Bắc Kạn ưu đãi phát triển ngành VLXD

Quy hoạch phát triển ngành vật liệu xây dựng đến năm 2020 của tỉnh Bắc Kạn vừa được phê duyệt. Theo đó, tỉnh Bắc Kạn sẽ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhằm phát triển nhanh và bền vững ngành vật liệu xây dựng.

Quy hoạch phát triển ngành vật liệu xây dựng đến năm 2020 của tỉnh Bắc Kạn vừa được phê duyệt. Theo đó, tỉnh Bắc Kạn sẽ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhằm phát triển nhanh và bền vững ngành vật liệu xây dựng.

Tập trung khai thác thế mạnh

Tỉnh miền núi Bắc Kạn có tổng diện tích đất tự nhiên trên 486.800ha, sở hữu nguồn khoáng sản phi kim loại đạt trữ lượng công nghiệp, bao gồm sét gạch ngói ở Nà Từ (thị trấn Chợ Rã), sét xi măng ở Yên Minh (huyện Chợ Mới), đá vôi ở Bản Cát, Bản Luộc, Phiên Liên (huyện Chợ Đồn), Nam Cao (huyện Bạch Thông), Bản Cám, Nà Hen, Pou Man, Chợ Rã (huyện Chợ Rã) và graphit ở Cao Kỳ (Chợ Mới), Phiên Giề (huyện Bạch Thông), Na Lang (huyện Chợ Rã).

Với nguồn tài nguyên dồi dào này, Bắc Kạn có tiềm năng lớn về phát triển ngành công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng.

Năng lực khai thác đá xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đạt 450.000m3 vào năm 2015.

Năng lực khai thác đá xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đạt 450.000m3 vào năm 2015.

Đá xây dựng là sản phẩm thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn với định hướng phát triển tiếp tục đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ khai thác đá xây dựng ở tất cả cơ sở sản xuất hiện có, nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường; tổ chức quản lý, sắp xếp lại các cơ sở khai thác, khuyến khích tạo điều kiện để các cơ sở nhỏ liên doanh, liên kết thành những cơ sở lớn, có tiềm lực về kinh tế để thay đổi công nghệ, thiết bị; nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm; đầu tư các cơ sở khai thác đá xây dựng có quy mô công suất 50.000m3/năm tại một số mỏ đá lớn ở các địa phương như thị xã Bắc Kạn, huyện Bạch Thông, huyện Na Rì, huyện Ba Bể, huyện Chợ Đồn; phấn đấu năng lực khai thác đá xây dựng trên địa bàn đạt 450.000m3 năm 2015 và 830.000m3 vào năm 2020.

Đối với sản phẩm xi măng, Bắc Kạn chủ trương đầu tư dây chuyền xi măng lò quay, cung cấp xi măng chất lượng cao cho thị trường trong nước. Theo đó, từ nay đến năm 2015, tỉnh duy trì dây chuyền nghiền xi măng 60.000 tấn/năm từ nguồn clinke xi măng Bỉm Sơn.

Chuyển đổi cơ sở sản xuất xi măng lò đứng tại Suối Viền thành cơ sở sản xuất xi măng lò quay 35.000 tấn/năm. Đầu tư nhà máy xi măng Chợ Mới, lò quay, công suất 1,1 triệu tấn xi măng/năm. Giai đoạn 2016-2020 ổn định sản xuất 1,5 triệu tấn xi măng/năm.

Đối với sản phẩm gạch nung và gạch không nung, giai đoạn 2011-2015, đầu tư cơ sở sản xuất gạch tuy nen công suất thiết kế 15-20 triệu viên/năm trên địa bàn tỉnh. Chuyển dần sản xuất gạch nung sang công nghệ tiên tiến, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

Chuyển đổi từ lò nung thủ công sang lò đứng nung liên tục, quy mô đầu tư: công suất từ 4-8 triệu viên/năm. Giai đoạn 2016-2020, các cơ sở gạch lò đứng nung liên tục đạt 22 triệu viên/năm. Sản phẩm gạch tuy nen đạt tổng công suất 60 triệu viên/năm.

Phát triển sản xuất vật liệu xây không nung đạt khoảng 35-40% trong giai đoạn 2015-2020. Xây dựng các cơ sở sản xuất tại các huyện: Pác Nặm, Na Rì, Ngân Sơn, Chợ Đồn, Chợ Mới và Bạch Thông với công suất 6-8 triệu viên/năm.

Trong giai đoạn tới Bắc Kạn không đầu tư thêm cơ sở sản xuất bê tông đúc sẵn, mà tập trung đầu tư cơ sở sản xuất bê tông bọt có tính năng nhẹ, cách âm, cách nhiệt, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, có khả năng chống cháy, thuận lợi trong vận chuyển, dễ dàng thao tác giúp giảm thời gian thi công.

Đây sẽ là loại vật liệu xây dựng được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian tới. Giai đoạn 2016-2020 đầu tư cơ sở sản xuất bê tông bọt công suất 15.000m3/năm tại xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường và phát huy lợi thế nguồn nguyên liệu từ rừng trên địa bàn tỉnh, Bắc Kạn ưu tiên cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến ván nhân tạo. Giai đoạn tới tỉnh đầu tư phát triển sản xuất ván nhân tạo với tổng công suất 45.000–65.000m3/năm.

Từ nay đến 2015, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ván nhân tạo công suất 30.000m3/năm ván MDF và 15.000m3/năm ván ghép thanh tại khu công nghiệp Thanh Bình; giai đoạn 2016-2020, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ván nhân tạo, sản xuất ván HDF và ván ghép thanh công suất 20.000m3/năm tại thị trấn Nà Phặc.

6 mục tiêu đề ra

Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020 là cơ sở quan trọng nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư theo chiến lược phát triển bền vững, trên cơ sở khai thác hiệu quả thế mạnh tài nguyên khoáng sản. Do vậy, tỉnh Bắc Kạn chủ trương đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ - trang thiết bị, phát huy năng lực các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có; loại bỏ dần công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.

Trong giai đoạn 2011-2020, đầu tư các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trang thiết bị, công nghệ tiên tiến phù hợp với xu thế chung của cả nước để sản phẩm có thể hội nhập thị trường nội địa. Bên cạnh các cơ sở sản xuất đầu tư mới, tỉnh Bắc Kạn chủ trương chuyển đổi, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên cơ sở đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia sản xuất vật liệu xây dựng, thu hút các nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng mang lại hiệu quả cao.

Để thực hiện mục tiêu quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tỉnh Bắc Kạn xây dựng hệ thống giải pháp tổng thể: Thứ nhất, về nguồn vốn, cơ cấu nguồn vốn đầu tư của tỉnh hiện đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng vốn tín dụng đầu tư, vốn doanh nghiệp và vốn tư nhân.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản phục vụ cho đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng, tiến hành đánh giá trữ lượng, chất lượng những mỏ nguyên liệu có triển vọng, dự kiến đưa vào đầu tư khai thác trong giai đoạn tới 2020.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo mới, đào tạo lại, dạy nghề trong các doanh nghiệp, đào tạo tại chỗ. Hình thành các trường, trung tâm dạy nghề đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề cao.

Thứ tư, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý tài nguyên và môi trường; tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, giữa các thành phần kinh tế.

Thứ năm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, quảng bá những sản phẩm vật liệu xây dựng và các hình thức liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ.

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất vật liệu xây dựng phát triển. Rút ngắn thời gian cấp giấy phép đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có lợi thế.

Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời xây dựng danh mục các dự án đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư.

Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất đang hoạt động đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất. 

Các tin khác