Áp lực tái cơ cấu

NHNN vừa ban hành Chỉ thị 01 yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động NH của mình để báo cáo NHNN trước ngày 28-2-2013; lên phương án tái cơ cấu tổ chức, hoạt động để bảo đảm xử lý những tồn tại, yếu kém, vi phạm và tuân thủ đúng các quy định về hoạt động NH theo Luật Các TCTD.

NHNN vừa ban hành Chỉ thị 01 yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động NH của mình để báo cáo NHNN trước ngày 28-2-2013; lên phương án tái cơ cấu tổ chức, hoạt động để bảo đảm xử lý những tồn tại, yếu kém, vi phạm và tuân thủ đúng các quy định về hoạt động NH theo Luật Các TCTD.

NH yếu chạy nước rút

Các NHTM yếu kém trong danh sách phải tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN: nếu không đủ lực để tự tái cấu trúc, buộc phải chọn hình thức sáp nhập, hợp nhất… Vì thế, 4 NH trong diện này (trong đó có Navibank, TrustBank, Western Bank...) đang chạy nước rút để tái cấu trúc.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án hợp nhất Western Bank với PVFC - công ty tài chính lớn nhất có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 100.000 tỷ đồng. Trong khi Western Bank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và là NH yếu kém thuộc diện tái cơ cấu bắt buộc.

Việc hợp nhất này nếu thành công sẽ tạo ra một NHTM mới với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng, có mạng lưới khắp các tỉnh, thành lớn trong cả nước.

Lộ trình tái cơ cấu hệ thống NHTM đến nay đã trải qua giai đoạn 1 là củng cố thanh khoản. Giai đoạn 2 tái cơ cấu tài chính và xử lý nợ. Do vậy các NHTM đang trích lập dự phòng rủi ro để xử lý. Tuy nhiên vẫn còn 2 việc lớn là xử lý NHTM yếu kém và chấm dứt tình trạng chạy đua huy động lãi suất vượt trần. Theo đó, trong năm 2013, NHNN phải đứng ra làm trung gian để xử lý giữa các NHTM thừa vốn và thiếu vốn trên thị trường liên NH.

TS. TRẦN DU LỊCH,
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM

Việc hợp nhất giữa 2 đơn vị sẽ khắc phục điểm yếu và gia tăng lợi thế của 2 tổ chức chuyên về mảng NH đầu tư (PVFC) và NH bán lẻ (Western Bank). NH sau hợp nhất có cơ hội thực hiện đầy đủ các giao dịch huy động vốn, thanh toán, phát triển mảng NH bán lẻ...

Đây là những hoạt động PVFC đang bị hạn chế. Đặc biệt với vốn lớn, NH mới có khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng, dự án trọng điểm... cũng là những điều mà Western Bank không có khả năng thực hiện.

Được biết, sau Tết Nguyên đán, Western Bank sẽ tổ chức ĐHCĐ để lấy ý kiến về việc này.

Vừa qua, Trust Bank cũng trình đề án tái cấu trúc tại ĐHCĐ 2012, tập trung sử dụng nguồn lực từ các tập đoàn, tổ chức, cá thể kinh tế tư nhân, chủ động giải quyết ổn thỏa các vấn đề nội tại, không trông chờ sự cứu trợ của NHNN.

Trong đó, Tập đoàn Thiên Thanh giữ vai trò là đối tác chiến lược đồng hành cùng tiến trình tái cơ cấu Trust Bank.

Về định hướng phát triển, trong ngắn hạn, NH này cho biết sẽ giữ vững và bình ổn hoạt động với các sản phẩm dịch vụ truyền thống, như tiếp tục phát huy vai trò là NH “tam nông” tại khu vực trọng điểm ĐBSCL; dịch vụ bán lẻ tại các trung tâm kinh tế và bước đầu triển khai nhóm sản phẩm, các dịch vụ phục vụ ngành vật liệu xây dựng, nhà ở bình dân.

Trong dài hạn, với sự song hành của Tập đoàn Thiên Thanh, Trust Bank sẽ có những định hướng phát triển mới, từng bước chuyển dịch cơ cấu, tiến tới mục tiêu chuyên biệt hóa dịch vụ NH mang tính chất đặc thù.

NHTM lớn chịu đau cơ cấu

Thực tế quá trình tái cơ hiện nay không chỉ xảy ra ở các NHTM yếu kém mà còn diễn ra mạnh ở các NHTM lớn. Bằng chứng là nhiều NHTM lớn đang có kế hoạch không chia cổ tức trong 2-3 năm tới để tái cấu trúc hoạt động. Theo đó sẽ tiết giảm chi phí, cắt giảm lương thưởng, chính sách đãi ngộ, thậm chí tinh giảm nhân viên.

Về vấn đề này, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, cho rằng trong 3 năm qua hệ thống NHTM phát triển quá nhanh, nhiều NH mở mạng lưới, thuê mặt bằng, thuê nhân viên, dẫn đến bộ máy cồng kềnh trong khi hiệu quả hoạt động không cao.

Có NH có đến 1.200 nhân viên và 86 đơn vị kinh doanh, nhưng chỉ khoảng 30% đơn vị có lợi nhuận, đơn vị có lợi nhuận trên 10 tỷ đồng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Tình trạng này đang phổ biến ở nhiều NHTM do các quy định quản lý của NHNN ngày càng chặt chẽ. Vì thế, để tăng lợi nhuận, buộc các NHTM phải tái cơ cấu tổ chức, hoạt động.

Quyết liệt của NHNN trong năm 2013 là các NHTM dù lớn hay nhỏ phải tái cấu trúc, tuân thủ quy định theo Luật các TCTD.

Quyết liệt của NHNN trong năm 2013 là các NHTM dù lớn hay nhỏ
phải tái cấu trúc, tuân thủ quy định theo Luật các TCTD. 

Bên cạnh yêu cầu các NHTM báo cáo phương án tái cơ cấu tổ chức, NHNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nợ xấu. Theo đó đẩy mạnh rà soát, phân loại, đánh giá các khoản nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, TCTD, các loại tài sản đảm bảo và thực trạng tài sản, tình trạng pháp lý, giá trị thị trường, khả năng thanh khoản của tài sản để xử lý…

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra tập trung các nội dung như thực trạng tài chính; cơ cấu sở hữu; việc chuyển nhượng cổ phần hay vốn góp; quản trị, điều hành; kinh doanh ngoại tệ, vàng; huy động vốn; cấp tín dụng; phân loại nợ; mức trích và phương pháp trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro của các TCTD... Các hành vi như gian lận, báo cáo thông tin và số liệu không trung thực sẽ bị xử lý.

Theo một chuyên gia NH, từ năm 2013 các NHTM sẽ phải chịu đau để tái cơ cấu. Điều này phù hợp với đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động, cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD.

Phấn đấu đến cuối năm 2015 hình thành được ít nhất 1-2 NHTM có quy mô và trình độ tương đương với các NH trong khu vực.

Có thể trong những năm tới lợi nhuận, cổ tức ở các NHTM không còn là những con số khủng, nhưng hứa hẹn hệ thống NHTM sẽ hoạt động lành mạnh, an toàn và ngành NH sẽ được nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước nhắm đến với cổ phiếu đầu tư tiềm năng trong dài hạn.

Các tin khác