Nhưng từ “mặt bằng giá” của một nhóm hàng mà chúng ta lại nâng lên thành luận điểm “áp lực lạm phát là rất lớn”, sẽ có tác động không tốt đến kỳ vọng lạm phát.
Thời điểm hiện tại, rất khó thể dự báo chính xác chuyện gì sẽ xảy ra với lạm phát trong dài hạn, nhưng chí ít có 3 manh mối định hình phương trình lạm phát năm 2022: tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng và giá lương thực thực phẩm, nền kinh tế hiện đang hoạt động trên hoặc dưới mức tiềm năng và kỳ vọng của mọi người về lạm phát.
Về yếu tố thứ nhất – cú sốc nguồn cung ngoại sinh. Mới đây trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định “áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn”, do “khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước”.
Trong bối cảnh Quốc hội và Chính phủ sắp bàn thảo các gói hỗ trợ an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 với quy mô rộng lớn và kéo dài, nhận định “áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn” đang nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Các thông tin trong cuộc họp chỉ có như thế. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào duy nhất yếu tố cú sốc cung để nhận định áp lực lạm phát năm 2022 là chưa toàn diện, có thể dẫn đến những tâm lý bất ổn trên thị trường. Các sự kiện tăng giá chỉ có thể trở thành cơn bão giá nếu như chúng liên tục tự củng cố để trở thành dai dẳng.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), lạm phát hàng năm ở các nền kinh tế phát triển sẽ đạt đỉnh trung bình 3,6% trong những tháng cuối năm 2021, sau đó quay trở lại mức mục tiêu 2% giữa năm 2022. Ở các nền kinh tế đang phát triển, lạm phát tăng nhanh hơn, đạt trung bình 6,8% sau đó giảm xuống 4%.
Như vậy, tạm thời với các thông tin hiện tại đến từ dự báo của IMF, cú sốc giá năng lượng, lương thực toàn cầu chỉ là các sự kiện tạm thời, khó tích lũy trở thành lạm phát tăng tốc. Vấn đề là nhận định về triển vọng lạm phát năm 2022 của Bộ Tài chính cũng chỉ duy nhất đến từ cú sốc cung, còn thiếu 2 yếu tố còn lại, rất quan trọng để hình thành sức ép lạm phát.
Yếu tố thứ hai, nền kinh tế hiện đang hoạt động trên hoặc dưới mức tiềm năng, có câu trả lời khá rõ. Với chỉ số giá tiêu dùng đang ở mức thấp và dự báo tăng trưởng năm 2021 chỉ khoảng 3%, kinh tế Việt Nam đang hoạt động dưới mức tiềm năng khá xa và khó tạo ra lạm phát tăng tốc, trừ phi chúng ta phạm phải sai lầm quá lớn.
Yếu tố thứ ba - phần khó nhất của phương trình lạm phát, là kỳ vọng lạm phát. Yếu tố này chỉ có thể dự báo phần nào, thậm chí vẫn có sai số rất lớn, bằng cách thực hiện các khảo sát từ các tổ chức có uy tín hoặc của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, khi Bộ Tài chính nhận định “áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn”, bản thân thông tin này, vô tình có thể trở thành một phần của biến số kỳ vọng lạm phát.
Sở dĩ nói vô tình là bởi vì việc phát các tín hiệu về triển vọng lạm phát không phải chuyên môn và nằm trong trách nhiệm của Bộ Tài chính. Trong phạm vi nghề nghiệp của mình, Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan, trong ban chỉ đạo điều hành giá, nếu chỉ dừng lại ở mức cảnh báo áp lực về khả năng “tăng giá” của một số mặt hàng là điều cần thiết. Tuy nhiên nếu nâng lên thành luận điểm “áp lực lạm phát” thì lại là câu chuyện khác.
Có người nói, đây chỉ là câu chữ thôi mà. Đúng chỉ là câu chữ, nhưng đặc biệt đối với vấn đề rất nhạy cảm về lạm phát, câu chữ có thể biến thành hành động.