Liên quan đến thông tin các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép hoạt động nhưng không thể, do thiếu nguồn cung nguyên liệu, tại buổi họp báo chiều nay (10/9), ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM bác bỏ thông tin này.
Theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, số lượng các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống tại thành phố lên tới hơn 7.500 doanh nghiệp và số lượng các hộ kinh doanh cá thể do các quận, huyện cấp phép lên tới hàng chục nghìn.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đồng tình với phản ánh tình hình mở lại các quán ăn đúng là thấp hơn so với số lượng thực tế. Nhưng điều này là do một số nguyên nhân khác chứ không phải do thiếu nguồn cung nguyên liệu.
Theo ông Phương, nguyên liệu chính để các hàng quán ăn hoạt động chủ yếu là tinh bột, thịt gia súc, gia cầm, trứng, hải sản và rau, củ quả, gia vị. Đại diện Sở Công Thương khẳng định tất cả những nguyên liệu này TP.HCM không hề thiếu. Lý giải các hàng quán chưa “mặn mà” hoạt động trở lại, theo ông Phương có thể do quy định bắt buộc “3 tại chỗ” gây một số khó khăn hoặc cách thức tiếp cận nguồn nguyên liệu và mua bán thông qua shipper khác trước đây.
“Người dân hiện nay không được trực tiếp đi ra đường, không được tới mua ở hàng quán. Muốn mua đồ ăn người dân chỉ có thể thông qua shipper, mà shipper chỉ được hoạt động trong phạm vi một quận huyện. Nghĩa là các quán ăn chỉ có thể phục vụ lưu trú trong phạm vi một quận huyện. Do đó, người dân đã có tính toán khó có khả năng có được lượng khách hàng lớn như trước đây. Rõ ràng, họ sẽ cân nhắc có nên mở ngay lúc này hay không”, ông Nguyễn Nguyên Phương nói.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết thêm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ chủ động thực hiện việc xét nghiệm Covid-19 trên nguyên tắc "4 tự" - tự xây dựng kế hoạch, tự thực hiện, tự xét nghiệm và tự kiểm tra đối với nhân viên của mình. Tần suất lấy mẫu là 3 ngày/lần chứ không phải 2 ngày/lần như thông tin trước đó.