Bãi bỏ thay vì nâng cấp

(ĐTTCO) - Đại diện các nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục duy trì thế độc quyền nhập khẩu xe chính hãng thông qua việc nâng cấp Thông tư 20/2011/TT-BCT (về quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống) lên nghị định. Trong khi đó, nhiều DN và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đây là quy định cần phải bãi bỏ.

(ĐTTCO) - Đại diện các nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục duy trì thế độc quyền nhập khẩu xe chính hãng thông qua việc nâng cấp Thông tư 20/2011/TT-BCT (về quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống) lên nghị định. Trong khi đó, nhiều DN và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đây là quy định cần phải bãi bỏ.

Tạo thế độc quyền

Thông tư 20 quy định chỉ những DN có giấy chỉ định, hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng sản xuất mới được nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi phân phối tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, một số DN có nhu cầu nhập khẩu ô tô cho rằng quy định này đang làm méo mó thị trường ô tô, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Do vậy cần thay đổi để tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa DN có nhu cầu nhập khẩu ô tô, qua đó mang lại lợi ích tối đa cho người mua xe.

Dù hết sức quan tâm nhưng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không thành công, bởi kinh nghiệm và nhận định về thị trường chưa đầy đủ. Quy mô thị trường không lớn, 1 năm không quá 200.000 xe tiêu thụ nhưng có đến 14 cơ sở lắp ráp ô tô. Chia quy mô thị trường quá nhỏ. Như vậy không thể hình thành thương hiệu ô tô riêng của Việt Nam.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư 

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại trong tháng 5 hơn 12.000 chiếc, tăng 30% so với tháng 4. Trong đó, lượng nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 6.600 chiếc, tăng 96,6%; ô tô tải 3.900 chiếc, giảm 10,8%. Tính đến hết tháng 5, cả nước đã nhập khẩu 41.230 chiếc, đạt 968 triệu USD, giảm 9,5% về lượng và giảm 19,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Đối với dòng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, nhập khẩu từ Ấn Độ 5.400 chiếc, giảm 18,7%; từ Thái Lan gần 3.100 chiếc, tăng 92,4%; từ Nhật Bản 2.600 chiếc, tăng 31,4%.

Thực tế thị trường ô tô Việt Nam so với các nước trong khu vực không thật sự hấp dẫn, nhưng chính cơ chế nhập khẩu ô tô hiện nay đang mang lại lợi nhuận cho nhiều DN nước ngoài là đại lý phân phối độc quyền các dòng xe tại Việt Nam. Vì lẽ đó, mới đây các nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng đã có văn bản đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục duy trì thế độc quyền nhập khẩu với lý do để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ. Đại diện cho các nhà nhập khẩu ô tô được ủy quyền chính hãng, ông Laurent Genet, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Á Châu, dẫn ra 7 lý do nên nâng cấp Thông tư 20 thành nghị định. Đó là chế độ bảo hành, bảo dưỡng chính hãng; linh kiện và phụ tùng có nguồn gốc chính hãng; hỗ trợ đào tạo kỹ thuật từ nhà sản xuất; thu hồi sản phẩm lỗi; trang thiết bị và cơ sở vật chất chính hãng; thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ô tô; tránh thất thu thuế nhập khẩu ô tô.

Người tiêu dùng phải bỏ nhiều tiền hơn

Tuy nhiên, đề xuất trên đã vấp phải sự phản đối của DN trong nước. Theo ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phú chuyên nhập khẩu ô tô tại phía Bắc, việc duy trì những quy định của Thông tư 20 đối với hoạt động nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ khiến người mua xe đang phải bỏ nhiều tiền hơn để sở hữu 1 chiếc xe. Giá ô tô dưới 9 chỗ trước và sau thời điểm ban hành Thông tư 20 chênh lệch khá lớn. Mẫu mã các dòng xe không phong phú vì các hãng xe nước ngoài đang độc quyền kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Giá cả và mẫu mã xe ô tô nhập khẩu trong 6 năm qua đều do các tập đoàn sản xuất ô tô quyết định, họ có thể yêu cầu nhà phân phối mua bán giá cao hơn, vì DN nhập khẩu phụ thuộc vào nhà phân phối độc quyền các dòng xe. Do vậy người mua xe không có sự lựa chọn, phải mua xe lỗi mốt, xe tồn của các hãng.

Việc duy trì quy định đối với nhập khẩu xe 9 chỗ sẽ khiến người tiêu dùng phải chi nhiều tiền hơn.
Việc duy trì quy định đối với nhập khẩu xe 9 chỗ sẽ khiến người tiêu dùng phải chi nhiều tiền hơn.

 Nhiều DN nhập khẩu ô tô trong nước cũng cho rằng Thông tư 20 chỉ làm lợi cho DN nước ngoài được độc quyền kinh doanh ô tô tại Việt Nam, thu về siêu lợi nhuận từ sự độc quyền. Trong khi người tiêu dùng trong nước, ngân sách nhà nước, cũng như DN nội bị thiệt hại nặng nề. Sự cạnh tranh giữa các nhà nhập khẩu, phân phối ô tô sẽ mang lại tối đa lợi ích cho người mua xe, tránh làm méo mó thị trường ô tô trong nước.

Góp ý cho dự thảo nghị định có đề cập đến nội dung trong Thông tư 20 đang được Bộ Công Thương nâng cấp lên nghị định, VCCI cho rằng việc yêu cầu phải có giấy ủy quyền của chính hãng có thể tạo ra ưu thế cho một số thương nhân đã có giấy ủy quyền, những thương nhân khác không có giấy tờ này, muốn được tiếp tục kinh doanh ô tô nhập khẩu, phải mua qua khâu trung gian là các thương nhân này. Và thực tế, từ khi Thông tư 20 ra đời hàng loạt DN kinh doanh ô tô nhập khẩu phải đóng cửa hoặc lâm vào tình trạng khó khăn.

Điều này một mặt làm méo mó cạnh tranh giữa 2 nhóm thương nhân, mặt khác cũng khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu này. Mặt khác, yêu cầu về giấy ủy quyền không mang lại lợi ích nào từ góc độ quản lý, vì được ủy quyền hay không được ủy quyền vẫn là DN chịu trách nhiệm. Nhà sản xuất không chịu trách nhiệm gì bổ sung trong trường hợp có ủy quyền so với trường hợp không có ủy quyền. Chính vì vậy, VCCI cho rằng cần phải bãi bỏ Thông tư 20 chứ không phải là chuyển các điều kiện trong đó lên nghị định.

Các tin khác