Việc Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam xác nhận Chính phủ đang xem xét việc Bộ Xây dựng có tờ trình về việc ngừng tổ chức thí điểm 2 tập đoàn do bộ này chủ quản, là Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) và Tập đoàn Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam (Sông Đà), đã làm rõ những thông tin đồn đoán lâu nay về việc Bộ Xây dựng “chịu hết nổi” 2 “quả đấm thép” của mình.
Thành lập từ tháng 1-2010, tại thời điểm thị trường BĐS vẫn còn hiện hữu những cơn sốt ảo, 2 tập đoàn này được kỳ vọng tạo nên những bước ngoặt lớn, định hướng, thậm chí chi phối thị trường BĐS đang bất ổn.
Thế nhưng, trong suốt hơn 2 năm hoạt động, 2 tập đoàn của ngành xây dựng đã bộc lộ những lúng túng trong điều hành và mờ nhạt trong hoạt động thực tế. Món nợ gần 400 tỷ đồng tiền sử dụng đất của HUD hay sai phạm lên tới 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Sông Đà đã chứng thực cho điều này.
Bi đát nhất có lẽ là Tập đoàn Sông Đà với những bất ổn lớn ở các công ty con như Sông Đà Thăng Long hay những khoản nợ lớn lên tới hàng ngàn tỷ đồng của Nhà máy xi măng Hạ Long (Quảng Ninh), Nhà máy xi măng Đồng Bành (Lạng Sơn)…
Cách đây vài năm, tại hội thảo “Thành lập tập đoàn trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí, lắp máy”, đại diện một số tổng công ty tham dự hội thảo cũng tỏ ý lo ngại về mô hình tập đoàn kinh tế chỉ được thành lập bằng các quyết định hành chính sẽ không hiệu quả trong tương lai. Cách thức tổ chức, cơ cấu và quyền lợi của các thành viên tham gia sẽ được giải quyết như thế nào?
Những lo ngại ấy nay đã trở thành hiện thực khi phép cộng khiên cưỡng này bước đầu đã cho kết quả không như mong muốn. Các doanh nghiệp riêng lẻ khi sáp nhập thành tập đoàn cần dựa trên việc tận dụng các thế mạnh riêng của nhau, nâng quy mô, khả năng tài chính... để cùng phát triển.
Thế nhưng Tập đoàn Sông Đà với 230 công ty con, HUD với 183 công ty con đã không tìm được chất keo kết dính này, dẫn đến việc mỗi công ty con hoạt động một phách, thậm chí phát sinh những mâu thuẫn nội bộ, giữa các công ty con với nhau, giữa công ty mẹ và công ty con...
Việc tạm dừng thí điểm tập đoàn ngành xây dựng, tái cơ cấu lại các tập đoàn này là hoàn toàn cần thiết. Thực tế, mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước đã được thí điểm từ năm 2006 và được tiếp tục mở rộng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tổng kết đầy đủ và chính xác về mô hình này.
Nhiều yếu kém trong tổ chức, quản lý đã lộ rõ trong thời gian thí điểm. Đặc biệt tình trạng đầu tư dàn trải, vào những lĩnh vực không thuộc thế mạnh. Thậm chí khuôn khổ pháp lý để tổ chức và hoạt động của các tập đoàn cũng chưa đầy đủ.