Anh mất tín nhiệm đỉnh

Cuối tuần trước, lần đầu tiên trong lịch sử Anh bị 1 trong 3 đại gia đánh giá tín dụng toàn cầu tước mất tín nhiệm đỉnh khi Moody’s hạ hạng tín nhiệm của xứ sở sương mù xuống Aa1 từ mức Aaa trước đó.

Cuối tuần trước, lần đầu tiên trong lịch sử Anh bị 1 trong 3 đại gia đánh giá tín dụng toàn cầu tước mất tín nhiệm đỉnh khi Moody’s hạ hạng tín nhiệm của xứ sở sương mù xuống Aa1 từ mức Aaa trước đó.

Không chỉ vậy, Moody’s còn “tặng kèm” một dự báo ảm đạm cho nước Anh: “Với gánh nặng nợ cao và đang tăng, cộng với bảng cân đối ngân sách ngày càng xấu đi, Anh khó phục hồi mức tín nhiệm cũ trước năm 2016”.

Theo dự báo công bố ngày 22-2 của Ủy ban châu Âu (EC), nợ công của Anh sẽ tăng lên mức 95,4% trong năm nay, từ mức 90% GDP năm ngoái, và lên 98% GDP vào năm tới.

Các chính sách khắc khổ của Bộ trưởng Tài chính George Osborne nhắm đến việc giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 6% vào năm tới, từ mức 10,2% năm 2010. Kinh tế Anh suy giảm 0,3% trong quý IV-2012 so với quý trước, khiến nước này đứng trước bờ vực chìm vào suy thoái kép chưa có tiền lệ (3 đợt suy thoái liên tiếp).

Trong phát biểu mùa thu ngày 5-12, Bộ trưởng Osborne thừa nhận khó đạt mục tiêu cắt giảm ngân sách năm 2015-2016. Dự báo S&P sẽ đưa ra triển vọng tín nhiệm của Anh vào tuần này, trong khi Fitch Ratings sẽ đánh giá xếp hạng của Anh năm 2013 về vấn đề ngân sách trước ngày 20-3 tới.

Fitch đã hạ triển vọng của Anh xuống tiêu cực vào tháng 3-2012; Moody’s có động thái tương tự trước đó 1 tháng.

Trụ sở Moody's ở New York.

Trụ sở Moody's ở New York.

Việc tuột hạng được xem là một quả đấm mạnh vào Osborne, trong bối cảnh Công Đảng đối lập chỉ trích các chính sách khắc khổ của ông đã quá mạnh tay khiến nền kinh tế xứ sương mù ngày càng trì trệ và thâm hụt thêm trầm trọng.

Ed Balls, phát ngôn viên Công Đảng về vấn đề tài chính, nói: “Việc hạ tín nhiệm là một quả đấm đáng xấu hổ vào Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính, những người từng khẳng định duy trì mức tín nhiệm Aaa là một thử thách cho ổn định kinh tế và xã hội. Mọi thứ cần phải thay đổi”.

Tuy nhiên, theo Howard Archer - kinh tế trưởng tại Anh của IHS Global Insight, hầu như không có khả năng dẫn đến sự thay đổi chính sách của Osborne.

Điều này đã được chính ông Osborne khẳng định: “Đêm nay chúng ta nhận được lời nhắc nhở ảm đạm về vấn đề nợ nần của đất nước, và cảnh báo rõ ràng nhất cho bất kỳ ai nghĩ rằng chúng ta có thể trốn tránh đối mặt với các vấn đề đó. Cảnh báo không hề làm suy yếu quyết tâm phục hồi nền kinh tế của chúng ta, trái lại thúc giục chúng ta mạnh mẽ hơn”.

Chỉ trong vòng 1 giờ sau khi quyết định hạ bậc được công bố, đồng bảng rớt giá 0,6% ở thị trường New York. Tính từ đầu năm, đồng bảng đã mất 5,6% giá trị, sụt giá nhiều thứ hai sau đồng yen Nhật Bản trong 10 ngoại tệ mạnh.

Trước đó, nhiều nhà đầu tư “cá mập” đã đặt cược vào sự sụt giá của 2 loại ngoại tệ này (xem ĐTTC số trước). Tuy nhiên, dự báo giá trái phiếu chính phủ Anh sẽ có chuyển động ngược chiều. Khi Standard & Poor’s cắt tín nhiệm đỉnh của Hoa Kỳ ngày 5-8-2011, giá trái phiếu kho bạc nước này tăng mạnh, trong khi lợi suất trái phiếu giảm chạm mức thấp kỷ lục 1,37% vào tháng 7-2012, theo dữ liệu của Bank of America Merrill Lynch.

Tương tự với trường hợp của Pháp, S&P hạ tín nhiệm nước này vào ngày 13-1-2012, hãng Moody’s cũng làm tương tự ngày 19-11-2012.

Chi phí vay mượn của Pháp giảm 84 điểm cơ bản kể từ khi bị S&P hạ tín nhiệm. Lợi suất trái phiếu 10 tháng của nước này tăng 10 điểm theo sau việc hạ bậc, nhưng chỉ trong vòng vài tuần lễ lại giảm xuống mức thấp hơn trước hạ bậc.

Nhật Bản cũng vậy, nước này bị Moody’s và Standard & Poor’s hạ 2 bậc, Fitch hạ 1 bậc, nhưng lợi suất trái phiếu của Tokyo vẫn nằm ở mức thấp nhất trong nhóm các nước G7.

Theo dữ liệu về hơn 300 vụ hạ bậc tín nhiệm công từ năm 1974 đến nay, giới đầu tư phớt lờ 56% động thái thay đổi hạng tín nhiệm và triển vọng tín dụng của Moody’s, trong khi bỏ qua 50% động thái của Standard and Poor’s. 

Các tin khác