Dự án Bạc Liêu Tower được Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGas (công ty con PVN) đầu tư tháng 1-2010, mục tiêu xây dựng tổ hợp thương mại khách sạn, cao ốc văn phòng tại khu đất 1A Trần Phú, thành phố Bạc Liêu. Tổng mức đầu tư ban đầu dự án 319,31 tỷ đồng.
Đến tháng 8-2010 dự án được PVGas nhượng lại cho PVC - Mekong (một công ty con thuộc Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) để kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn nhưng không có nhà đầu tư nào tham gia. Khi đó để đủ nguồn lực tài chính triển khai dự án, PVC - Mekong đã xây dựng phương án tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng, nhưng kết quả chỉ huy động được 180,6 tỷ đồng.
Do thiếu vốn đầu tư dự án Bạc Liêu Tower, PVC - Mekong đã thế chấp toàn bộ dự án tại Oceanbank để vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, và thực hiện dự án. Đến thời điểm tháng 12-2016, PVC - Mekong đang nợ Oceanbank 234,5 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 119,5 tỷ đồng, lãi vay 115 tỷ đồng.
Trên thực tế, do thiếu vốn đầu tư xây dựng, dự án Bạc Liêu Tower đã đắp chiếu từ cuối năm 2011, hiện trạng dự án đến nay mới cơ bản hoàn thành xây dựng kết cấu chính, hoàn thiện từ tầng 1 đến tầng 8, từ tầng 9 đến tầng 16 mới xây thô, chưa hoàn thiện.
Để giải cứu cho dự án “chết” này, hồi đầu năm nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và UBND tỉnh Bạc Liêu đã ngồi lại với nhau để bàn phương án chuyển nhượng dự án. Vào tháng 9, Bạc Liêu chính thức có văn bản đề xuất Bộ KH&ĐT về việc nhận chuyển nhượng dự án làm trung tâm hành chính tập trung của tỉnh. Lý do được đưa ra do trụ sở HĐND – UBND thành phố Bạc Liêu, và một loạt các sở ngành như Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin Truyền thông, Ban Dân tộc, Khoa học và Công nghệ, Ngoại vụ, Tài nguyên và Môi trường đang thiếu khoảng 2.800 m2 diện tích phòng làm việc theo tiêu chuẩn, định mức. Diện tích sử dụng của các cơ quan này hiện chỉ đạt 64,68% định mức, và đang rất bức xúc.
Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT đề xuất mua lại tòa nhà Bạc Liêu Tower về bản chất là hình thành dự án mua sắm đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung. Hiện nay, diện tích làm việc của cán bộ, công chức địa phương đạt 64,68%, việc gặp khó khăn về trụ sở là có, song cũng là khó khăn chung của nhiều bộ, ngành, địa phương. Trường hợp tỉnh Bạc Liêu muốn mua sắm trụ sở làm việc mới, sử dụng nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách thì phải hình thành dự án.
Cũng theo bộ này, việc xây dựng và kinh doanh tòa nhà Bạc Liêu Tower không hiệu quả là trách nhiệm của PVN, và các đơn vị thành viên. Dù tỉnh Bạc Liêu có nhu cầu về trụ sở cho các cơ quan hành chính, song việc đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước để mua lại tòa nhà Bạc Liêu Tower - tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng nhằm hỗ trợ khó khăn tài chính cho doanh nghiệp, trong bối cảnh chưa rõ ràng về căn cứ pháp lý, tiềm ẩn rủi ro và phức tạp về mặt tài chính
Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu xem xét lại đề xuất mua lại dự án Bạc Liêu Tower một cách cẩn trọng, nghiêm túc, trách nhiệm, tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước. Đặc biệt, không được sử dụng ngân sách nhà nước đang rất hạn chế để hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho dự án kém hiệu quả của DNNN.