Từ thượng dòng tới hạ nguồn
Sông Mê Kông bắt nguồn từ Tây Tạng chảy qua các nước Đông Nam Á, và dòng vốn đầu tư của Trung Quốc cũng đang chảy xuống ví như nước sông Mê Kông, và cứ nước nào được dòng sông này đi qua thì đất đai phì nhiêu và màu mỡ. Tại Campuchia, con sông này có tên là Tonlé Thơm (sông lớn, theo tiếng Khmer). Tại khu vực tỉnh lỵ Stung Treng, là nơi có dòng Tonlé San đổ vào. Tonlé San là hợp lưu của các dòng Se Kong từ Nam Lào, Tonlé San và sông Tonlé Srepok của Campuchia, bắt nguồn từ Tây Nguyên Việt Nam chảy đến. Trong đó, đoạn sông đến địa danh Kratie, Campuchia là sông Mê Kông không còn thác ghềnh và chảy êm đềm xuống tận ĐBSCL.
Những năm 2019-2020, Campuchia gặp thách thức về thiếu điện do nhu cầu về năng lượng tăng cao, bởi liên quan đến bùng nổ xây dựng các dự án do Trung Quốc đầu tư. Sau khi đập thủy điện Don Sahong ở Lào hoàn thành, Campuchia đã ký mua điện theo hợp đồng 30 năm.
Trước đó, Campuchia cũng có kế hoạch phát triển 2 đập thủy điện Sambor và Stung Treng trên sông Mê Kông do Trung Quốc hỗ trợ, nhưng đến nay đã bị chính phủ trì hoãn vì cân nhắc những ảnh hưởng lâu dài cho đời sống cư dân và sinh vật sống phụ thuộc nguồn nước của con sông này. Đặc biệt là loài cá heo nước ngọt Mê Kông đang được chính phủ Campuchia bảo tồn ở đoạn Kratie.
Kratie được mô tả là một đô thị đẹp như tranh vẽ, với những hòn cù lao trải dài cát trắng trên sông Mê Kông. Đoạn sông phía Bắc thị xã là một ngôi nhà trú ẩn của loài cá heo Irrawaddy có nguy cơ tuyệt chủng. Nơi đây và những con cá heo là địa điểm thu hút khách du lịch chủ yếu. Dự án Bảo tồn cá heo Mê Kông ở Campuchia (CMDCP), là một dự án hợp tác giữa Hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), Hội Quản lý Nghề cá và Nhóm phát triển nông thôn Campuchia (CRDT), ước tính giúp bảo tồn 66-86 cá thể cá heo còn lại trên sông Mê Kông thuộc khu vực này.
Bởi thế, dù được Trung Quốc hỗ trợ đầu tư đập thủy điện, nhưng vì ưu tiên bảo tồn loài cá heo quý hiếm nên Campuchia vẫn còn đang lưỡng lự cho sự đánh đổi, mà tầm ảnh hưởng của nó có thể kéo dài đến tận nhiều thế hệ sau.
Thủ đô Nam Vang khoác áo mới
Thủ đô Nam Vang khoác áo mới
Sông Mê Kông tại Campuchia chảy nhẹ nhàng, bắt đầu đến Thủ đô Phnom Penh thì chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Ba Thắc (sang Việt Nam gọi là sông Hậu) và bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là sông Tiền). Cả 2 đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam bộ Việt Nam, dài chừng 220-250km. Và cạnh con sông này, một đô thị và thủ đô đất nước Chùa Tháp đang được xây cất với cơ sở hạ tầng và tòa cao ốc mọc lên với tốc độ nhanh chóng.
Nằm ở ngã ba sông này là một cù lao nổi tiếng là Kim Cương - Koh Pich. Đúng như tên gọi, đảo này đang trở nên vô cùng đắt giá. TP vệ tinh Đảo Kim Cương đầu tiên do OCIC phát triển với tổng diện tích gần 100ha, tràn ngập các tòa nhà cao tầng, các dự án khu dân cư cao cấp và các dự án thương mại.
OCIC là công ty có một phần vốn nước ngoài từ Trung Quốc và CEO là ông Kheav Se, một người Campuchia gốc Hoa, đã rời Campuchia vào những năm 1970 để đến Canada. Ông trở lại vào năm 1991 để đồng sáng lập Ngân hàng Canada, hiện là ngân hàng thương mại lớn thứ hai đang hoạt động tại đây. Ông Kheav Se cho biết TP vệ tinh Đảo Kim Cương sẽ là đại sứ để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa đến Campuchia, tăng cường hơn nữa mối quan hệ Campuchia-Trung Quốc và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đến Campuchia.
Hiện Tập đoàn Đầu tư OCIC đang đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD phát triển TP vệ tinh Koh Norea mới ở phía Đông thủ đô trong vòng 3 năm tới. Dự kiến một cây cầu sẽ được xây dựng để nối 2 khu đô thị này với nhau.
OCIC cũng là nhà đầu tư cho một dự án sân bay khổng lồ mới tọa lạc tại thị trấn Takhmao và huyện Kandal Steung, sân bay sẽ có diện tích hơn 2.600ha và sẽ có công suất 27 triệu người vào năm 2030. Sân bay Techo Takhmao International Airport dự kiến chính thức hoạt động vào năm 2025 và sẽ là một trong 10 sân bay lớn nhất thế giới.
Năm 2021, Trung Quốc vừa bàn giao cho Campuchia một sân vận động trị giá 150 triệu USD ở thủ đô Phnom Penh. Đây là khoản tài trợ cơ sở hạ tầng lớn nhất từ trước đến nay của Bắc Kinh cho nước này. Sân vận động quốc gia Morodok Techo có sức chứa 60.000 người, là dự án mới nhất nằm trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” hàng ngàn tỷ USD của Trung Quốc. Theo đó, Bắc Kinh có kế hoạch hỗ trợ những dự án cơ sở hạ tầng và tăng cường tầm ảnh hưởng ra nước ngoài.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã trao tặng sân Morodok Techo - dự định là địa điểm thi đấu chính khi Campuchia đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) vào năm 2023 - nhân chuyến thăm của ông tại Campuchia.
Từ sông đến biển
Sihanoukville là TP thuộc tỉnh Preah Sihanoukville. Nằm về phía Nam Campuchia, bên vịnh Thái Lan, cách thủ đô Phnom Penh chừng 240km. Sihanoukville là TP với cảng nước sâu duy nhất ở Campuchia. Thị trưởng Sihanoukville Y Sokleng cho biết, số công dân Trung Quốc đến TP này sinh sống hiện khoảng 80.000 người, gần tương đương với cư dân Campuchia tại đây. Hiện khoảng 90% hoạt động kinh doanh tại TP, từ khách sạn cho đến nhà hàng, casino, massage đều do người Trung Quốc nắm giữ. Khoảng 200 công trình đang xây dựng tại TP mà phần lớn cũng thuộc vốn đầu tư từ Trung Quốc. Sihanoukville hiện có 88 casino, tăng mạnh so với 4 casino cách đây chưa tới 4 năm.
Chỉ vài năm trước nơi này hoang vu và nghèo nàn, nhưng chỉ khoảng 5 năm trở lại đây, làn sóng đầu tư và du khách kéo tới khiến bộ mặt TP thay đổi bất ngờ. Đường sá mở rộng, bảng hiệu chữ Hoa ở khắp mọi nơi, nhà cửa cao tầng và du khách đại lục ầm ĩ trong các quán xá. Khiến nơi này trở thành điểm nóng bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng.
Trong tương lai, mọi người kỳ vọng bãi biển này sẽ là đặc khu kinh tế tầm cỡ của Campuchia sánh ngang với Thâm Quyến hay Hồng Kông của Trung Quốc. Tuy nhiên, dù đang chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ Trung Quốc, nhưng Campuchia vẫn cố trung hòa và giữ gìn các phong tục và bản sắc của nước mình.