(ĐTTCO) - Với môi trường kinh doanh đang cạnh tranh khốc liệt hiện nay, sẽ có không ít cách “đi tắt” để tiếp cận thị trường. Điều đó dẫn đến khả năng các tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) của DN sẽ bị lợi dụng danh tiếng hoặc xảy ra các tranh chấp liên quan. Vấn đề đặt ra là làm sao để DN nhận biết được đâu là hành vi vi phạm quyền SHTT? Đối với mỗi tài sản SHTT sẽ có những hình thức vi phạm đặc thù và có thể nhận biết.
Bài 2: Bảo vệ quyền SHTT khi khởi nghiệp
Sở hữu trí tuệ (B1): Giá trị tài sản vô hình
● Nhóm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả
Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả luôn bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân bao gồm quyền đặt tên cho tác phẩm, đứng tên thật hoặc bút danh, công bố tác phẩm, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Vừa qua, nghệ sĩ Hà Linh đã gửi đơn khiếu nại về việc Trung tâm Vân Sơn tự ý sử dụng kịch bản hài Tình yêu ngược chiều của ông và đổi tên thành Tình đổi chiều. Nếu chiếu theo các quy định pháp luật, việc tự ý đổi tên tác phẩm đã vi phạm quyền nhân thân của tác giả.
![]() |
Đối với quyền tài sản, hành vi vi phạm thường gặp là sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao hay các quyền lợi vật chất khác. Bởi lẽ, việc làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn, sao chép hay truyền đạt tác phẩm là quyền tài sản của tác giả. Trong đó quyền cấm sao chép hiện là quyền lớn nhất nhưng lại bị xâm phạm nhiều nhất. Lân cận các trường đại học, không khó để bắt gặp các “hiệu sách” bán sách photo đại trà cho sinh viên. Sao chép sách nhằm mục đích kinh doanh và không có sự đồng ý của tác giả, hành vi này đang vi phạm quyền SHTT rất rõ ràng.
Ngoài ra cần lưu ý, chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu cũng là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Hành vi sao chép, cài đặt để sử dụng phần mềm không được sự đồng ý của chủ sở hữu là một hành vi xâm phạm quyền SHTT, như cách mà phần lớn người sử dụng hệ điều hành Microsoft Windows không phải tốn tiền cho tác quyền vẫn đang làm với Microsoft hiện nay.
●Nhóm quyền Sở hữu công nghiệp
Đối với quyền sở hữu công nghiệp, chủ sở hữu có các quyền tài sản bao gồm: quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng; quyền ngăn cấm người khác sử dụng và quyền định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp. Đặc biệt, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp nếu việc sử dụng đó không thuộc các trường hợp “hạn chế quyền” (hạn chế quyền của chủ sở hữu).
● Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp
Đối với sáng chế, hành vi xâm phạm thường gặp nhất là sử dụng sáng chế được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu (trừ trường hợp người đó có quyền sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp). Cần lưu ý, quyền sử dụng trước sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được áp dụng khi có các điều kiện sau: Thứ nhất, phải có hành vi sử dụng của người sử dụng trước diễn ra trên thực tế, nghĩa là họ đang trực tiếp khai thác sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… Thứ hai, việc sử dụng hoặc triển khai chuẩn bị sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp phải diễn ra trước ngày công bố đơn đăng ký yếu cầu bảo hộ. Thứ ba, sáng chế kiểu dáng công nghiệp mà người sử dụng trước đưa vào khai thác được tạo ra một cách độc lập với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp của chủ sở hữu được bảo hộ.
● Bí mật kinh doanh
Có thể nói, bí mật kinh doanh quyết định sự sống còn của mỗi DN. Trong quá trình kinh doanh, đôi khi buộc DN phải tiết lộ một phần bí mật kinh doanh hoặc có những trường hợp bị rò rỉ thông tin. Tiết lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu là một hành vi xâm phạm quyền bí mật kinh doanh. Cần lưu ý, bí mật kinh doanh được bảo hộ phải là thông tin chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Coca-Cola hiện đang là một trong những “ông chủ” có cách giữ bí mật kinh doanh khôn ngoan nhất. Tuy nhiên, cách đây khoảng 10 năm, DN này lại vướng phải một vụ đánh cắp bí mật kinh doanh từ chính trợ lý hành chính của giám đốc. Việc tiếp cận, thu thập thông tin bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp và vi phạm hợp đồng bảo mật cũng là những hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh thường diễn ra.
● Nhãn hiệu, tên thương mại
Trên thị trường, không khó để tìm thấy một mặt hàng gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng, như thương hiệu bánh Danisa của Đan Mạch có nhiều “anh chị em họ” là bánh Dalina, Damisa… Các mặt hàng này sử dụng dấu hiệu nhận biết tương tự về kiểu chữ, màu sắc, bố cục hình ảnh, hoặc gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa dịch vụ. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại thường là việc sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ dẫn tới gây nhầm lẫn. Riêng đối với tên thương mại, hành vi sẽ là vi phạm khi sử dụng tên thương mại tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ.
● Chỉ dẫn địa lý
Đối với chỉ dẫn địa lý, qua nhiều vụ việc bị xâm phạm từ nước ngoài, nhận thấy một số hành vi thường xảy ra như lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý; sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý. Theo tình hình hiện nay, nước mắm Phú Quốc, tài sản quý nhất có đăng ký chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài - vẫn đang bị sử dụng “bừa”. Nhiều cơ sở sản xuất ở những nơi khác, dù chưa bao giờ mua lại nước mắm từ Phú Quốc cũng ghi dòng chữ “nước mắm Phú Quốc” lên nhãn hiệu. Bên cạnh đó, khi chỉ dẫn địa lý được sử dụng cho một loại hàng hóa, bắt buộc hàng hóa này phải đảm bảo đúng tính chất và chất lượng đặc thù của hàng hóa mang chỉ dẫn địa lý. Pháp luật SHTT còn quy định một trường hợp vi phạm khác là sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng.
Tóm lại, mỗi DN cần chủ động nhận biết các hành vi xâm phạm quyền SHTT để có phương hướng xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến thương hiệu và hoạt động kinh doanh. Trong trường hợp gặp các vấn đề thực tế, có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý để được hiểu rõ hơn bản chất của hành vi xâm phạm.