Tuy nhiên, trên tinh thần càng khó khăn càng phải cải tiến, bối cảnh hiện nay là cơ hội tốt để DN phải đổi mới toàn diện trong việc vận hành bộ máy, tổ chức các hoạt động.
Thí dụ, ứng dụng lý thuyết quản lý sản xuất theo khoa học, các DN nên quan tâm đến một số nguyên tắc, như thay thế các phương thức thao tác thủ công theo thói quen và kinh nghiệm bằng phương thức thao tác dựa trên các nghiên cứu khoa học; chú trọng tuyển chọn, huấn luyện và tạo điều kiện phát triển năng lực cá nhân của người lao động (NLĐ) một cách khoa học, thay vì để họ tự nâng cao khả năng của mình.
Cụ thể hóa việc hướng dẫn và giám sát thao tác đối với từng người riêng biệt, theo năng lực, sức khỏe, tâm lý; chia những phần việc tương đương nhau cho người quản lý và nhân công, để người quản lý sử dụng các nguyên tắc quản lý theo khoa học để tổ chức công việc cho công nhân trực tiếp thực hiện.
Từ lý thuyết hay những nguyên lý khoa học quản lý, các DN cần nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong điều kiện cụ thể của mình. Chẳng hạn, cải tiến công nghệ và bố trí nhân công phù hợp với công việc và năng lực của mỗi người; thực hiện việc phân công thích hợp cho từng người theo chuyên môn cụ thể; hợp lý hóa cách thức làm việc bằng các quy trình chặt chẽ và khoa học.
Thực hiện tốt khâu chuẩn bị trong tất cả công việc; chú trọng công tác kiểm soát một cách hợp lý để bảo đảm năng suất nhưng không gây ức chế cho NLĐ; thực hiện chế độ đãi ngộ tốt cả về vật chất lẫn tinh thần để kích thích sự làm việc của công nhân; tạo môi trường làm việc an toàn, thân thiện, tiến bộ…
Với vai trò quan trọng của việc tổ chức sản xuất, kinh doanh theo khoa học, các DN cần có bộ phận nghiên cứu hiệu quả lao động của công nhân nhằm nâng cao năng suất làm việc, giảm giá thành, tăng lợi nhuận và nhất là tăng thu nhập cho NLĐ.
Bộ phận này cần hoạt động thường xuyên, liên tục và có phương pháp nghiên cứu phù hợp trong từng thời điểm, có tiếp thu, ứng dụng các thành quả của nghiên cứu khoa học, công nghệ để có thể mang lại kết quả nghiên cứu cụ thể, thiết thực. Do đó, các DN nên quan tâm nhiều hơn trong việc nghiên cứu nâng cao năng suất lao động của từng bộ phận, để xác định được “định mức” lao động phù hợp cho mỗi bộ phận, góp phần mang lại hiệu suất lao động cao nhất.
Cần định kỳ tổ chức tập huấn cho NLĐ trong cùng hệ thống, cùng nhóm công việc để có thể nắm bắt được những công việc của nhau, khi cần thiết có thể thay thế hoặc luân chuyển dễ dàng, cũng như tạo điều kiện để NLĐ phát triển năng lực. Ngoài ra, cần tập huấn để công nhân làm quen với các phương thức sản xuất mới, các thiết bị mới. Đồng thời, chú ý đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng người quản trị, điều hành phù hợp với vị trí công việc của họ, từ tổ trưởng sản xuất, quản đốc cho đến giám đốc từng bộ phận, tổng giám đốc...
Các DN phải thực hiện tốt hơn nữa công tác tư vấn tâm lý cho NLĐ từ khi tuyển công nhân vào làm việc. Công tác này có tác dụng tạo tâm lý yên tâm, thoải mái, tự tin, lạc quan trong quá trình làm việc, giảm được tai nạn lao động, giảm những ngày nghỉ không cần thiết và góp phần nâng cao năng suất làm việc.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa lao động mới vào và người có kinh nghiệm, giữa lao động có tay nghề cao và người mới học nghề, sao cho vừa đảm bảo đạt hiệu suất lao động cao nhất, vừa kích thích tinh thần làm việc của NLĐ, vừa rèn luyện cho những lao động mới.
Điều quan trọng là đảm bảo tăng năng suất lao động phải gắn liền với tăng thu nhập cho công nhân, nhằm giữ được nhân công có chất lượng cao và thúc đẩy các sáng kiến, cải tiến. Vì vậy, khi đặt vấn đề tăng năng suất làm việc là góp phần tăng lợi nhuận cho DN càng phải gắn với lợi ích cụ thể của NLĐ.
Thu nhập của công nhân phải được tăng theo tỷ lệ hợp lý so với lợi nhuận họ tạo ra được do tăng hiệu quả làm việc. Có vậy mới kích thích công nhân luôn chủ động và nhiệt tình tham gia các phương thức cải tiến năng suất lao động. Đây mới thực sự là giải pháp phát triển bền vững của tất cả DN.