Buýt xanh cũng khó đáp ứng người dân TP
Nếu buýt xanh hơn BRT phải dùng xe chạy điện hoặc nhiên liệu ít khí thải, hay nếu buýt xanh có chất lượng cao hơn BRT thì xe đẹp hơn và nội thất sang trọng, hiện đại hơn. Nhưng thực ra đó không phải là yếu tố quyết định sự lựa chọn của hành khách, bởi đa số họ không chọn xe đi chơi mà chọn xe đi kiếm sống.
Vì thế, điều họ cần là đến được những nơi cần đến, kể cả những khu đường hẹp, hẻm nhỏ với giá vé phải chăng. Còn việc xe đẹp hay xấu, chất lượng cao hay kém hơn không quan trọng hơn lợi ích.
Phải chăng lý do thực hiện dự án là để tranh thủ vốn IDA (vốn vay ưu đãi từ các nước phát triển) ngay trong năm 2022. Nếu đó là mục tiêu chính cần xem cái lợi đó có lớn hơn nếu nó lặp lại những bất cập như BRT. Nếu là "làn đường ưu tiên", tức ngoài buýt xanh không phương tiện nào được sử dụng, thì việc lấy chiều rộng của làn ưu tiên nhân với 26km chiều dài từ An Lạc đến Rạch Chiếc, sẽ thấy diện tích giao thông chỉ dành cho loại phương tiện chiếm tỷ lệ cao, không cân xứng với các loại phương tiện khác.
Và so với hiệu quả chuyên chở hành khách (điều này đã được chứng minh bằng kinh nghiệm của Hà Nội sau 1 tháng dành riêng đường cho BRT), công suất chuyên chở hành khách của tuyến đường dành riêng thấp hơn rất nhiều so với đường dùng chung, gây ra ùn tắc cho các phương tiện khác.
Dự án "buýt xanh" phải tính đến "vết xe đổ" của "buýt nhanh" tại Hà Nội
(Trong ảnh: Tuyến buýt nhanh tại Hà Nội).
(Trong ảnh: Tuyến buýt nhanh tại Hà Nội).
Với mục tiêu buýt xanh nhằm giảm sử dụng xe máy, có lẽ sẽ kém hiệu quả, bởi không phải do người dân TP chê xe buýt cũ hay chưa quen đi xe buýt, mà do buýt không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đi lại kiếm sống rất đa dạng như chiếc xe máy: vừa rẻ tiền, tiết kiệm xăng, gọn nhẹ, tiện lợi, có thể đến tất cả con hẻm nhỏ nhất, kể cả đi vào trong các chợ truyền thống.
Nói cách khác, với đặc điểm hạ tầng giao thông TP hiện có 2/3 số đường hẹp và các con hẻm nhỏ, đồng thời phần đông cư dân kiếm sống bằng buôn bán, dịch vụ nhỏ, xe gắn máy vẫn là đối thủ cạnh tranh có lợi thế vượt trội so với các phương tiện giao thông khác. Nên dù là buýt xanh, BRT hay metro cũng chưa chiếm được ưu thế đó.
Thiếu tính khả thi
Về mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, nếu buýt xanh lúc nào cũng đầy khách, thì số lượng ấy cũng chiếm tỷ lệ nhỏ so với dân số mười mấy triệu người, nên áp lực giao thông chung của cả TP cũng không giảm đáng kể. BRT ở Hà Nội và Đà Nẵng không thành công vì hạ tầng giao thông và mật độ phương tiện là trở lực lớn nhất, và TPHCM cũng dừng triển khai tuyến BRT theo trục đường Võ Văn Kiệt.
Trong khi đó, những năm gần đây, hạ tầng giao thông và mật độ phương tiện ở TPHCM chưa cải thiện đáng kể, diện tích dành cho giao thông vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với tiêu chuẩn của đô thị hiện đại. Vì thế, việc làn ưu tiên của buýt xanh chiếm diện tích khá nhiều sẽ làm các phương tiện khác khó lưu thông hơn.
Từ những phân tích, so sánh nêu trên, cho thấy đề án buýt xanh chưa có những yếu tố thuận lợi vượt trội so với chương trình BRT đã không thành công, nên tính khả thi của đề án buýt xanh cần được nghiên cứu thêm, phải đặt nó vào bài toán giao thông tổng thể của TPHCM.
Đó là tại sao phải chạy theo phát triển phương tiện giao thông công cộng có kích cỡ lớn, trong khi TP có 2/3 là đường hẹp và hẻm nhỏ xe buýt lớn không thể vào được. Phải chăng có quan niệm cho rằng giao thông công cộng kích cỡ lớn mới là TP hiện đại? Có lẽ nên suy nghĩ thực tế hơn, trên cơ sở thực trạng của hạ tầng giao thông và đặc điểm hoạt động kinh tế đa số người lao động.
Thực tế lời giải cho bài toán này đã được đề xuất từ nhiều năm trước. Đó là đa dạng hóa kích cỡ phương tiện giao thông công cộng phù hợp với hạ tầng giao thông của từng khu vực.
Cụ thể, buýt lớn chỉ phù hợp cho đường rộng, buýt trung và nhỏ cho đường hẹp, xe máy phù hợp cho khu hẻm nhỏ. Đó là sự thích ứng và sắp xếp tự nhiên, đồng thời tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người dân theo lợi ích và hoàn cảnh cụ thể. Trong thời điểm hiện tại, lời giải này cần đặt trên cơ sở trình độ công nghệ 4.0 về điều tiết giao thông.
Mặt khác, xu hướng giao thông của TP thông minh trên thế giới cũng đa dạng kích cỡ phương tiện, thậm chí chú trọng hơn đến giao thông cá nhân, nhất là trong điều kiện sống chung với Covid, phải thực hiện giãn cách, phương tiện cỡ lớn không phát huy được lợi thế bằng phương tiện nhỏ.
Với mục tiêu buýt xanh nhằm giảm sử dụng xe máy, có lẽ sẽ kém hiệu quả, bởi không phải do người dân TP chê xe buýt cũ hay chưa quen đi xe buýt, mà do buýt không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đi lại kiếm sống rất đa dạng như chiếc xe máy. |