(ĐTTCO) - Đầu năm 2016, nhiều ngân hàng đã sớm công bố kết quả kinh doanh năm 2015 với mức lợi nhuận tăng trưởng so với năm trước, nợ xấu giảm mạnh. Tuy nhiên, dự báo năm 2016 dự phòng rủi ro vẫn còn là áp lực đối với lợi nhuận chung của toàn ngành.
![]() |
Năm 2016, hầu hết các nhận định đều cho rằng tình hình kinh doanh của các ngân hàng sẽ khả quan hơn, tuy nhiên chi phí dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu và trái phiếu đặc biệt sẽ tiếp tục là áp lực đối với lợi nhuận chung của toàn ngành. Trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 11 và 11 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, khu vực NH đã ổn định thanh khoản, tăng trưởng tín dụng tốt, hệ số NIM tăng nhẹ nhưng do trích lập dự phòng rủi ro tăng khiến mức sinh lời của khối NHTM giảm. Tại báo cáo triển vọng kinh tế năm 2016, ủy ban này cho rằng, lãi suất sẽ chịu sức ép từ nhiều yếu tố nhu cầu trích lập dự phòng rủi ro cũng hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng. Tại hội thảo do CTCK Ngân hàng BIDV (BSC) mới tổ chức, ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích của BSC, cũng cho rằng chi phí trích lập dự phòng rủi ro tại các ngân hàng sẽ tăng cao trong năm 2016 do tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt mà VAMC đã phát hành cho các NH đã đạt 202.274 tỷ đồng. Thời gian trích lập dự phòng là 5 năm và các khoản nợ đang tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn tài chính trích lập dự phòng tối đa 10 năm. Đồng thời, Thông tư 02 và Thông tư 09 phân loại nợ chặt chẽ sẽ thể hiện nhiều khoản nợ rủi ro của các NHTM dẫn đến tăng chi phí dự phòng.
Theo dự báo của BSC, năm 2016, chi phí trích lập dự phòng của MB khoảng 2.581 tỷ đồng; Vietcombank trích lập khoảng 5.528 tỷ đồng; ACB phải trích lập cho nhiều khoản như 772 tỷ đồng tại GPBank, 400 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng, 314 tỷ đồng tại Vinashin, 396 tỷ đồng cho trái phiếu đặc biệt và dư nợ tín dụng tại nhóm 6 công ty thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đức Kiên (thuộc nợ nhóm 2, trị giá 5.851 tỷ đồng và đã trích lập 538 tỷ đồng). Riêng tổng mệnh giá trái phiếu đặc biệt tại BIDV ước đạt khoảng 28.000 tỷ đồng, nên dự báo chi phí trích lập dự phòng có thể tăng mạnh trong năm 2016, ngoài ra để hướng tới ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, BIDV có thể sẽ phải tăng trích lập cho các khoản vay nhằm tăng tỷ lệ bao nợ xấu.
Trong các dự báo gần đây, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, trong năm nay do nắm giữ lượng trái phiếu đặc biệt của VAMC lớn, nhóm các ngân hàng chưa niêm yết sẽ còn chịu nhiều áp lực đối với lợi nhuận trong những năm tới, áp lực này thấp hơn ở nhóm các tổ chức tín dụng niêm yết. Thời gian xử lý nợ xấu sẽ phụ thuộc vào tốc độ hồi phục của nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản và dự kiến sau 2-3 năm tới, các ngân hàng mới có thể đạt được mức lợi nhuận tốt hơn khi không còn phải trích lập bổ sung cho các khoản nợ xấu cũ nữa.