LTS: Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành NH năm 2013 rất nặng nề, trong đó trọng tâm là thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại tệ và tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Đó là yêu cầu rất cao đối với ngành NH được nêu trong Thông điệp đầu năm 2013 của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. Từ số báo này, ĐTTC đăng tải những ý kiến, chia sẻ của các NHTM về định vị chiến lược phát triển, giải pháp tháo gỡ khó khăn.
“Trong thời điểm thị trường còn biến động và khó khăn, vấn đề trọng tâm là phải quản lý được dòng tiền doanh nghiệp (DN) hiệu quả và phí dịch vụ để kiếm lời. Do vậy, thời gian qua chúng tôi dùng chính sách lãi suất cho vay khuyến khích DN sử dụng dịch vụ, nên dư nợ phát triển rất an toàn” - ông PHẠM LINH, Phó Tổng giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB), chia sẻ về chiến lược phát triển tín dụng trong năm 2013 của OCB.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, là một trong số ít NHTM được NHNN cho phép cho vay thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ Đông Xuân 2012-2013, OCB thực hiện chương trình này như thế nào?
Ông PHẠM LINH: - Hơn 2 năm qua, OCB đã tập trung đào tạo cán bộ chuyên trách tín dụng cho ngành gạo, nên đã đáp ứng được các yêu cầu về kho bãi, điều kiện đặc thù, nhu cầu khách hàng của ngành này.
Bên cạnh đó, OCB đã chuẩn bị nguồn vốn khá dồi dào và thời gian qua đã đáp ứng 100% những cam kết với DN gạo. Đơn cử, OCB đã cấp hạn mức và giải ngân hơn 1.500 tỷ đồng cho tín dụng lúa gạo và sẽ bổ sung thêm nguồn vốn cho chương trình cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân 2012-2013, dự kiến từ nay đến cuối năm tăng thêm 1.000 tỷ đồng.
Ở chương trình này, chúng tôi chú trọng đến DN có đầu ra ổn định, kinh doanh hiệu quả, đặc biệt DN kinh doanh khép kín (thu mua, chế biến xuất khẩu…), quản lý nguồn vốn hiệu quả… Lãi suất cho vay của chương trình từ 11%/năm với thời hạn từ ngày 20-2 đến 20-5. Lãi suất này ngân sách nhà nước hỗ trợ nên đây là lợi thế rất lớn cho các DN.
OCB đã chọn lọc và khai thác khách hàng tốt thông qua chính sách, |
- Ngoài ngành gạo, năm nay tín dụng OCB nhắm vào lĩnh vực nào?
- OCB lựa chọn ngành hàng xuất khẩu là định hướng tín dụng mục tiêu, bởi DN xuất khẩu rất năng động tìm kiếm thị trường mới, đa dạng mặt hàng tốt, giá rẻ. Theo đó, OCB đã làm việc với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) để được sắp xếp nguồn ổn định với hạn mức đầu tiên năm 2011 IFC cấp cho OCB là 5 triệu USD, đến nay sau hơn 1 năm IFC đã tăng lên 75 triệu USD cho DN xuất nhập khẩu và DNNVV của Việt Nam.
Từ nay đến cuối năm, OCB sẽ có thêm nguồn vốn tài trợ của IFC, dự kiến trên 100 triệu USD. Đồng thời đối tác chiến lược nước ngoài là NH BNP Paribas (Pháp) có nhiều chương trình hỗ trợ thông qua tài trợ thương mại, cung cấp cho OCB hàng loạt công cụ tìm và sàng lọc DN nhanh thông qua hệ thống đánh giá tính điểm.
Theo đó, OCB có thể xác lập ngay DN nào có thể tài trợ. Ngoài ra, OCB cũng hợp tác với IFC tham gia tài trợ kho hàng cho DN. Đây là chương trình hiệu quả mà các nước trên thế giới đang thực hiện.
- Tín dụng của OCB từ đầu năm đến nay có khả quan? Đẩy tín dụng ra trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự ổn định, áp lực rủi ro, nợ xấu có lớn không, thưa ông?
- Trong 2 tháng qua khối DN của OCB tăng được 8% dư nợ. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong bối cảnh nhiều NHTM gặp khó khăn trong phát triển tín dụng.
Những gì OCB làm thời gian qua có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chọn lọc và khai thác khách hàng tốt thông qua hàng loạt chính sách, hoạt động thực tế. Rủi ro năm nay tôi nghĩ không cao hơn năm 2012, vì DN nào yếu đã thể hiện rõ, DN nào trụ lại được đã bắt đầu ổn định, thực hiện tinh giảm nhân sự, cơ cấu lại tài chính, trả nợ NH…
Một số ngành như gỗ, hạt điều có rủi ro cao vì đầu ra rất yếu trong năm 2012 nhưng nay đã hồi phục và sẽ có sự đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu nước ta.
- Có ý kiến cho rằng biên lợi nhuận trong cho vay năm nay của NHTM sẽ giảm mạnh do áp lực cạnh tranh trong bối cảnh tín dụng trì trệ?
- Biên lợi nhuận huy động và cho vay giảm là đúng với xu hướng nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Dù lãi ít hơn nhưng các NHTM vẫn đảm bảo được lợi nhuận từ tín dụng qua việc giảm chi phí vận hành (giảm nhân sự, thu gọn đơn vị hoạt động không hiệu quả…).
Thực tế, lợi nhuận năm 2012 của các NHTM không tốt, ở mức trung bình, năm nay sẽ khá hơn nhưng không bùng phát cao bởi phải chia sẻ khó khăn với DN. OCB đang đàm phán với đối tác để tìm những nguồn vốn giá rẻ, giúp OCB phục vụ DN tốt hơn và không bị ảnh hưởng quá nhiều đến lợi nhuận.
- Theo ông, các DN đã mạnh dạn vay vốn chưa?
- Qua làm việc với các DN tôi nhận thấy niềm tin của DN về kinh doanh năm nay đã tăng lên, họ tin rằng nền kinh tế đã vượt qua điểm đáy của thị trường.
Tuy nhiên, họ cũng rất cẩn trọng, chưa sẵn sàng đầu tư trung hạn. DN cũng sẵn sàng chiết khấu nhiều hơn cho nhà phân phối để xoay vòng vốn và thu hồi công nợ nhanh hơn. Vì thế hiệu quả kinh doanh có thể không cao bằng những năm trước nhưng an toàn về tài chính của DN cao hơn.
- Theo ông, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm nay liệu có hoàn thành? Và chính sách lãi suất của OCB trong cho vay ra sao?
- Theo tôi, hoàn toàn có thể hoàn thành được bởi nhiều DN đã mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng ra thị trường nước ngoài. Các DN cũng ngày càng năng động trong công tác tìm đối tác nước ngoài, đồng thời có sự liên kết rất chặt chẽ với DN nước ngoài để có thể phát triển lâu dài, chứ không phải xuất một lô hàng xong tìm nơi khác.
Có thể năm nay lợi nhuận không cao hơn các năm trước nhưng họ có sự ổn định và có thể xuất khẩu nhiều hàng hóa ra ngoài. Điều này chúng tôi cũng đã quan sát và nhận thấy khi làm việc với các đơn vị đầu mối xuất khẩu của Việt Nam.
Lãi suất cho vay USD của OCB khoảng 6%/năm, VNĐ thấp nhất khoảng 11-13%/năm, nhưng chính sách lãi suất của OCB còn tùy vào nhiều yếu tố.
Thông thường các DN xuất khẩu vay ở mức trung bình khoảng 13%/năm nếu không sử dụng dịch vụ nào của NH, còn DN sử dụng nhiều dịch vụ của OCB thì chính sách lãi suất thấp hơn. Chúng tôi dùng chính sách lãi suất linh động khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ để kiểm soát rủi ro tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông.