Tại buổi gặp mặt báo chí nói về tầm nhìn triển vọng kinh doanh cũng như dự đoán xu hướng công nghệ năm 2024, ông Eric Yeo, Giám đốc Quốc gia Amazon Web Services (AWS) Việt Nam cho biết, AWS sẽ tăng gấp đôi khoản đầu tư vào Gen AI, phân tích dữ liệu và hiện đại hóa.
Cũng theo ông Eric hiện rất nhiều khách hàng của AWS ở Việt Nam đang bắt tay vào hành trình dữ liệu và phân tích và một số trong số họ cũng đã bắt tay vào hành trình Gen AI. Vì sao doanh nghiệp ngày càng quan tâm nhiều đến Gen AI. “Chúng tôi tin rằng Gen AI sẽ là công nghệ có tính biến đổi mạnh mẽ nhất trong thời đại chúng ta. Nó sẽ biến đổi nhiều ngành trong hiện tại”, ông Eric nhấn mạnh.
Giám đốc AWS Việt Nam cũng chia sẻ 4 dự đoán công nghệ trong năm 2024 của TS Werner Vogels, CTO của Amazon, được đánh giá là phù hợp với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Dự báo đầu tiên, sự ra đời và tác động chuyển đổi của trợ lý viết mã được hỗ trợ bởi AI. Những trợ lý này không chỉ hợp lý hóa quy trình viết mã mà còn trao quyền cho các nhà phát triển tập trung vào khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề phức tạp. Với sự trỗi dậy của Gen AI, các trợ lý viết mã AI sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghệ sắp tới, giúp các nhà phát triển Việt Nam tiếp cận các thách thức theo hướng đổi mới sáng tạo hơn nữa.
Dự đoán thứ 2 là femtech, công nghệ dành cho phụ nữ sẽ trở thành xu hướng trong năm 2024. Femtech sẽ giải quyết các nhu cầu sức khoẻ cho phụ nữ. Như tại Nhật Bản, thuốc tránh thai và cốc nguyệt san có thể được giao đến tận nhà. Sự nổi lên của femtech sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho phụ nữ mà còn thay đổi và nâng tầm toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Dự đoán thứ ba là giáo dục ĐH sẽ phát triển để phù hợp với tốc độ của công nghệ. Theo AWS, nếu trước đây có bằng đại học là đủ, giờ đây ngày càng nhiều ngành công nghiệp đòi hỏi chuyên môn hoá cao hơn, và các trường sẽ tiến hành hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công việc. AWS trong thời gian qua cũng đã tiến hành đào tạo 21 triệu người trên thế giới với các kỹ năng đúng yêu cầu công việc trong thời gian ngắn, thay vì phải học trong nhiều năm.
Nói thêm về câu chuyện đào tạo nhân lực, điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam lo ngại chính là đội ngũ nhân lực có kỹ năng số. Bởi nếu không xây dựng các kỹ năng về chuyển đổi đám mây ở Việt Nam thì việc áp dụng đám mây sẽ chậm lại, chứ đừng nói đến Gen AI.
Để phần nào giải quyết vấn đề này, tại Việt Nam, AWS đã đào tạo kỹ năng số cho 50.000 cá nhân kể từ năm 2017. AWS cũng có hơn 70 khoá đào tạo số miễn phí bằng tiếng Việt. Chưa hết, về AI, AWS cũng cam kết cung cấp đào tạo AI miễn phí cho 2 triệu người trên toàn cầu vào năm 2025, trong đó bao gồm 7 khóa học AI và Gen AI miễn phí mới có sẵn bằng tiếng Việt.
Dự đoán cuối cùng, Gen AI sẽ có nhận thức về văn hoá. Hiện các mô hình ngôn ngữ lớn của trí tuệ nhân tạo tạo sinh hiện nay đều là tiếng Anh và chịu ảnh hưởng văn hoá của các quốc gia sử dụng ngôn ngữ này. Chính vì thế, các nước cần phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn sử dụng chính ngôn ngữ của mình để mang bản sắc văn hoá riêng.
Ở đây cần kết hợp nhuần nhuyễn văn hoá và mô hình ngôn ngữ lớn của địa phương chứ không phải là dịch từ tiếng Anh sang ngôn ngữ của mình. “Khi sự lưu loát về văn hóa tiếp tục được tích hợp vào các mô hình ngôn ngữ, AI tạo sinh sẽ có thể dễ dàng tiếp cận hơn với người dùng trên toàn thế giới”, ông Eric bày tỏ.
Tại Việt Nam hiện có một doanh nghiệp khởi nghiệp là Arcanic AI đã phát triển và hoàn toàn sử dụng nền tảng AI dành cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, kết hợp cả dữ liệu tiếng Việt và sử dụng Amazon SageMaker, để hỗ trợ các công ty Việt Nam.
Bà Laura Nguyễn, đồng sáng lập Arcanic AI cho biết, Arcanic AI là một nền tảng ứng dụng công nghệ AI giúp doanh nghiệp khai phá tiềm năng của dữ liệu. Đội ngũ của Arcanic AI đã phát triển và tối ưu hóa mô hình ngôn ngữ tiếng Việt dành cho người Việt. Hướng đi đầu tiên của Arcanic AI là tập trung vào dữ liệu.
"Nhờ chương trình hỗ trợ ASEAN GenAI Reactor từ AWS, chúng tôi đã có thể nhanh chóng ra mắt Arcanic AI, một mô hình ngôn ngữ tiếng Việt, được phát triển và tối ưu bởi đội ngũ người Việt và dùng dữ liệu tại Việt Nam cũng như đáp ứng những tiêu chuẩn, yêu cầu của nhà nước về thuần phong mỹ tục của Việt Nam”, Laura Nguyễn hào hứng.
Là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây được áp dụng rộng rãi và toàn diện nhất trên thế giới, AWS đã giúp hàng triệu khách hàng trên toàn cầu tăng cường sức mạnh cho hạ tầng của họ, giúp họ trở nên linh hoạt hơn và giảm chi phí hoạt động. Tại Việt Nam, AWS tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để hỗ trợ nhu cầu của khách hàng và giúp phát triển nền kinh tế số của đất nước.
AWS cam kết với Việt Nam và đã thực hiện các đầu tư hạ tầng đáng kể, bao gồm hai Edge Location tại Hà Nội và TPHCM (công bố hồi tháng 8-2022) và AWS Global Accelerator (tháng 10-2022), trước đó là ra mắt AWS Outposts vào tháng 11-2021.
Hồi tháng 2-2022, AWS cũng đã công bố kế hoạch sẽ triển khai AWS Local Zone mới tại Hà Nội. Với các khoản đầu tư hạ tầng này, khách hàng địa phương có thể chạy ứng dụng của mình và phục vụ người dùng cuối với độ trễ cực thấp, tận dụng các công nghệ AWS tiên tiến để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.