Đi giữa không gian xanh
Đã nhiều lần về Bà Rịa công tác nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghỉ lại. Từ ban công tầng 9 khách sạn Galaxy II nhìn ra, TP hiện lên thật đáng yêu với những khoảng không gian xanh ngát ở các hướng: Đông Nam có màu xanh của rừng ngập mặn bao la trải rộng loang loáng ánh bạc giữa cái nắng tháng 4; trong khi ở phía Bắc, núi Dinh có màu xanh thẫm, sừng sững như bức tường thành khổng lồ bao bọc một phần khu dân cư đông đúc với những căn nhà kiên cố ẩn hiện dưới bóng cây xanh.
Nhờ mới được chọn là đô thị tỉnh lỵ và mới lên TP chưa lâu, về cơ bản Bà Rịa chưa có nhiều nhà cao tầng, vẫn còn nhiều khoảng đất trống đang chờ công trình kiến trúc mọc lên. Nhờ đó du khách có thể phóng tầm mắt thu trọn hình ảnh TP từ trên cao không bị giới hạn.
Trong rất nhiều kiến trúc công trình, nổi bật và bề thế nhất là Khu nhà trung tâm hành chính của UBND tỉnh cùng các sở, ngành. Đó là trung tâm hội nghị hiện đại và khu nhà làm việc của Tỉnh ủy cùng các ban Đảng uy nghi nằm ngay trước khoảng xanh bao la của rừng ngập mặn. Anh Nguyễn Anh Phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Bà Rịa, hồ hởi giới thiệu với chúng tôi các đồ án lớn đang được triển khai nơi đây.
Một góc làng hoa Kim Dinh.
Chúng tôi đặc biệt thích thú với đề án quy hoạch phân khu chi tiết Khu đô thị Tây Nam của TP Bà Rịa nằm giáp với Quốc lộ 51 ở phía Đông, có quy mô diện tích 1.794ha thuộc 3 phường Phước Trung, Kim Dinh và Long Hương (3 phường có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất Bà Rịa). Nét đặc sắc của bản đồ án này là bố trí các công viên cây xanh chuyên đề, đất mặt nước ao tôm rừng ngập mặn và cây xanh cách ly, với tổng diện tích lên đến 600ha (chiếm 33%), giúp hình thành các khu dân cư hiện đại có bản sắc riêng, bảo vệ và phát huy lợi thế cảnh quan của rừng ngập mặn trong lòng đô thị.
Đổi thay ở Kim Dinh
Từ trung tâm TP, chúng tôi ngược khoảng 4-5km lên làng hoa Phước Dinh thuộc phường Kim Dinh. Sự đi lên của làng hoa này đã nói thay rất nhiều điều về sự đổi thay của vùng đất đỏ Bà Rịa. Chạy xe trên con đường nhựa phẳng phiu, rộng thênh thang với những cánh đồng hoa cúc trải dài dọc 2 bên, chúng tôi tìm đến nhà ông Mai Hùng Sơn, người khai sinh ra nghề trồng hoa của phường.
Ông Sơn đang chăm hoa cát tường, thấy khách đến liền đon đả mời vào nhà. Bên ấm trà đặc sánh, chúng tôi nghe ông kể về lịch sử của làng hoa. Quê ở tỉnh Hải Dương, ông vào TP Vũng Tàu lập nghiệp giữa thập niên 80, ban đầu bằng nghề công nhân xây dựng. Được vài năm, sau khi tích lũy được ít vốn ông lên Bà Rịa mua đất, chuyển sang nuôi tôm. Nhưng thấy khó có cơ hội phát triển bằng nghề này, năm 1990 ông chuyển sang nghề buôn bán hoa kết hợp trồng hoa và là người tiên phong giúp hình thành nên nghề trồng hoa ở Kim Dinh.
Đến nay, diện tích trồng hoa ở đây đã lên đến 22ha với khoảng 155 hộ, góp phần xây dựng nên thương hiệu hoa của làng hoa Kim Dinh. Ngoài trồng hoa, bà con còn làm chậu bán, đã hình thành nghề làm chậu, giúp phường chuyển dịch cơ cấu cây trồng lẫn ngành nghề tăng thu nhập cho người dân.
Đưa chúng tôi đi thăm khu vườn rộng 6.500m2 chuyên trồng các loại hoa cúc, lay ơn, ly ly, cát tường, ông Sơn cho biết hiện có đến 70% số hộ khá giả ở phường có nhà kiên cố, ô tô là nhờ nghề trồng hoa. Đặc biệt, nghề trồng hoa còn giúp giá trị đất ở Kim Dinh tăng lên nhanh, nhất là khi có dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua (sắp được triển khai), đã khiến đất tăng chóng mặt, giúp không ít người dân tích lũy được đất đai nhanh chóng có được khối tài sản lớn. Theo ông Sơn đất trồng hoa ở những con đường thuận lợi xe ô tô vào được như nhà ông hiện có giá 10 triệu đồng/m2, còn đất ở đường lớn phía ngoài có giá gấp đôi.
Nghĩa tình Hòa Long
Những ngày ở lại Bà Rịa, chúng tôi đến xã Hòa Long, cách trung tâm TP khoảng 8km - nơi người dân có nhiều đóng góp cho cách mạng suốt 2 cuộc kháng chiến, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang của Bà Rịa. Xã có 5.199 hộ (17.696 nhân khẩu) thì có đến 1.224 đối tượng có công, trong đó có 485 liệt sĩ, 118 thương binh, 44 bệnh binh, 121 Mẹ Việt Nam Anh hùng (3 mẹ còn sống hiện được 3 đơn vị nhận phụng dưỡng).
Trò chuyện với chúng tôi, chị Bùi Thị Thúy Oanh, cán bộ phụ trách công tác thương binh xã hội của xã, cho biết từ cuối năm 2018 trên địa bàn xã không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện nghèo. Có được kết quả này nhờ sự quan tâm chăm lo của Trung ương thông qua các chính sách ưu đãi người có công; trong đó có công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở (thực hiện theo Quyết định 22/2013) của Thủ tướng Chính phủ.
Trong 5 năm (2014-2018) đã có 212 căn nhà được đầu tư xây dựng, sửa chữa với tổng số kinh phí 4,54 tỷ đồng. Ngoài kinh phí của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Bà Rịa, xã còn tích cực vận động các cơ quan, đơn vị và các nhà hảo tâm đóng góp quỹ Đền ơn đáp nghĩa để sửa chữa nhà, hỗ trợ khó khăn đột xuất hay viếng đám tang các đối tượng chính sách. Năm 2021 xã đã khảo sát, lập danh sách 13 trường hợp người có công được hỗ trợ sửa chữa nhà...
Chia tay Hòa Long khi trời đã quá trưa, chúng tôi càng thấy vui cho xã Anh hùng này, khi con đường Tỉnh lộ 52 chạy qua xã (nối TP Bà Rịa và huyện Đất Đỏ quê hương của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu) đang được thi công mở rộng, giúp cuộc sống của người dân nơi đây tiếp tục được cải thiện, nâng cao.