Tại Nghệ An, dịch tả heo châu Phi đã lan ra 21 huyện, thị, với 77 ổ dịch tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nguyên nhân, do nhiều địa phương chủ quan, lơ là, không bố trí đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác phòng chống dịch; tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine thấp; một số nơi có hiện tượng giấu dịch, vứt xác vật nuôi bị bệnh ra môi trường làm lây lan dịch bệnh…
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung vừa yêu cầu các địa phương thành lập các tổ phản ứng nhanh để xử lý ổ dịch khi mới phát hiện. Đồng thời, yêu cầu UBND cấp xã huy động lực lượng kiểm tra, giám sát, kịp thời thu gom, tiêu hủy xác động vật ngoài môi trường; tuyên truyền để người dân không giấu dịch, không bán, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.
Công an tỉnh và các sở ngành liên quan đang tăng cường kiểm tra, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, trốn tránh kiểm dịch qua đường cao tốc Bắc - Nam…
Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 30 hộ thuộc 6 xã của các huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh, buộc tiêu hủy 100 con heo. Ngoài ra, dịch lở mồm long móng cũng xảy ra tại xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân khiến 25 con trâu, bò mắc bệnh.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp các sở, ngành liên quan cùng các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vaccine cho đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng, mới nhập đàn, bảo đảm tiêm phòng đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn (tại thời điểm tiêm); triển khai và hướng dẫn thực hiện đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các ổ dịch, ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao, cơ sở giết mổ tập trung, chợ buôn bán động vật sống, sản phẩm động vật, khu vực liên quan chăn nuôi…
Nhằm ngăn chặn tình trạng người chăn nuôi có tâm lý chủ quan, chưa tổ chức tốt biện pháp phòng chống, còn tình trạng giấu dịch, bán heo bệnh, phát hiện heo bị bệnh nhưng không báo cáo cơ quan chức năng, UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản về việc hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi gây ra.
Theo đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã niêm yết công khai danh sách các hộ chăn nuôi có động vật tiêu hủy do dịch bệnh được hưởng chính sách hỗ trợ thiệt hại; đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để tình trạng sai sót, trục lợi chính sách của nhà nước.