Hội nghị thượng đỉnh 27 nước Liên minh châu Âu (EU) kết thúc với một “công ước tài chính” nhằm tránh tái diễn khủng hoảng nợ công dẫn tới tan rã khu vực đồng euro (EUROZONE). Nhưng phía sau những cái bắt tay tươi cười, một hiểm họa khác đang rình rập.
Sau 10 tiếng bàn luận căng thẳng, 17 nước thành viên Eurozone và 9 thành viên khác của EU (trừ Anh) đã đồng ý tham gia “công ước tài chính” mới dựa trên các hiệp ước liên chính phủ. Những “nguyên tắc vàng” bao gồm: Eurozone cam kết duy trì “ngân sách cân đối” bằng cách ghi vào luật quốc gia yêu cầu giữ thâm hụt cơ cấu hàng năm (không tính đến những yếu tố chỉ xảy ra 1 lần như thanh toán nợ và những tác động chu kỳ kinh tế) ở mức dưới 0,5% GDP (tức các nước sẽ phải sửa đổi Hiến pháp cho thích hợp); bất cứ thành viên Eurozone nào vượt trần thâm hụt 3% GDP sẽ bị trừng phạt; Ủy ban châu Âu (EC) giám sát chặt chẽ và có quyền yêu cầu thay đổi các dự thảo kế hoạch ngân sách quốc gia thành viên Eurozone.
Cuộc họp cũng tuyên bố nhanh chóng triển khai việc tăng cường tài chính Quỹ Cứu trợ EU từ 180 tỷ EUR lên 600 tỷ EUR. Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) được tăng vốn tối đa 500 tỷ EUR và sẽ đi vào hoạt động sớm hơn 1 năm, bắt đầu từ tháng 7-2012.
Các thành viên cam kết 200 tỷ EUR cho vay với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hy vọng số tiền này củng cố khả năng tự vệ của Eurozone. Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi bày tỏ sự tin tưởng công ước mới sẽ đem lại kết quả tốt đẹp.
Bộ đôi quyền lực Merkozy. |
Trước hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy - 2 nhân vật chính yếu trong cuộc chiến chống khủng hoảng nợ công châu Âu - nói trong thông cáo chung: “Cuộc khủng hoảng hiện tại rõ ràng làm bộc lộ những khiếm khuyết trong việc xây dựng liên minh tiền tệ châu Âu”.
Sau hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu: “Công ước là sự đột phá đối với một liên minh vững chắc. Các biện pháp gây quỹ cho thấy các thành viên EU đã nhận ra tình hình châu Âu nguy ngập như thế nào. Một lần nữa chúng ta đã khôi phục niềm tin. Từng bước, từng bước chúng ta đạt được nền tảng mới cho niềm tin”.
Tuy nhiên "Công ước tài chính" chỉ có tính ràng buộc về pháp lý thông qua một thỏa thuận được ký vào tháng 3-2012 hoặc sớm hơn.
Bên cạnh đó, Quỹ Cứu trợ châu Âu cũng không được cấp thể chế ngân hàng, nghĩa là không thể vay mượn từ ECB. Kết quả đạt được tại hội nghị được xem như thắng lợi của bộ đôi Merkozy (biệt danh của bộ đôi quyền lực Angela Merkel - Nicolas Sarkozy), nhưng với một số người là sự thất bại khi Pháp-Đức chi phối các nước yếu hơn.
“Các biện pháp trừng phạt là một trò đùa. Liên minh tài chính cần một quá trình ra quyết định tập thể và dân chủ mà có thể phản ứng với các thách thức và giải quyết các nhu cầu tổng thể” - ủy viên châu Âu Laszlo Andor nêu quan điểm. Đồng thời, đằng sau bức màn nhung, một hiểm họa mới đã xuất hiện: EU-1.
Thủ tướng Anh David Cameron kịch liệt phản đối đề xuất thuế giao dịch tài chính do Pháp-Đức đưa ra, ông cũng đòi hỏi một số ngoại lệ để Anh không phải chịu giám sát tài chính ngặt nghèo có thể ảnh hưởng đến vị thế trung tâm tài chính thế giới của London. Đến nước cuối cùng, Thủ tướng Anh phủ quyết “công ước tài chính” của hội nghị thượng đỉnh.
Rốt cuộc, thượng đỉnh EU đã đi theo hướng 17 nước Eurozone + các thành viên EU đồng thuận, tức nước Anh đã trở thành kẻ bên lề. Báo chí châu Âu nhao nhao giật tít: Bye bye nước Anh (Der Spiegel), Ván bài nguy hiểm của Cameron (Le Figaro), EU đã chấm hết (Le Monde), Châu Âu liên hiệp bất cần nước Anh (Die Presse)…
Mối nguy rạn nứt và ly khai trong EU bỗng hiện rõ hơn bao giờ hết. Dù vậy, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vẫn nhận định: “Châu Âu bao gồm những nước giàu mạnh nhất thế giới và cũng là một trong những thị trường lớn mạnh nhất. Họ vẫn còn đủ thịnh vượng để giải quyết cơn khủng hoảng nợ”.