấp thuận.
3. Jon Corzine: Đại bàng gãy cánh
![]() |
Xuất thân là cựu CEO của định chế tài chính danh giá Goldman Sachs, cũng là thống đốc đời thứ 54 của bang New Jersey, Jon Corzine thực sự như một con đại bàng tung cánh trên bầu trời danh vọng, phía dưới là những ánh mắt ngưỡng mộ của vô số người.
Trong số các định chế ngân hàng, Goldman Sachs được coi là nơi tập trung nhiều quyền lực và nhân tài nhất. Vì vậy, khi về làm CEO cho hãng môi giới chứng khoán toàn cầu MF Global, nhiều người tin rằng con người tài ba này sẽ nhanh chóng giúp MF Global bay cao.
Sau khi nắm quyền lãnh đạo MF Global, Corzine đã hướng công ty thu mua 11,5 tỷ USD trái phiếu châu Âu, phần lớn trong số tiền đầu tư này từ vay mượn mà có. Đó là một bước đi mạo hiểm.
Nhưng lúc đó trái phiếu các nước châu Âu được bán với giá khá rẻ so với giá trị mặt, nên Corzine tin rằng châu Âu có một nền tảng kinh tế vững mạnh, loại trái phiếu ông mua sẽ nhanh chóng được đẩy giá.
Điều Corzine không thể ngờ là cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu ngày một trầm trọng, bất chấp các cuộc họp thượng đỉnh của giới lãnh đạo châu Âu lần lượt diễn ra, cũng như nỗ lực ứng cứu từ G20 và IMF. Cả thế giới chào thua, Corzine cũng không xoay chuyển được tình thế.
Chỉ trong vòng 1 tuần sau khi tin tức về thương vụ đầu tư của Corzine được tiết lộ, cổ phiếu của MF Global rớt 66%. Ngày 31-10-2011, công ty này chính thức đệ đơn xin phá sản.
4. Rupert Murdoch: Bê bối nghe lén
Năm 2011 đánh dấu sinh nhật lần thứ 80 của tỷ phú Keith Rupert Murdoch. Ông là cổ đông, chủ tịch, giám đốc điều hành của tập đoàn News Corp.
Bắt đầu sự nghiệp với một tờ báo nhỏ ở Australia, với kiểu quản lý độc tài, không khoan nhượng, Murdoch đã thôn tính nhiều đối thủ, dần dần bành trướng sang Âu, Á, trở thành nhà đầu tư phủ sóng rộng khắp các lĩnh vực truyền thông, từ sách báo, tạp chí cho đến truyền hình vệ tinh, công nghiệp điện ảnh, internet…
Tuy nhiên, tháng 7-2011 xảy ra vụ tờ News of the World thuộc quyền kiểm soát của Murdoch, với bề dày 168 năm lịch sử, đã mua chuộc cảnh sát để nghe trộm điện thoại, gieo hy vọng giả cho gia đình nạn nhân các vụ bạo lực.
Việc làm trái pháp luật và đạo lý này khiến dư luận căm phẫn. Ước tính tập đoàn News Corp của Murdorch thiệt hại khoảng 3 tỷ USD vì cổ phiếu tuột dốc, quảng cáo bị cắt và phải bồi thường cho các nạn nhân. Để xoa dịu dư luận, Murdoch quyết định đình bản News of the World.
Tuy nhiên Murdoch khẳng định ông không hề hay biết về chuyện nhân viên của mình nghe lén điện thoại, ông đã bị một số người tin cẩn qua mặt.
Murdoch tuyên bố không có ý định từ chức, nhưng ông bày tỏ sự hối lỗi ở cương vị người lãnh đạo tập đoàn chủ sở hữu tờ News of the World, thừa nhận ngày tờ báo này đóng cửa là “ngày hổ thẹn nhất trong đời”.