
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật kinh doanh hiện nay vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Điều này đã và đang gây ra những rào cản, khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tổng hợp từ 220 phản ánh do các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi về tính từ ngày 19-5, thời điểm Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi văn bản lấy ý kiến liên quan đến các vướng mắc về pháp luật kinh doanh cho thấy, các vướng mắc gửi về đa dạng, có trong nhiều ngành, lĩnh vực, có trong các quy định và cả trong quá trình thực thi.
"Rà soát quy định thực hiện về dự án đầu tư có sử dụng đất và Dự án đầu tư liên quan đến điện rác, chúng tôi cảm thấy nó như một ma trận. Thực sự trong quy trình thực hiện chúng tôi đi tìm câu hỏi, về nguyên nhân nào khiến cho các dự án đầu tư bị kéo dài, thậm chí là ách tắc không thể triển khai được; và một trong những nguyên nhân đấy là liên quan đến các quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa minh bạch", bà Nguyễn Thị Diệu Hồng cho biết.
Chia sẻ từ thực tế khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải trong hoạt động, Giám đốc Chiến lược và Phát triển Masan Group Lê Bá Nam Anh cho biết, doanh nghiệp hoạt động đa ngành, từ bán lẻ, cafe, tài chính, cho tới khai thác khoáng sản…
Ngành khoáng sản Việt Nam hiện sở hữu nhiều loại tài nguyên quý hiếm có ý nghĩa chiến lược, tuy nhiên, hiện đang đối mặt với chi phí thuế, phí cực kỳ cao, chiếm tới 40-60% doanh thu, trong khi mức trung bình quốc tế chỉ từ 3-8%.
Nguyên nhân xuất phát từ hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, thực tế có những quy định bị trùng lắp tại các luật định, làm tăng chi phí, khiến cho doanh nghiệp gặp khó trong hoạt động.
"Chúng tôi thấy hiện nay có sự trùng lặp về thuế khai thác khoáng sản đối với tiền cấp quyền trong Luật Địa chất và khoáng sản 2024 và thuế tài nguyên theo Luật Thuế Tài nguyên 2009. Thực chất hai nhiệm vụ này có tính chất giống nhau, nhưng quy định lại nằm ở hai Luật khác nhau, gây trùng lặp và còn khó khăn cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp phải thực hiện cả hai nghĩa vụ.
Do đó, kiến nghị Luật Thuế Tài nguyên cần được sửa đổi để thống nhất các loại thuế, phí trong ngành khoáng sản", ông Lê Bá Nam Anh chỉ rõ.
Cùng chung nhận định, nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp cũng cho biết, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong các quy định và thực thi pháp luật về đầu tư, thuế và quy định chuyên ngành… Bà Lê Thị Xuân Huế, Phó Giám đốc Bower Group Asia nêu thực tế.

Hệ thống pháp luật nếu không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế sẽ trở thành lực cản thay vì động lực
Một số dự án đã được Thủ tướng chấp thuận thí điểm trong một số trường hợp đặc biệt, tức là đã qua một vòng hoàn toàn tương tự như thủ tục mà chấp thuận chủ trương đầu tư rồi.
Tuy nhiên sau khi có quyết định thí điểm đấy rồi, thì cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, cụ thể là Bộ Tài chính vẫn yêu cầu phải làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư vì Luật Đầu tư được quy định như thế rồi, thế là doanh nghiệp lại làm lại một vòng nữa, quy trình y hệt như vậy, vẫn là xin ý kiến các Bộ, ngành và vẫn lại trình lên Thủ tướng một bộ hồ sơ y hệt như thế. Việc này nó làm chậm lại quy trình, làm mất cơ hội của Việt Nam và làm ảnh hưởng đến cả nhiều vấn đề lớn khác.
Phó Tổng Thư ký VCCI, ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ, dù đã có nhiều nỗ lực cải cách trong hơn 20 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn do các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, hoặc không rõ ràng.
Đáng chú ý, có những quy định đã tồn tại gần hai thập niên, nay không còn phù hợp, trong khi một số văn bản pháp luật mới ban hành trong năm 2025 lại sớm bộc lộ điểm nghẽn ngay khi triển khai. Một số lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, đổi mới sáng tạo… đang được khuyến khích phát triển, song lại gặp nhiều trở ngại do quy định pháp lý chưa đồng bộ, gây chậm trễ trong triển khai và làm giảm hiệu quả đầu tư.
Việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý là nhu cầu cần thiết, song cũng là thách thức lớn. Hiện nay, khối lượng công việc rất lớn và đang kỳ vọng rất cao, đây cũng là một cơ hội để chúng ta cải cách mạnh mẽ môi trường pháp lý về kinh doanh của Việt Nam giai đoạn tới.
"Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 66 và triển khai quyết liệt các hành động thực hiện Nghị quyết đã tạo ra niềm tin và kỳ vọng mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng môi trường pháp lý minh bạch ổn định sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong giai đoạn tới", Phó Tổng Thư ký VCCI, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Từ góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho rằng, việc xử lý vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhiều năm qua vẫn còn chậm, do thiếu sự đồng thuận từ các cơ quan có liên quan.
Đồng thời nhấn mạnh, Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật đã xác định rõ mục tiêu năm 2025 này phải cơ bản giải quyết xong các khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật gây ra, tạo nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, để tháo gỡ vướng mắc, cần tập trung vào các điểm nghẽn thực sự, không nên chỉ xử lý vụ việc cá biệt- Quá trình xử lý bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia đầy đủ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, trong đó cộng đồng doanh nghiệp là chủ thể đồng hành trung tâm.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú cũng cho biết, trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới đây một số Luật sẽ được điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
"Đây là một quá trình dài, muốn giải quyết được vướng mắc do quy định của pháp luật trong năm 2025, chúng ta cần phải có trọng tâm trọng điểm, tháo gỡ những điểm nghẽn thực sự để cho nền kinh tế phát triển, cho mỗi một doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt trong tháng 10 này, theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền Luật Đầu tư phải sửa đổi toàn diện, bên cạnh đó, một số luật cần được sửa đổi Luật Đất đai, Bộ Chính trị đã chỉ đạo là Luật Đất đai phải sửa đổi vào kỳ họp tháng 10 của Quốc hội, cùng với các Luật Quy hoạch, tiếp nữa là Luật Địa chất khoáng sản, Luật quy hoạch đô thị và nông thôn… Đó là các luật chính cần phải sửa thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh.
Thực tiễn đã cho thấy, hệ thống pháp luật nếu không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế sẽ trở thành lực cản thay vì động lực.
Vì thế, để tháo gỡ hiệu quả, cần một tư duy cải cách quyết liệt, đồng bộ và thực chất. Một môi trường pháp lý minh bạch, ổn định sẽ không chỉ giải phóng nguồn lực, mà còn tạo niềm tin mạnh mẽ, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đầu tư dài hạn thời gian tới.