Học sinh lớp 6 Trường THCS Sương Nguyệt Anh (phường 5, quận 8, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Linh hoạt phân tuyến
Một số phụ huynh có con vừa hoàn thành chương trình lớp 5 trên địa bàn quận 7 đã có đơn kiến nghị Phòng GD-ĐT quận xem xét việc thay đổi phân tuyến vào lớp 6. Theo phản ánh của phụ huynh, học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 5 tại Trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm được phân tuyến vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Hiền thay vì Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ như những năm học trước.
Giải thích điều này, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 7 Đặng Nguyên Thịnh cho biết, năm nay số lượng học sinh lớp 5 lên lớp 6 tăng gần 1.000 em so với năm học trước. Trong quá trình phân tuyến, địa phương rà soát nơi cư trú của học sinh, phát hiện một số trường hợp tạm trú chưa xác minh địa chỉ gây ảnh hưởng việc phân tuyến.
Trước mắt, những học sinh có địa chỉ cư trú trên hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư được ưu tiên phân tuyến. Thời điểm hiện tại, Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ đã nhận đủ học sinh theo phân tuyến, trong khi Trường THCS Nguyễn Hiền còn khả năng tiếp nhận học sinh nên địa phương tính đến phương án bố trí lại chỗ học, đảm bảo 100% học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn đều có chỗ học.
Tương tự, nhiều phụ huynh có con vừa hoàn thành chương trình tiểu học trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) cho biết, năm học 2022-2023, con được phân tuyến vào lớp 6 trường THCS ở xã Vĩnh Lộc B. Nguyên nhân là
trước đó, UBND huyện Bình Chánh có văn bản điều chỉnh phân tuyến tuyển sinh lớp 6 tại các trường THCS trên địa bàn 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B do cả 2 trường THCS ở xã Vĩnh Lộc A đều quá tải. Cụ thể, địa phương đã rà soát, bố trí lại cơ sở vật chất của các trường THCS trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A để tăng thêm chỗ học, đồng thời phân tuyến một số học sinh của xã này vào hai trường THCS Vĩnh Lộc B và Võ Văn Vân (xã Vĩnh Lộc B) với tổng chỉ tiêu tiếp nhận của 2 trường này hơn 1.600 học sinh.
Tại quận Gò Vấp, năm học 2022-2023, quận dự kiến huy động 8.682 học sinh vào học lớp 1 và 9.488 học sinh vào lớp 6. Tuy nhiên, hiện nay một số phường chưa có trường tiểu học và THCS, tạo ra áp lực lớn về việc phân bổ chỗ học. Phòng GD-ĐT quận đã phối hợp với UBND 16 phường và Công an quận thực hiện rà soát, lập danh sách học sinh các khối lớp đầu cấp có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn từ tháng 1-2022 trở về trước, từ đó xây dựng phương án phân tuyến phù hợp.
Nỗ lực tăng phòng học
Ông Phan Sĩ Đạt, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú, thông tin, năm học 2022-2023, địa phương có khoảng 6.800 trẻ vào lớp 1, tương đương năm học trước. Tuy nhiên, do năm nay không có dự án trường học nào xây mới, cộng thêm áp lực phải ưu tiên phòng học cho học sinh các khối 1, 2, 3 học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở các khối khác giảm xuống.
Tương tự, đối với TP Thủ Đức, đại diện Phòng GD-ĐT cho biết, 100% học sinh khối 1, 2, 3 ở khu vực 1, 2 (quận 2 và 9 cũ) được học 2 buổi/ngày nhưng đối với khu vực 3 là quận Thủ Đức cũ, do số lượng người dân nhập cư cao khiến tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày giảm xuống. Nhiều trường đã tận dụng các phòng chức năng để giảng dạy tùy theo từng bộ môn, kết hợp với việc xây dựng thời khóa biểu linh hoạt nhằm tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có. Riêng tại quận 8, năm học 2022-2023, quận hoàn thành một dự án xây dựng trường mới trên nền cũ, tăng từ 12 phòng học hiện có lên 18 phòng, đáp ứng thêm chỗ học cho người dân.
Tại quận Bình Tân, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho biết, toàn quận dự kiến tăng thêm 4.000 học sinh so với năm trước. Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học xây dựng thời khóa biểu giảng dạy phù hợp đặc thù về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sĩ số học sinh/lớp. Hiện có khoảng 48% học sinh khối 1, 2, 3 và 28% học sinh cấp THCS được học 2 buổi/ngày, còn lại là các lớp học 6-8 buổi/tuần. “Quận Bình Tân đảm bảo 100% trẻ đúng độ tuổi vào học lớp 1 được bố trí chỗ học nếu có đăng ký tạm trú trước tháng 3-2022.
Trường hợp trẻ tạm trú sau thời điểm nói trên, tùy điều kiện thực tế ở từng phường sẽ bố trí chỗ học cho các cháu. Việc phân tuyến có thể thực hiện liên phường, đảm bảo khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh là gần nhất, tạo thuận lợi cho phụ huynh”, ông Ngô Văn Tuyên cho biết.
Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, trong số 21.825 học sinh dự kiến tăng thêm đầu năm học 2022-2023, có 15.282 học sinh công lập và 6.543 học sinh ngoài công lập. Trong đó, cấp THCS tăng nhiều nhất với 13.661 học sinh, kế đến là cấp THPT tăng 12.761 học sinh, mầm non tăng 6.587 học sinh, riêng tiểu học giảm 11.184 học sinh. |