Bài 5:Bảo hộ quyền SHTT thời hội nhập

(ĐTTCO) - Hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng trở nên quan trọng và đóng vai trò tiên quyết trong việc thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển nền kinh tế và hội nhập. Sẽ có hậu quả ra sao những trường hợp mở Apple Store một cách tự phát khi không có sự nhượng quyền nào từ hãng Apple, hay việc sử dụng phần mềm “lậu” của Microsoft vẫn diễn ra?

(ĐTTCO) - Hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng trở nên quan trọng và đóng vai trò tiên quyết trong việc thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển nền kinh tế và hội nhập. Sẽ có hậu quả ra sao những trường hợp mở Apple Store một cách tự phát khi không có sự nhượng quyền nào từ hãng Apple, hay việc sử dụng phần mềm “lậu” của Microsoft vẫn diễn ra?

Bài 4: Hạn chế vi phạm SHTT

Bài 3: Hành vi xâm phạm quyền SHTT

Bài 2: Bảo vệ quyền SHTT khi khởi nghiệp

Sở hữu trí tuệ (B1): Giá trị tài sản vô hình

Vi phạm SHTT tràn lan

Các điều ước quốc tế về SHTT hiện nay đa phần là những quy định khá khắt khe, đòi hỏi quốc gia và bản thân mỗi DN, mỗi cá nhân phải thay đổi để thích ứng. Một số điều ước quốc tế quan trọng về SHTT mà Việt Nam đã tham gia có thể kể đến như: Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa và Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid; Hiệp định thương mại về Quyền SHTT (TRIPS)… Các điều ước này phần lớn xây dựng các quy định xác lập quyền bảo hộ SHTT cho các đối tượng. Luật SHTT hiện hành cũng đưa ra nguyên tắc: trong trường hợp điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của luật này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Hiện nay thương hiệu Cá tra Việt Nam dự định đến năm 2020 sẽ được bảo hộ về SHTT dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận ở ít nhất 20 nước; Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột hiện tại đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là những tín hiệu vui cho thương hiệu Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, hiện nay ý thức về quyền SHTT, nhất là về nhãn hiệu, quyền tác giả của DN, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ và người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Ngay cả trong các cuộc thi lớn như The Voice, Vietnam Idol hay Sao mai điểm hẹn, việc vi phạm quyền tác giả vẫn đang trong tình trạng đáng báo động. Bên cạnh đó, vấn đề hàng giả, hàng nhái, đánh cắp bản quyền hay dùng “chùa” tài sản trí tuệ của chủ thể quyền vẫn luôn là vấn đề nóng. Việc vi phạm SHTT dường như đang trong tình trạng không thể kiểm soát và gây nên nhiều hệ lụy, quan trọng nhất là dẫn tới tình trạng khó thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Hiện tại hệ thống bảo vệ quyền SHTT tại Việt Nam đã khá hoàn thiện và tương đồng ở mức cao so với hệ thống chung của thế giới. Tuy nhiên việc thực thi còn khá yếu kém và chưa được triệt để. Tham gia điều ước quốc tế là một trong những điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi cả khối chính quyền lẫn khối DN phải nghiêm túc thực thi.

TPP sẽ tạo dấu mốc

Nhắc tới các hiệp định liên quan đến SHTT, không thể không đề cập đến Hiệp định TPP. Chương 18 của hiệp định này quy định riêng về SHTT, điều chỉnh các lĩnh vực về bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, bí mật thương mại, các hình thức khác của quyền SHTT, và việc thực thi các quyền về SHTT, cũng như các lĩnh vực mà các thành viên đồng ý hợp tác.

Liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, Hiệp định TPP yêu cầu Việt Nam gia nhập Điều ước về Luật Nhãn hiệu. Điều ước đòi hỏi phải đơn giản hóa thủ tục, xác định quyền đối với nhãn hiệu, tức là thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Do đó, trong tương lai gần, chỉ dẫn địa lý sẽ được đăng ký như một nhãn hiệu và có quyền chống lại các chỉ dẫn địa lý trùng khác.

Về bản quyền, chương về SHTT xây dựng những cam kết liên quan đến quyền của người sáng chế, tạo ra bảo hộ rõ rệt đối với các tác phẩm như bài hát, phim, sách và phần mềm, các biện pháp bảo vệ công nghệ và thông tin quản lý bản quyền. Đồng thời, xây dựng một nghĩa vụ: các nước thành viên phải có quy chế giám sát nhà cung cấp dịch vụ internet nhằm ngăn chặn những nội dung vi phạm truyền qua mạng. Như vậy, đồng nghĩa với việc sẽ không còn tình trạng sao chép, tải về các nguồn thông tin miễn phí từ mạng internet.

SHTT đã trở thành câu chuyện chung của cả 12 quốc gia trong TPP chứ không còn riêng của Việt Nam. Và vấn đề lại được đặt ra với các DN, khi các thói quen kinh doanh trước đây thường không coi trọng vấn đề về bản quyền về SHTT. Các DN sẽ phải bỏ ra một chi phí lớn hơn để sử dụng các tài sản trí tuệ mà hiện nay đang dùng miễn phí, ví dụ như các phần mềm, hệ điều hành máy tính… Tuy nhiên, trong môi trường được bảo hộ, DN sẽ yên tâm hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nếu xảy ra tranh chấp cũng có thể giải quyết thuận lợi. Tình trạng có giày Converse, lại có thêm giày Converse “fake” sẽ không tiếp tục được tồn tại trong TPP. Các DN phải tập quen dần với việc tôn trọng quyền SHTT khi TPP sẽ đánh sâu vào mọi hoạt động có liên quan đến SHTT.

DN cần chuẩn bị những gì?

Cho đến khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, các DN Việt cần chuẩn bị cho mình khá nhiều hành trang. Thứ nhất, DN nên rà soát lại các tài sản trí tuệ và đăng ký bảo hộ để được công nhận bảo hộ trong toàn khối TPP. Các đối tượng cần được đăng ký bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên miền và các chỉ dẫn thương mại khác. Đặc biệt lưu ý các chỉ dẫn địa lý. Để tránh lặp lại các vụ việc của cà phê Buôn Mê Thuột, kẹo dừa Bến Tre hay nước mắm Phú Quốc, các DN cần có bước đăng ký cụ thể.

Thứ hai, các DN, đặc biệt là DN trong lĩnh vực nông nghiệp, cần tận dụng tốt vai trò và chức năng của các hiệp hội. Hiện nay nhiều hiệp hội chuyên biệt cho từng sản phẩm nông nghiệp đã tồn tại như Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột, Hiệp hội Cao su Việt Nam… Hội nhập thường kéo theo “buôn có bạn, bán có phường”, do đó các hiệp hội, các tổ chức nên cùng hợp lực để xác lập các quyền SHTT đối với hàng hóa và sản phẩm, đặc biệt là các nông sản “thuần Việt” bằng việc đăng ký các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Thứ ba, trong tương lai, DN sẽ phải chi nhiều khoản phí cho việc sử dụng bản quyền và quyền SHTT. Do vậy, bắt buộc các DN phải nâng cao mức doanh thu và lợi nhuận, mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, việc đầu tư vào các tài sản SHTT của DN sẽ góp phần tạo ra nhiều tài sản vô hình và giá trị thặng dư cho DN, nâng cao giá trị thương hiệu trên thị trường.

Giày Converse bị nhái nhãn hiệu tràn làn trên thị trường.

Giày Converse bị nhái nhãn hiệu tràn làn trên thị trường.

Thứ tư, cần xây dựng chiến lược đầu tư rõ ràng cho các thị trường dự định. Quyền SHTT mang tính lãnh thổ và chỉ được bảo hộ ở quốc gia đăng ký. Do đó, khi DN xác định được thị trường tiềm năng, cần xây dựng một kế hoạch đầu tư, phát triển rõ ràng, trong đó bao gồm cả việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. 

Thứ năm, DN phải chủ động bảo vệ các tài sản SHTT cho mình và nhận biết các hành vi vi phạm để có bước xử lý kịp thời. Trong nhiều trường hợp, DN cũng cần có ý kiến tư vấn pháp lý từ các chuyên gia về SHTT để có hướng đi đúng nhất.

Các tin khác