APEC - Diễn đàn các nền kinh tế hàng đầu thế giới

(ĐTTCO) - Trong thập niên qua, APEC đã trở thành một trong những kênh quan trọng để xúc tiến mở cửa thương mại và hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

APEC - Diễn đàn các nền kinh tế hàng đầu thế giới

Nếu dành chút thời gian quan sát cửa khẩu xuất nhập cảnh tại các sân bay quốc tế trong những dịp du lịch hay công tác nước ngoài, bạn sẽ thấy có cửa dành riêng cho doanh nhân có đeo thẻ thuộc các nền kinh tế của Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Được viết tắt theo chữ tiếng Anh là ABTC, thẻ này có giá trị thay thị thực nhập cảnh và có giá trị nhập cảnh nhiều lần trong thời gian 5 năm, cho phép doanh nhân hưởng ưu tiên khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu của các nền kinh tế thành viên APEC. Đối với doanh nhân Việt, ABTC được Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh (Bộ Công an) cấp sẽ thuận lợi cho việc đi lại thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ; tham dự các hội nghị, hội thảo và các mục đích kinh tế khác tại các nước và vùng lãnh thổ thuộc APEC.

Nhưng đây chỉ là một trong rất nhiều lợi ích dành cho doanh nhân APEC, một  cộng đồng kinh tế năng động gồm 21 quốc gia thành viên, với GDP tổng cộng lên đến 16 tỷ USD, chiếm 42% kim ngạch thương mại toàn cầu. Nếu như ý tưởng về APEC được cụ thể hóa với 12 quốc gia thành viên nhóm họp tại Canberra, Australia vào năm 1989 để cổ động tăng trưởng kinh tế, phát triển thương mại và cải thiện cuộc sống của người dân, nay APEC đã có 21 thành viên chính thức trong đó có Việt Nam. Vai trò của APEC cũng đã trở nên quan trọng và rộng rãi hơn trong tiến trình tự do hóa thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, vì lợi ích của thanh niên và phụ nữ.

Vai trò hỗ trợ doanh nghiệp

Mặc dù chỉ là một diễn đàn, nhưng điểm khác biệt của APEC so với nhiều tổ chức quốc tế hay khu vực khác đó là đề cao vai trò hỗ trợ doanh nghiệp. Các quan chức quốc gia thành viên APEC đã nhìn nhận doanh nghiệp là đối tượng quan tâm chủ chốt trong công việc của mình và lôi kéo sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Thật vậy, trong những năm đầu hình thành, các quan chức APEC thường xuyên lấy ý kiến đại diện kinh doanh xuất sắc trong khu vực CA-TBD. Năm 1995, mối quan hệ mật thiết giữa chính phủ và doanh nghiệp này đã được thể chế hóa qua việc thành lập Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC). Các thành viên của ABAC được chọn lựa trực tiếp bởi các nhà lãnh đạo APEC và mỗi nhà lãnh đạo APEC chọn tối đa 3 thành viên. Hầu hết quốc gia thành viên đều dành một ghế ABAC cho đại diện từ một doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cho thấy SME có đóng vai trò  quan trọng trong việc đóng góp cho phát triển các nền kinh tế APEC.

ABAC nhóm họp nhiều lần trong năm và mỗi năm thường soạn ra một báo cáo thường niên, bao gồm các khuyến nghị về cách cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư trong khu vực APEC. Bản báo cáo này được trình bày riêng cho các nhà lãnh đạo APEC trong Hội nghị Thượng đỉnh được tổ chức hàng năm, và thường có những buổi hỏi đáp sinh động liên quan đến báo cáo này. Một trong những báo cáo đáng ghi nhận của ABAC, là vào năm 2000 với những khuyến cáo về tự do hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, xây dựng năng lực doanh nghiệp, tăng cường hệ thống tài chính, cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội mới thông qua tiến bộ về công nghệ. Những kiến nghị này đã được các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên lắng nghe, cụ thể hóa và góp phần cho những thành tựu APEC đã đạt được trong thời gian qua.

APEC - Diễn đàn các nền kinh tế hàng đầu thế giới ảnh 1 Doanh nhân Pháp gốc Việt Nguyễn Sơn Viên phát biểu trong Diễn đàn Khởi nghiệp Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 12-9-2017.
Doanh nghiệp được gì từ APEC?

Sự tham gia trực tiếp và rộng rãi của doanh nghiệp trong các cuộc thảo luận là điều rất quan trọng của APEC, nhất là để đạt được các mục tiêu tự do hóa thương mại  năm 2020. Doanh nhân có thể chia sẻ và đề xuất các sáng kiến quan điểm của mình để APEC có thể  loại bỏ những trở ngại để kinh doanh trong khu vực một cách hiệu quả, nhất là tận dụng công nghệ và thương mại điện tử. Một trong những câu chuyện thành công đó là nhờ đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, các quốc gia thành viên APEC đã cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế trong năm 2005 liên quan đến 4 lĩnh vực ưu tiên là thiết bị điện và điện tử, nhãn mác thực phẩm, găng tay cao su - bao cao su và máy móc thiết bị. Các quốc gia thành viên cũng đã đồng ý điều chỉnh tất cả tiêu chuẩn an toàn về điện và tương thích điện từ vào năm 2008.

APEC cũng đang loại bỏ sự cần thiết phải kiểm tra riêng biệt để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn sản phẩm trong mỗi nền kinh tế nhập khẩu, thông qua việc thông qua các Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau (MRA). Theo đó, các nhà sản xuất có thể kiểm tra các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật đã được phê duyệt tại nước mình. MRA của các ngành quan trọng doanh nghiệp APEC cần quan tâm là thiết bị viễn thông với kim ngạch khoảng 50 tỷ USD. Theo các chuyên gia, MRA sẽ tiết kiệm được 5% chi phí cho việc bố trí thêm sản phẩm mới, tiết kiệm 6 tháng cho thời gian đưa sản phẩm mới ra thị trường và giảm 30% chi phí tiếp thị cho sản phẩm mới. Đối với ngành thực phẩm, MRA sẽ giúp giảm thiểu việc kiểm tra sản phẩm vào thời điểm nhập khẩu, dựa trên sự đảm bảo được cung cấp thông qua đánh giá sự phù hợp trước khi xuất khẩu sử dụng các hệ thống kiểm tra và chứng nhận chính thức và được công nhận.

Doanh nghiệp Việt và APEC

Có nhiều cách tiếp cận trong việc tận dụng và khai thác những lợi ích từ APEC nhưng hiệu quả nhất vẫn là việc trực tiếp tham gia các cuộc gặp gỡ chính thức, bán chính thức qua các hội nghị hay giao lưu. Đơn cử, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Business Summit) với chủ đề "Việt Nam: Chúng ta bàn chuyện làm ăn!" (We mean business!), sẽ được tổ chức vào ngày 7-11 tới tại Trung tâm Hội nghị Ariyana (ACC) trong Tuần lễ Kinh tế APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam. Được miễn phí tham dự, doanh nghiệp Việt từ mọi thành phần sẽ có cơ hội gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ ngành của Việt Nam và chính quyền địa phương, cũng như đại diện của các tổ chức quốc tế có uy tín, các nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo doanh nghiệp đến từ khu vực CA-TBD và toàn thế giới.

Nội dung hội nghị bao gồm các chủ đề doanh nghiệp chắc chắn không thể bỏ qua, như nông nghiệp thông minh, dịch vụ tài chính cho phát triển, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, cơ sở hạ tầng, kết nối doanh nghiệp, du lịch và các đặc khu kinh tế, SME - khởi nghiệp và sáng tạo. Nguyễn Sơn Viên, một cựu chuyên gia ngân hàng nay là một nhà tư vấn trong nhiều lĩnh vực trong đó có đầu tư cho nông nghiệp thông minh, cho tác giả bài viết này hay rằng anh đã có cuốc công du khắp ba miền Bắc-Trung-Nam trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 tại Đà Nẵng. Một trong những hoạt động anh tham gia là Diễn đàn Khởi nghiệp APEC tại TPHCM. Mang quốc tịch Pháp nhưng tên họ đầy đủ là người Việt Nam, Viên đã sống và làm việc trên đảo quốc Sư tử từ 20 năm nay, mặc dù bôn ba làm ăn khắp năm châu bốn biển, anh vẫn luôn đau đáu hướng về Việt Nam khi có bất cứ cơ hội nào có thể làm được. 

Lẽ đương nhiên, anh bạn vong niên của tôi không phải là trường hợp đặc biệt duy nhất, cho thấy sự quan tâm của doanh nhân Việt đối với APEC. Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới sẽ là dịp doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, liên kết và chia sẻ thông tin liên quan đến xu thế hội nhập, thương mại cũng như kinh nghiệm hợp tác ở Việt Nam và khu vực CA-TBD, đồng thời cho phép nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu về chính sách phát triển kinh tế, cùng với tiềm năng đầu tư và hợp tác ở Việt Nam. Các địa phương của ta chắc chắn sẽ tranh thủ dịp này để  giới thiệu sản phẩm điển hình và các dự án kêu gọi đầu tư, cũng như tiềm năng kinh tế đa dạng của họ trong ngành nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trên bình diện quốc gia, Hội nghị Thượng đỉnh APEC cũng là dịp thể hiện những thành tựu xuất sắc của nền kinh tế, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm truyền thống và các sản phẩm xuất khẩu điển hình của nước chủ nhà Việt Nam.

Singapore ngày 23-10-2017

Các tin khác