PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, khi nhìn vào các trang TMĐT như Amazon hay Alibaba có thể thấy được những yếu tố nào giúp hoàn thiện và phát triển một mô hình TMĐT?
TS. LÊ ĐẠT CHÍ: - Có 3 nguyên tắc để thành công trong TMĐT. Thứ nhất, phải xác định rõ là bán hàng hóa hay dịch vụ. Nếu bán hàng người bán có khả năng định giá, còn nếu bán dịch vụ phải tìm cách tiết giảm chi phí trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT).
Thứ hai, sản phẩm bán ra phải được chuẩn hóa, giới thiệu để khi đến tay người tiêu dùng phải đúng như vậy. Thời gian qua, nhiều trang TMĐT không thể phát triển vì đã không chuẩn hóa việc bán hàng.
Thứ ba, hệ thống phải được tự động hóa. Đây là một trong những mấu chốt giúp tiết giảm chi phí, đưa giá bán hàng hóa gần với giá của nhà sản xuất nhất.
Về vấn đề tự động hóa ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nút thắt chính là khâu thanh toán. Ngày nay, những phát kiến mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đang giúp giải quyết nút thắt này.
- Có ý kiến cho rằng TMĐT Việt Nam sẽ bị thống lĩnh bởi các ông lớn nước ngoài? Ông đánh giá sao về ý kiến này?
Việc bán hàng online thông qua các trang mạng xã hội như facebook không phải là hình thức của TMĐT vì nó không đáp ứng đủ 3 nguyên tắc nói trên. Ngoài ra, nhiều DN sản xuất hiện nay khi xây dựng trang web chỉ dừng lại ở cổng thông tin DN, giúp giới thiệu hàng hóa, sản phẩm của DN, không phải bán hàng nên không gọi là trang TMĐT. Giả sử những trang web của DN này có bán hàng ,cũng rất ít và đối tượng hướng tới phần nhiều là khách hàng truyền thống. TS. Lê Đạt Chí |
- Có thể dễ dàng nhìn thấy các trang TMĐT lớn của nước ngoài khi vào Việt Nam có chi phí vận hành thấp do mô hình của họ đã phát triển hoàn thiện. Tức những tính năng về sự trải nghiệm người dùng vượt trội so với các trang TMĐT của Việt Nam.
Trong khi DN Việt Nam muốn xây dựng hoàn thiện các mô hình như vậy, riêng về vốn cũng cần đến con số triệu USD, vì chúng ta phải bắt đầu từ những bước đi đầu tiên. Quá trình phát triển hệ thống của các trang TMĐT đã đạt đến những công nghệ cao như Kết nối vạn vật - IoT (Internet of Thing), dữ liệu lớn (Big data), hệ thống điện toán đám mây (cloud)… giúp tiết giảm chi phí và có sự trải nghiệm người dùng rất cao.
Hiện nay tốc độ phát triển TMĐT của Việt Nam đang rất nhanh, các ông lớn vào để đón đầu một thế hệ mới (thế hệ thiên niên kỷ), thích click mua hàng và sẵn sàng trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt.
Tất nhiên chúng ta vẫn có thể phát triển và đi vào những thị trường ngách để tránh cuộc đối đầu trực diện không cân sức. Hiện nay TMĐT theo hình thức kinh doanh B2C (Business-to-Consumer) đã phát triển đến đỉnh cao của công nghệ, những cải tiến hiện nay tập trung vào sự trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, hình thức TMĐT B2B (Business-to-Business) vẫn đang là phát kiến chưa được phát triển. Sân chơi này dành cho tất cả người chơi mới bao gồm các DN trong và ngoài nước.
- Vậy các nhà sản xuất của Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì khi Alibaba, Amazon chính thức vào thị trường Việt Nam, thưa ông?
- Khi các hệ thống bán lẻ của nước ngoài như của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… vào thị trường Việt Nam, họ đã mang theo các nhà cung cấp cho mình. Vì thế, nhiều ý kiến đã nghi ngại các nhà cung cấp của Việt Nam không thể tham gia các chuỗi bán hàng này. Nhưng vấn đề không phải như vậy. Nếu hàng hóa của các nhà cung cấp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của họ, chắc chắn họ sẽ lấy để đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí giúp giảm giá bán giảm.
Ảnh minh họa.
Tương tự với kinh doanh online, khi các trang TMĐT lớn vào Việt Nam họ cũng đã có sẵn nhà cung cấp. Nhưng nếu DN sản xuất trong nước làm ra những sản phẩm đạt chuẩn, cơ hội đưa hàng hóa ra toàn cầu rất lớn. Thí dụ, khi đưa được hàng vào trang Amazon, hàng hóa sẽ được tiếp cận với người mua toàn cầu không cần văn phòng, nhà kho.
Theo số liệu từ Amazon, hiện họ có khoảng 300 triệu khách hàng đến từ 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc bán hàng hóa ra toàn cầu còn giúp DN giảm rủi ro khi phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào. Điều này đã được chứng minh qua thực tế.
Hiện nay nhiều DN sản xuất cho rằng TMĐT không phải việc của mình. Suy nghĩ như vậy là không chính xác. Thời đại CNTT đang làm mọi thứ thay đổi nhanh chóng, nếu DN sản xuất không hợp tác có thể sẽ bị bỏ lại phía sau. Thí dụ việc bán sách hiện nay, các nhà sách truyền thống dường như đang thua những trang TMĐT như Tiki. Trong khi đó Tiki cũng không bì được với Amazon vì họ đã phát triển e-book từ cả chục năm nay.
Theo đó, khi kinh doanh với các trang TMĐT lớn như Amazon, nhà cung cấp luôn được hưởng chế độ win-win bằng mô hình kinh doanh của họ. Nói một cách dễ hiểu, khi bán hàng hóa trên Amazon người bán chỉ cần đưa hàng đạt chuẩn, không cần quan tâm đến các khâu khác như đóng gói, lưu kho, báo cáo hàng bán… bởi đã có bên thứ 3.
Việc bán hàng trên Amazon được phân chia theo tỷ lệ chiết khấu nhất định, không phải Amazon đi mua hàng với giá A từ nhà cung cấp và bán lại với giá B. Hệ thống của họ có đủ dữ liệu để phân tích hành vi của người tiêu dùng nhằm đẩy mạnh việc bán hàng. Thậm chí, một món hàng được bán càng nhiều, hệ thống sẽ tự điều chỉnh giá bán nhằm kích thích người sản xuất vì họ được hưởng lợi từ việc tăng giá bán đó.
- Sau các nhà sản xuất, người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi khi TMĐT ngày càng phát triển?
- Đúng vậy, vì TMĐT hiện nay chính là hình thức kinh doanh B2C hướng tới đối tượng cuối cùng là người tiêu dùng, mọi cải tiến đều nhằm mang tới sự tiện lợi cho người dùng. Người mua hàng chỉ cần click chuột là mua được món hàng chuẩn với giá mua gần nhất giá của nhà sản xuất. Việt Nam có dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, cộng với sự bùng nổ của ứng dụng công nghệ di động, đã giúp hoạt động TMĐT phát triển nhanh chóng.
Có ý kiến nghi ngại khi những ông lớn vào sẽ làm thất thoát thuế. Nên hiểu thuế thất thoát có chăng ở thuế thu nhập DN do hoạt động chuyển giá của các trang TMĐT nước ngoài. Trong khi đó thuế VAT sẽ được nộp cho ngân sách tốt hơn nhiều so với hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ hiện nay.
- Xin cảm ơn ông.