Bài 4: Hạn chế vi phạm SHTT

(ĐTTCO) - Các tranh chấp về sở hữu trí tuệ (SHTT) luôn là vấn đề nóng và chưa bao giờ lắng xuống, hết quý I-2016 đã xảy ra hàng loạt tranh chấp giữa các cá nhân và DN. Vụ tranh chấp 2 nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero giữa Vinataba, Công ty Sumatra (Indonesia) và các bên hiện đang chờ quyết định của Cục SHTT là minh chứng (ảnh). Hầu hết tranh chấp đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của các bên liên quan và ý thức xem nhẹ quyền SHTT.

(ĐTTCO) - Các tranh chấp về sở hữu trí tuệ (SHTT) luôn là vấn đề nóng và chưa bao giờ lắng xuống, hết quý I-2016 đã xảy ra hàng loạt tranh chấp giữa các cá nhân và DN. Vụ tranh chấp 2 nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero giữa Vinataba, Công ty Sumatra (Indonesia) và các bên hiện đang chờ quyết định của Cục SHTT là minh chứng (ảnh). Hầu hết tranh chấp đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của các bên liên quan và ý thức xem nhẹ quyền SHTT.

Bài 3: Hành vi xâm phạm quyền SHTT

Bài 2: Bảo vệ quyền SHTT khi khởi nghiệp

Sở hữu trí tuệ (B1): Giá trị tài sản vô hình

●Tên thương mại, tên miền

Tên miền được sử dụng để nhận dạng vị trí của một máy tính trên mạng internet. Tuy không phải là đối tượng của quyền SHTT, nhưng tên miền cũng được coi là tài sản vô hình của DN và có giá trị vô cùng lớn trong thời kỳ thương mại điện tử phát triển như hiện nay. Đáng chú ý là vụ tranh chấp tên miền tictours.vn vừa xảy ra giữa Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa và ông Nguyễn Quang Thắng. Để hạn chế những tranh chấp liên quan, mỗi DN nên có sự đồng bộ giữa tên thương mại và tên miền. Đây là yếu tố quan trọng trong nhận diện thương hiệu của DN. Do vậy trước khi chọn và đăng ký tên thương mại, tên miền, DN cần tra cứu trên cơ sở dữ liệu quốc gia để đánh giá tên DN có trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nào đang được bảo hộ cho sản phẩm/ dịch vụ mà DN dự định kinh doanh hay không. Tên thương mại nên được đăng ký như nhãn hiệu để đảm bảo khả năng bảo hộ tuyệt đối nhất.

●Nhãn hiệu

Đối với nhãn hiệu, DN cần tiến hành bước tra cứu để đánh giá khả năng bảo hộ, khả năng xâm phạm quyền nhãn hiệu của người khác. Đồng thời, cần nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trong nước sớm nhất có thể, hoặc nộp đơn đăng ký nước ngoài đối với các nước dự kiến phát triển hoạt động kinh doanh hoặc có đối tác kinh doanh (nộp đơn quốc gia trực tiếp hoặc nộp đơn theo Thỏa ước, Nghị định thư Madrid). DN nên chú ý đến các nhãn hiệu đã được công bố trên công báo sở hữu công nghiệp (SHCN) nhưng đang trong giai đoạn thẩm định nội dung, để có thể phản đối kịp thời các nhãn hiệu có khả năng trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu mình đang được bảo hộ, tránh tranh chấp sau này.

●Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Đối với sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, việc đăng ký bảo hộ sẽ phụ thuộc vào tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Do đó cần bảo mật tuyệt đối sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trước khi nộp đơn. Bên cạnh đó phải tra cứu tình trạng kỹ thuật và đánh giá khả năng bảo hộ đối với các đối tượng này để việc nghiên cứu, thiết kế được hiệu quả.

Đối với trường hợp có nhiều đồng chủ sở hữu quyền cho một sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp, các chủ sở hữu cần ký kết thỏa thuận về việc sử dụng quyền, phân chia lợi nhuận… để tránh các tranh chấp về sau. Ngoài ra, chủ sở hữu cần tiến hành thăm dò thị trường để xác định có bên thứ ba nào đang sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp của mình hay không để sử dụng quyền tạm thời. Đây là quyền được thông báo về việc đã nộp đơn đăng ký với người sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp mà không có quyền sử dụng trước để họ chấm dứt sử dụng các quyền này.

● Xác nhận quyền sở hữu trí tuệ trong quan hệ với người lao động và các công việc thuê ngoài

Trong quá trình hợp tác kinh doanh, vẫn có thể xảy ra các trường hợp buộc phải cung cấp tài sản vô hình hoặc thông tin bảo mật. Do vậy, doanh nghiệp cần quy định rõ về quyền sở hữu đối với các đối tượng SHTT trong hợp đồng, thỏa thuận đối với người lao động. Các quyền này bao gồm các quy định về nghĩa vụ của người lao động đối với việc chuyển giao quyền SHTT đối với các đối tượng SHTT do họ sáng tạo ra trong quá trình làm việc tại công ty (theo nhiệm vụ được giao hoặc tự sáng tạo có sử dụng cơ sở vật chất, thời gian làm việc tại công ty), cũng như nghĩa vụ bảo mật thông tin đối với các đối tượng này.

Đối với công việc thuê ngoài, doanh nghiệp phải quy định rõ quyền sở hữu của doanh nghiệp đối với sản phẩm của công việc thuê ngoài. Các quy định này bao gồm nghĩa vụ bảo mật thông tin, cam kết không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba trong sản phẩm của công việc thuê ngoài, và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp có vi phạm xảy ra.

●Sử sụng các chỉ dẫn bảo hộ

Hiện nay, pháp luật chưa quy định về việc hướng dẫn sử dụng các chỉ dẫn về tình trạng bảo hộ như ©, ®, ™ đối với tài sản SHTT của DN một cách cụ thể. Tuy nhiên, nếu dùng sai các chỉ dẫn này lại có thể bị xử phạt. Vì vậy, các DN cần tìm hiểu cách sử dụng các chỉ dẫn này cho sản phẩm, dịch vụ để thông tin đến người tiêu dùng về quyền SHTT của DN. Ngoài ra, liên quan đến các trường hợp phải chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ, DN cần phải sử dụng liên tục, sử dụng đúng nhãn hiệu đã đăng ký để tránh rủi ro bị hủy theo yêu cầu của bên thứ ba vì lý do không sử dụng trong 5 năm liên tục.

Mỗi DN cần tự hạn chế các tranh chấp về SHTT bằng việc đảm bảo sử dụng hợp pháp các đối tượng SHTT của bên khác, như sử dụng có bản quyền các phần mềm, kiểm soát việc cài đặt phần mềm của nhân viên, sử dụng có bản quyền các hình ảnh trong quảng cáo, thiết kế bao bì, không sử dụng các hình ảnh tìm được trên internet cho các thiết kế bao bì hoặc thiết kế quảng cáo của DN. Ngoài ra không thể thiếu đó là luôn luôn hỏi ý kiến chuyên gia trước một hành vi cho rằng có dấu hiệu vi phạm quyền SHTT để được tư vấn các biện pháp xử lý tốt nhất trước khi đẩy mình vào một tranh chấp không đáng có.

Các tin khác