Quy định của EU, được đề xuất hôm thứ Năm (23/9), sẽ yêu cầu tất cả các thiết bị được bán trong khối phải có cổng USB-C, vốn đã được sử dụng cho nhiều điện thoại thông minh Android và các thiết bị khác.
EU cho biết đề xuất này được đưa ra nhằm cắt giảm rác thải điện tử và ngăn người tiêu dùng lãng phí tiền vào những bộ sạc không hoạt động với tất cả các thiết bị của họ.
Apple thiết kế cổng kết nối Lightning đối với iPhone thay vì cổng USB-C. Cổng kết nối Lightning được Apple phát triển và thuộc quyền sở hữu của công ty trong khi cổng USB phổ biến trên điện thoại của các hãng khác.
Quy định của EU phải được Nghị viện châu Âu thông qua để có hiệu lực. Các nhà sản xuất điện thoại thông minh sau đó sẽ có hai năm để thích ứng với các quy định mới này, vì vậy chúng sẽ có hiệu lực sớm nhất là đến cuối năm 2023.
Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu cho biết: “Người tiêu dùng châu Âu đã thất vọng đủ lâu về những bộ sạc không tương thích chất đống trong ngăn kéo của họ. Chúng tôi đã cho ngành công nghiệp nhiều thời gian để đưa ra các giải pháp của riêng họ, nhưng giờ đã là thời điểm chín muồi cho hành động lập pháp đối với một bộ sạc thông thường.”
Trong một tuyên bố với tờ The Post, Apple tỏ ra không tán thành: “Chúng tôi vẫn lo ngại rằng quy định nghiêm ngặt chỉ bắt buộc một loại cổng kết nối sẽ cản trở sự đổi mới thay vì khuyến khích nó, điều này sẽ gây hại cho người tiêu dùng ở châu Âu và trên toàn thế giới”.
Một nửa số bộ sạc được bán cùng với điện thoại di động ở châu Âu vào năm 2018 có cổng kết nối USB micro-B, trong khi 29% có cổng kết nối USB-C và 21% có cổng kết nối Lightning, theo một nghiên cứu của EU do Reuters báo cáo.
Ngoài điện thoại, luật được đề xuất hôm thứ Năm cũng sẽ áp dụng đối với bộ sạc cho máy tính bảng, máy ảnh, tai nghe, loa di động và thiết bị chơi game cầm tay. Nó sẽ không ảnh hưởng đến các tính năng sạc không dây.
Benedict Evans, một nhà đầu tư mạo hiểm và là đối tác cũ của Andressen Horowitz, đã cho rằng đề xuất của EU là “ngờ nghệch”.
"Điều gì sẽ xảy ra sau 5 năm khi ai đó muốn sử dụng một trình kết nối tốt hơn?", Evans viết trên Twitter. “Đó là một ý tưởng thực sự tồi tệ khi triển khai một điều lệ mới trong một lĩnh vực thay đổi nhanh như điện tử tiêu dùng và cần phải trải qua một quy trình lập pháp kéo dài nhiều năm.”
Đề xuất về bộ sạc hôm thứ Năm không phải là động thái duy nhất của EU đối với Apple.
Một cuộc điều tra chống độc quyền đang diễn ra của Liên minh Châu Âu đang kiểm tra xem liệu mức phí mà Apple thu đối với các nhà phát triển sử dụng App Store có vi phạm các quy tắc cạnh tranh của khối hay không.
Bên cạnh đó, EU cũng đang xem xét liệu tính năng Apple Pay của công ty có gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh hay không.
Các nhà quản lý có thể phạt Apple tới 10% doanh thu hàng năm nếu họ phát hiện công ty vi phạm luật cạnh tranh.